Các lễ hội trong ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ:
Đông, vui nhưng vẫn còn “sạn”
Những ngày trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đã diễn ra sôi nổi tại các địa phương trong tỉnh; bên cạnh mặt tích cực, một số lễ hội còn xuất hiện nhiều hình ảnh chưa đẹp.
Tại Lễ hội Chợ Gò - Trường Úc (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) diễn ra vào sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ, mặt dù ngành chức năng đã lên kế hoạch phân luồng giao thông nhưng tình trạng kẹt xe cục bộ trên tuyến Quốc lộ 19 (khu vực diễn ra lễ hội) vẫn xảy ra trong thời gian khá dài. Gần như trong suốt buổi sáng mùng 1 Tết, tất cả các phương tiện mô tô, xe buýt phải vô cùng vất vả mới có thể nhích từng mét để qua khỏi khu vực Chợ Gò. Hàng trăm chiếc xe máy chen lấn, tranh giành nhau vượt lên phía trước khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng, cả một đoạn đường dài trở nên lộn xộn, mất trật tự. Được biết, xảy ra tình trạng này là bởi năm nay lượng du khách tập trung về Chợ Gò đông hơn mọi năm; ngoài ra, nguyên nhân chính là do một bộ phận người dân chiếm dụng gần 1/3 lòng đường để bày bán các loại hàng hóa. Việc làm này khiến QL 19 đã hẹp lại càng hẹp thêm, nên tình trạng kẹt xe, mất trật tự giao thông là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình có nhà ở ven đường tranh thủ kinh doanh dịch vụ giữ xe, tràn ra đường tranh giành, lôi kéo khách cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng kẹt xe, lộn xộn.
Còn tại Hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) diễn ra vào chiều mùng 2 Tết, trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi, nhiều cổ động viên có lời lẽ tục tĩu, thiếu văn hóa khiến nhiều du khách lắc đầu ngao ngán. Chưa hết, một số cổ động viên quá khích của các đội còn chửi bới, ẩu đả nhau khiến lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh phải “toát mồ hôi” ngăn chặn. Không chỉ vậy, chứng kiến cảnh nhiều chiếc thuyền, sõng câu mỏng manh vốn chỉ chở được 2 - 3 người nhưng lại “gồng gánh” hơn 20 - 30 cổ động viên không hề mặc áo phao nhưng nhiệt tình hò hét, vung tay cổ vũ làm nhiều khán giả phải thót tim. Hay tại Hội đua thuyền truyền thống trên đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ) diễn ra vào mùng 6 Tết Giáp Ngọ, chỉ một sự cố va chạm nhỏ đã suýt dẫn đến đánh nhau giữa đội đua và ban tổ chức. Dù sau đó tình hình đã được kiểm soát nhưng hình ảnh “quyết liệt ăn thua” giữa đội đua và ban tổ chức khiến giải đua không được trọn vẹn.
Trong khi đó, tại Lễ hội Chiến thằng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Giáp Ngọ, tình trạng nhiều người kinh doanh dịch vụ giữ xe, ăn uống, nhà trọ… theo kiểu “ăn xổi”, đẩy giá lên cao hơn nhiều lần so với ngày thường xảy ra phổ biến khiến không ít du khách bức xúc. Điển hình như mặt hàng nước mía, trong suốt 2 ngày diễn ra lễ hội, nhiều du khách “rát mặt” với kiểu “chặt chém” của không ít người kinh doanh. Anh Lê Thanh Quang, du khách đến từ TP Tam Kỳ (Quảng Nam), thổ lộ: “Trời nắng nóng, tôi và nhiều người tham dự lễ hội tìm đến các điểm bán nước mía để “hạ nhiệt”. Đến khi trả tiền, người bán hô 15.000 đồng/ly khiến không ít người cảm thấy “choáng””. Bên cạnh đó, dịch vụ trông giữ xe tại Lễ hội Đống Đa cũng nóng bỏng không kém, mức giá được nhiều người đẩy lên trên 10.000 đồng/chiếc xe máy. Ngoài ra, nạn buôn bán hàng rong tràn lan hai bên đường, hiện tượng nhiều người bán hàng chèo kéo khách cũng gây cản trở giao thông, khó chịu cho nhiều du khách.
Ngoài tình trạng “chặt chém” khách của một số hộ kinh doanh, hiện tượng nhiều du khách về tham dự lễ hội còn thiếu ý thức trong việc tuân thủ quy định, bảo vệ môi trường cũng là điều đáng suy ngẫm. Đơn cử như việc nhiều người vô tư vứt các loại đồ ăn thừa, bì ni lông, vỏ chai nhựa… lung tung khắp nơi làm mất vệ sinh, ảnh hưởng đến mỹ quan tại lễ hội. Đặc biệt, ngay trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, có không ít du khách thực hiện một số hành vi ứng xử thiếu văn hóa như bẻ hoa, dẫm đạp lên hệ thống hoa viên cây cảnh.
C.LUẬN - H.NHI
Những hạt sạn này chính là những U nhọt mà bấy lâu nay chúng ta chưa Dám cắt bỏ được. Lễ, Hội thì phải Trang nghiêm và phải giáo dục và truyền đạt cho những người tham gia lễ hội cuốn theo sự trang nghiêm này. Khi đó không còn hạt sạn nữa.