Góc vườn có lá me rơi
Nhà có khoảng vườn xanh màu cỏ lá: nào ổi, mận, xoài sum suê hoa trái, nào hành, hẹ, rau răm, bông cải à ơi câu ví “Gió đưa hoa cải về trời…”, vậy mà tôi vẫn thích nhất góc trời có lá me rơi - nơi cây me cổ thụ sừng sững trụ vững cùng bão giông đã mấy chục năm rồi.
Mẹ nói từ lúc sinh ra, mẹ đã thấy cây me ngoan hiền lặng im nằm chốn đó, canh giữ và chở che cho đất cội, đất nguồn. Chẳng rõ ông bà có trước hay cây me có trước, chỉ biết nó gấp đôi, gấp ba lần tuổi của tôi và em Tủn cộng lại. Cây me cao, to, vòm lá rộng và xòe ô phủ nắng. Mỗi dịp thu sang, lá me rơi vàng mơ một vùng sân vườn. Chỉ cần gió khẽ khàng bước và nhẹ nhàng lay là cây me đã cựa mình trút lá, mang theo vô vàn mắt biếc li ti lửng lơ giữa khoảng không… Em Tủn gọi khoảng trời có lá me rơi là vườn cổ tích. Bước chân qua khoảnh khắc ấy, em nghĩ mình là cô nàng Alice trong truyện cổ tình cờ lạc vào xứ sở thần tiên với vô vàn điều hay, vật lạ. Niềm vui của em thường giản đơn và dễ dàng tìm kiếm, như thể bầy chim vắt vẻo trên cành cao khi sinh ra đã biết cất tiếng hót trong trẻo, ngọt lành.
Bố thường tự hào về chiến tích lẫy lừng của mình gắn bó với cây me khi còn trai trẻ. Hồi ấy, nhà bố, nhà mẹ sát cạnh nhau, chỉ một tiếng í ới thôi cũng đủ định vị được đối phương đang trốn nấp ở chỗ nào. Ngày bé, gốc me là gian hàng bán buôn của mẹ, bố thường bò qua lỗ hổng, hái lá dâm bụt làm tiền để mua trái me chua, me non, me bùi. Năm tháng qua mau, bố đi học xa nhà, mẹ ở lại chăm chỉ cùng cuộc sống mưu sinh. Bố gửi thư về, hỏi thăm cô hàng xóm, đề tặng mấy câu thơ: “Góc vườn có lá me rơi/ Chiều chiều ta lại ra chơi đồ hàng/ Chắt chiu được một hũ vàng/ Anh đem mua kiệu rước nàng về dinh”. Vậy mà mẹ giữ, mẹ tin, mẹ đợi, rồi biết quý, biết nhớ, biết thương từ dạo đó. Sau này, khi đã rước được nàng như lời hứa hẹn, bố thường trêu mẹ cả tin và “dại dột”, ai đời lại dễ dàng bị “phỉnh dụ” bởi anh học trò tay trắng sẽ “làm giàu” từ gánh hàng vương vấn lá me! Tôi đọc trong mắt mẹ có điều trong veo từ những chuyện xưa cũ, nghe trong lời bố có quá đỗi ấm áp, nồng nàn.
Chị em tôi lớn lên trong bầu thân mật ấy. Và cây me không chỉ chứng kiến cuộc hôn nhân yên bình của bố mẹ mà còn dõi theo những đứa con của họ đã trưởng thành như thế nào. Thưở ấy, lá me được tôi ép khô trong tập vở thay cho chiếc lá thuộc bài. Mùa theo mùa, mỗi bộ phận của cây đều phát huy công dụng: lá me xanh tơ chua chua, chát chát giúp bố bớt nhạt miệng; trái me non chấm ruốc thơm đã theo mẹ suốt mấy tháng trời mang bầu em Tủn; quả me già được bà hái vào gọt tỉ mẩn, sạch sẽ để làm me dầm; me “dốt” ngon ngót, bùi bùi được tôi hái làm quà cho lũ bạn cùng tổ, me chín ngọt lịm rụng khắp sân được ông nhặt nhạnh vào mỗi chiều để làm tráng miệng sau bữa cơm mắm muối, dưa cà. Là vậy, cây hiện diện trong đời sống gia đình như một phần không thể tách rời.
Mấy hôm nay, nghe đâu sẽ có dự án đường cao tốc của tỉnh chạy qua khoảng vườn của nhà. Ông bà bồn chồn trong dạ, còn bố mẹ thì thấp thỏm, thương lo cho số phận của cây me sẽ bị chặt bỏ. Nghĩa là một phần kỉ niệm, một phần năm tháng, một phần cuộc đời đã trôi xa sẽ bị lãng quên mà chẳng còn ai nhắc nhở, giữ gìn.
Thế nên, Tết này, mẹ tôi đã hái thật nhiều me già để dầm, để rim làm mứt, vì biết đâu mùa sau chẳng còn…
Phan Nguyễn Trà Giang