Cùng ngư dân ra khơi đánh bắt tôm hùm
Phóng sự dự thi
Ngày 1.4 vừa qua, nhận được cú điện thoại của ngư dân Lê Công Chỉnh, chủ ghe BĐ 10665 TS ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn-Bình Định) thông báo: “Chiều nay ghe tui đi đánh tôm hùm, anh có tham gia thì vác ba lô xuống đi”. Tôi mừng rơn, bởi niềm ao ước được theo ngư dân đi săn tôm hùm giống bấy lâu nay của tôi được thỏa nguyện.
Ngư dân Chiêm nhổ neo cho ghe ra biển.
So với hầu hết các nghề đánh bắt hải sản trên biển, có lẽ nghề đánh bắt tôm hùm giống là nghề đặc biệt nhất. Bởi lẽ, nếu như các nghề khác chỉ đánh bắt hiệu quả khi trời yên, biển lặng thì chính quãng thời gian trời bão gió, biển động mới là vụ đánh bắt chính của nghề săn tôm hùm giống. Do vậy, chuyến biển này của chúng tôi diễn ra trong lúc biển đang rất êm, nên có thể gọi là chuyến đánh bắt trái mùa. Tuy nhiên, do tôm hùm giống đang đứng ở giá cao ngất: 300.000đ/con nên ngư dân làm mành trũ vẫn không ngừng bám biển để săn tôm hùm.
Ra khơi trái mùa
Không như các nghề đánh bắt xa bờ khác, mỗi chuyến biển phải cần hàng vài chục thuyền viên, nghề làm mành trũ săn tôm hùm giống chỉ cần 3 người là đủ, chuyến này có thêm tôi là 4. Muốn ra chỗ ghe neo đậu, chúng tôi phải xuống thúng. Vừa lắc thuyền thúng, chủ ghe Lê Công Chính vừa giải thích: “Theo các lão ngư ở làng chài Nhơn Hải truyền lại, khi biển “sôi sục” sóng gió, đáy biển bị xáo trộn, khi ấy lòng biển tung ra nhiều loại thức ăn “khoái khẩu” của lũ tôm hùm. Những loại thức ăn này đầy dẫy trong các tầng nước nên lũ tôm hùm thích lang thang tìm mồi. Do đó, mùa biển động chính là thời vụ chính của nghề đánh bắt tôm hùm giống. Đó là quãng thời gian từ tháng 10 âm lịch năm trước sang đến tháng 2 năm sau. Bây giờ đang thời điểm cuối mùa, tôm cũng còn xuất hiện nhưng rất ít. Nếu may mắn 1 mẻ lưới kiếm được 10 con thì cũng kiếm được 3 triệu đồng”.
Thả mành đánh tôm hùm giống.
Chỉ sau khoảng nửa giờ, ghe chúng tôi đã ra đến Mũi Chính, bên này là Hòn Khô, bên kia là Hòn Yến. Sau khi nhìn con nước, chủ ghe chọn đây làm điểm thả mành. Ngư dân Hà Văn Chiêm, cho biết: “Bây giờ trời đang trở gió bấc, con nước sẽ đi lên (đi ra theo hướng bắc), ghe mình đứng đây, thả mành đón chúng theo hướng đi con nước thì may ra mới có tôm mang về”. Khoảng nửa giờ sau, công việc thả mành hoàn tất. Lau 2 bàn tay bị thấm nước sũng nhão vào chiếc áo cũng đã ướt nhèm, ngư dân Chiêm mồi điếu thuốc, rít lấy rít để. Vừa nhả hơi thuốc đầu tiên, Chiêm vừa nối tiếp câu chuyện: “Con nước đi lên theo gió bấc có nghĩa là đi từ trong ra. Mành trũ mình phải bủa thành hình tam giác, theo hướng “đáy tam giác” nằm ở phía trong để đón lũ tôm, “đỉnh tam giác” nằm phía ngoài để “hứng” tôm như 1 cái đãy. Nhiệm vụ giữ cho chiếc mành nằm đúng vị trí tam giác như thế thuộc về 3 chiếc neo và các dây neo có tên gọi là: dây neo lui, dây neo tới và dây neo đãy. Khi rút mành để thu hoạch, mình chỉ cần cho tời kéo lần lượt 3 dây neo nói trên là xong”.
Nói xong ngư dân Chiêm thắp sáng 6 bóng đèn cao áp 2 bên mạn ghe để dụ tôm hùm tới. Chủ ghe Chỉnh quyết định đến 11 giờ đêm sẽ kéo mành lên.
