Từ hiện tượng người tâm thần gây án gia tăng:
Nguy cơ càng tăng do thiếu thuốc điều trị
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bệnh nhân tâm thần phân liệt được quản lý tại cộng đồng gây án đang tăng so với những năm trước được xác định là do thuốc cấp miễn phí cho họ bị cắt giảm đáng kể, dẫn đến hạn chế về chất lượng điều trị.
Hiện tượng đáng ngại
Theo thống kê của CA tỉnh, trong số 14 vụ án giết người xảy ra trong năm 2013, có 4 vụ án do người có biểu hiện tâm thần gây ra, chiếm tỉ lệ 28,57%. Nhưng đó là con số thống kê từ đầu năm cho đến ngày 16.11.2013. Chỉ 4 ngày sau, tiếp tục xảy ra một vụ án đau lòng khác có nguyên nhân tương tự: Ngày 20.11.2013, Đặng Văn Sinh (ở thôn Mỹ Phú Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, là bệnh nhân tâm thần thể hoang tưởng đang được quản lý tại địa phương) dùng cây đánh cha mình là ông Phạm Chớ, 78 tuổi, làm ông tử vong 4 ngày sau đó.
Trong tổng số 5.347 bệnh nhân tâm thần phân liệt trong tỉnh, có 3.081 người đang được quản lý tại cộng đồng. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ giết người do bệnh nhân tâm thần gây ra, riêng năm 2013 là 5 vụ.
Lần giở hồ sơ các vụ án giết người trong năm 2013, thượng tá Phan Hồng Sơn, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, CA tỉnh, vốn nhiều kinh nghiệm trong giải quyết án do người tâm thần gây ra, không khỏi băn khoăn: “Năm 2012, chỉ 1/13 vụ án giết người liên quan đến người tâm thần, thì năm qua, con số này tăng gấp nhiều lần. Tôi nhớ vào khoảng những năm 1990, cũng có một năm xảy ra 2-3 vụ án mạng do người tâm thần gây ra. Sau đó chúng tôi đã thành lập tổ kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương để đề ra biện pháp ngăn ngừa. Năm 2013, “điểm rơi” này xuất hiện trở lại, đây là hiện tượng đáng ngại và cần được quan tâm”.
Thượng tá Sơn cũng lưu ý thêm, đặc điểm chung các vụ giết người nói trên là đối tượng gây án đều không có biểu hiện tâm thần rõ rệt trước lúc gây án, mà hành động bộc phát, không thể phòng ngừa trước. Nạn nhân đều là người thân của họ như: cha, mẹ, con cái, chồng.
Còn theo nhận định chung của CA tỉnh thì những năm gần đây tình hình người có biểu hiện tâm thần vi phạm pháp luật có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Hầu hết số người có biểu hiện tâm thần phạm các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Dự báo, tình hình này còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Có nguyên nhân từ việc cắt giảm thuốc cấp miễn phí
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng người tâm thần gây trọng án trong năm 2013, bác sĩ Nguyễn Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, xác nhận: Bệnh nhân tâm thần phân liệt đang được quản lý tại cộng đồng gây án đang tăng so với những năm trước.
Theo bác sĩ Định, bên cạnh các nguyên nhân: bệnh nhân tâm thần tăng; cách quản lý, điều trị chưa tốt..., còn có nguyên nhân thuốc cấp miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị tại cộng đồng từ vài năm nay đang bị cắt giảm đáng kể, dẫn đến hạn chế về chất lượng điều trị. Bác sĩ Định nói thêm: “Vì kinh phí cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần phân liệt tại cộng đồng giảm nên thuốc cấp cho bệnh nhân chỉ “đổ đồng”. Một vài loại thuốc dùng cho tất cả các loại thể trạng bệnh. Hậu quả là nhiều bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, từ chối uống thuốc vì thấy thuốc không hiệu quả. Đã vậy, kinh phí của Trung ương cấp cho Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cho cộng đồng năm 2014 tiếp tục bị cắt giảm đến 68% so với năm trước, từ 1,516 tỉ đồng (năm 2013) giảm còn 485 triệu đồng, thì quả thật chúng tôi rất lo ngại, không biết tiền đâu để mua thuốc để cấp đủ cho bệnh nhân. Chắc chắn tình trạng bệnh nhân tâm thần gây án, gây rối trật tự công cộng ở địa phương sẽ gia tăng”.
Từ giữa tháng 12.2013, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã thông báo cho các trung tâm y tế huyện, thành phố, trong quý I/ 2014 tạm thời cắt thuốc Levomepromazin, thay vào đó là loại thuốc Aminazin (giá rẻ hơn Levomepromazin). Ông Trần Hoàng Ngưu, Trưởng phòng y tế, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, nhận xét, việc thay đổi thuốc điều trị đã có... hậu quả tức thì: “Thực hiện chỉ đạo của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, chúng tôi đã dùng thuốc Aminazin thay cho Levomepromazin, nhưng rõ ràng là bệnh nhân không đáp ứng thuốc. Họ không ngủ được, quậy phá rất nhiều nên phải tăng liều dùng lên 2-3 lần. Vì vậy, thuốc cấp dùng trong hết quý I/2014 chỉ đủ cho đến tháng 2 này mà thôi. Trước đây, khi dùng thuốc Levomepromazin và kèm theo thuốc bổ, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt hơn, nếu cho trở về địa phương thì 3-4 tháng sau mới tái phát, còn giờ chỉ về nhà chừng 1 tháng thì gia đình đưa vào lại Trung tâm”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh:
Trước tình trạng kinh phí cấp thuốc của Trung ương cắt giảm, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã có công văn đề nghị Sở Y tế cấp thêm khoảng gần 3 tỉ đồng để mua thuốc cấp miễn phí cho các bệnh nhân bị tâm thần liệt và động kinh tại cộng đồng. Việc cắt giảm thuốc, thay đổi thuốc điều trị rẻ hơn sẽ dẫn đến hệ quả là tỉ lệ bệnh nhân tâm thần tái phát cao, và có thể gây ra hậu quả không lường trước được, trong đó không loại trừ khả năng gây ra án mạng. Nếu như tỉnh tăng thêm kinh phí mua thuốc cấp miễn phí cho bệnh nhân, tôi nghĩ tình hình này sẽ được cải thiện hơn, ổn định trật tự xã hội cũng tốt hơn…
Thượng tá Phan Hồng Sơn, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, CA tỉnh:
Trước thực trạng bệnh nhân tâm thần gây án tăng trong thời gian qua, tại cuộc họp tổng kết công tác ngành năm 2013, chúng tôi đã kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Y tế phối hợp với ngành chức năng khảo sát toàn tỉnh đối với những bệnh nhân có biểu hiện tâm thần để từ đó có những biện pháp thích hợp, hạn chế tình trạng người có biểu hiện tâm thần gây án. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng nếu người tâm thần không được uống thuốc đầy đủ hoặc không đáp ứng thuốc tốt thì thần kinh sẽ không ổn định, dẫn đến không điều chỉnh được hành vi của mình, khi gặp tác động của ngoại cảnh sẽ làm bức xúc lên cao độ dẫn đến hành vi gây án.
THU HÀ