1 mẻ lưới, 1 con tôm
Tôi tranh thủ ngả lưng trên nóc ca bin. Đang mơ màng, bỗng nghe tiếng lộc cộc vang động trên khoang ghe, không ai gọi, tôi cũng biết đã đến giờ cảo mành. Tôi bật dậy, tỉnh như chưa hề ngủ, ôm máy ảnh leo vội xuống boong. Vừa thấy tôi, ngư dân Chiêm liền xua tay: “Ông chỉ có chỗ trên nóc ca bin thôi, thuyền nhỏ, dưới này chật chội lắm, chỉ đủ chỗ cho tụi tui cảo mành”. Tôi cười, lại hì hục leo lên.
Com tôm hùm giống duy nhất trong đêm đánh bắt.
Công đoạn lên mành (kéo lưới lên) vất vả hơn công đoạn thả mành rất nhiều. Dù không có mưa, nhưng tôi thấy cả 3 ngư dân đều khoác thêm vào người chiếc áo mưa tiện dụng để giữ ấm, ngăn nước biển ngấm vào người. Chiếc mành lưới sau khi ngâm dưới biển thời gian dài, giờ đã nặng cả tấn. Dù đã có 2 trục tời tiếp sức, nhưng để kéo được từng đoạn lưới lên boong ghe quả rất cực nhọc. Ngư dân “nhí” Hà Văn Vũ có trách nhiệm quấn những chiếc dây neo vào trục tời để kéo lưới lên. Ngư dân Chiêm đứng ngay mạn ghe, đợi đoạn lưới được kéo lên khỏi mạn ghe liền dùng tay ôm gọn, kéo mạnh thả lên boong ghe. Ngư dân Chỉnh đứng ở mũi ghe chờ xếp gọn những đoạn lưới đã được kéo lên thành từng lớp ngay ở mũi ghe. Nhịp nhàng, nhịp nhàng. Có những đoạn lưới quá nặng, 2 trục tời gồng mình rồng rộc, chiếc ghe như rung theo nhịp quay nặng nhọc của chúng. Không như nghề lưới vây rút mà tôi từng biết, là tấm lưới khi kéo lên lấp lánh ánh bạc của những con cá dính lưới. Tấm mành trũ này được kéo lên không hề thấy gì. Tôi nóng lòng hỏi Chiêm, Chiêm bảo, nếu có, tôm sẽ dính trong mắt lưới, chút nữa cảo sau. Nghe Chiêm nói, tôi không hình dung ra con tôm hùm giống to chỉ bằng sợi tăm, sao lại có thể dính vào mắt lưới được. Chiêm vừa làm, vừa giải thích: “Mình tôm thì nhỏ nhưng 2 sợi râu của chúng lúc nào cũng vểnh lên, nên khi tôm đã sa lưới là bị râu ngăn lại không cho chúng chui thoát qua mắt lưới”.
Sau gần 1 giờ đồng hồ, cả tấm mành to tướng được xếp gọn từng đoạn chồng lên nhau ngay mũi ghe. Công đoạn cuối cùng là rút dây neo “đãy” để tóm cái “đỉnh tam giác”, đồng nghĩa với tóm tất cả những gì lọt vào lưới, kéo lên ghe. Khi cái “đãy” lưới được kéo lên boong, tôi không khỏi ngớ người kinh ngạc, vì tất tần tật chỉ có 1 “túm” chừng vài cân gồm những con cá nhỏ và vài con mực lá. Chả lẽ cả tấm lưới nặng hàng tấn chỉ mang lại chừng này? Chả lẽ công sức của 3 con người đổ ra trong đêm nay chỉ được đền đáp bằng 1 túm sản phẩm bé tẹo? Chả lẽ... hàng bao nhiêu câu hỏi hiện ra trong đầu tôi. Đến bây giờ, tôi mới biết cái tấm gỗ rộng khoảng 1m2 được bọc tấm da si mi li màu nâu nằm trên boong ghe là dùng để đặt trang trọng “cái đãy” này lên. Có lẽ thành quả của cả đêm nay nằm cả trong “cái đãy” ấy! Có lẽ nằm khuất lấp trong mớ cá mực hùm bà lằn kia là những con tôm hùm giống quý giá! Có lẽ...ai cũng hy vọng.
Tấm lưới được 2 ngư dân kiểm tra từng tấc một.
Sau khi hoàn tất việc kéo lưới, 2 bóng đèn cao áp được quay hướng chiếu sáng trực tiếp xuống sàn ghe, 2 ngư dân Chỉnh và Chiêm ngồi 2 bên mạn ghe. Tấm lưới lại được kéo ra từng đoạn, 2 ngư dân ngồi 2 bên lần lượt kiểm tra từng tấc lưới. Nhìn 2 đôi mắt chong chong nhìn vào tấm lưới, tôi lại thắc mắc: “Con tôm hùm giống nhỏ đến vậy sao mắt nhìn lại nhận ra được?”. Ngư dân Chiêm lúc nào cũng sẵn lòng giải đáp cho tôi: “Nhận biết được tôm hùm giống giữa muôn trùng mắt lưới là nhờ vào mấy cái râu của nó luôn óng ánh dưới ánh điện. Hạt nước dính trong lưới cũng óng ánh dưới ánh điện, nhưng phân biệt được đâu là hạt nước, đâu là tôm nhờ vào đầu 2 sợi râu tôm có đóng 2 đầu chì phát ra sắc óng ánh đặc biệt, không thể thoát khỏi những đôi mắt nghề của tụi tui”.
Câu chuyện về râu tôm của ngư dân Chiêm ngày càng hấp dẫn tôi. Chiêm nói thêm: “Có 3 loại tôm hùm giống: tôm sao, tôm xanh và tôm trắng. Tôm sao mới chính là “hàng”, hiện giá của nó là 300.000đ/con; tôm xanh chỉ có giá 70.000đ/con; còn tôm trắng có dính lưới cũng như không, vì giá của nó chỉ chừng vài chục ngàn đồng mỗi con. Để phân biệt được 3 loại tôm này cũng là kỳ công. Đôi mắt người cảo tôm phải biết nhận ra con tôm có 2 râu màu trắng là tôm trắng; tôm có 2 sợi râu trong suốt, đầu râu có đóng 2 đầu chì đó là tôm xanh; còn con tôm có 2 sợi râu đục, đầu râu cũng có 2 đầu chì nhưng hơi ngã màu đen, ấy mới chính hiệu là tôm sao”.
Tuy nhiên, câu chuyện hay ho của Chiêm không thể làm dịu cái nóng trong lòng của 3 ngư dân, vì dù đã kiểm tra (cảo) gần hết tấm lưới đến từng tấc nhưng vẫn chưa phát hiện được con tôm nào. Đến gần cuối, tôi mới được nghe chủ ghe Chỉnh la lên: “Có hàng, 1 tôm sao chính hiệu”. Con tôm bé tẹo được rửa sạch, cho vào thùng xốp có chứa ít nước biển. Tôi cũng vui lây. Thế nhưng con tôm này là niềm vui duy nhất của cả ghe trong đêm nay. Cả khi kiểm tra “cái đãy”, niềm hy vọng lớn nhất cũng không phát hiện thêm con tôm sao nào. Chủ ghe Chỉnh nói như để an ủi chính mình: “Biển giả mà. Cách đây 2 năm, ngay lúc tôm hùm còn dày, có người săn 1 đêm thu được 60 -70 triệu đồng, nhưng có người thì thu không đủ bù tiền dầu. Mấy năm nay vắng tôm, nay lại đang cuối mùa nên không có tôm cũng là chuyện thường”.
Thay cho lời kết
Ông Ngô Đức Tình, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn-Bình Định) nói không dấu được vẻ tiếc nuối: “Trước đây 2 năm, cứ khoảng 4 giờ chiều đi ra biển chỉ thấy toàn cụ già, phụ nữ và con nít; toàn bộ thanh niên đều đã ra biển. Dọc suốt bãi biển không còn bóng dáng chiếc ghe nào, bởi phải ra sớm mới có chỗ đứng ghe, thả mành. Ai ra muộn là coi như hết chỗ tốt, phải chạy ghe đến vùng biển ít tôm hùm mà đánh. Những năm ấy nghề đánh bắt tôm hùm giống trúng lắm, nhiều ghe làm mành trũ 1 đêm “đánh” trúng đến 60-70 triệu đồng. Thế nhưng 2 năm nay, tôm hùm ngày càng vắng, chuyện làm ăn của hàng trăm chiếc ghe làm nghề mành trũ chuyên săn tôm hùm giống trong xã trở nên thất bát. Mới đây, giá dầu lại tăng cái dút, họ lại càng khốn đốn”.
Chia tay với những ngư dân tốt bụng đã sắp sẵn cho tôi chuyến biển, những nhọc nhằn ngoài khơi, những lo toan trên bờ, niềm vui và nỗi buồn của nghề đánh bắt tôm hùm cứ bộn bề trong tôi.
VŨ ĐÌNH THUNG