Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở Quy Nhơn:
Từ những cách làm hay
TP Quy Nhơn đã có những cách làm hay, hiệu quả nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trong nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2013, ông Ngô Đình Nam, Trưởng phòng Tư pháp TP Quy Nhơn cho biết, một kinh nghiệm đáng chú ý trong TTPBGDPL ở TP Quy Nhơn trong năm qua là việc mời dân họp để tuyên truyền pháp luật.
Xác định đây là vấn đề khá khó khăn nên trước khi tổ chức họp, UBND các phường, xã tham mưu Đảng ủy mời các đoàn thể, các ngành chức năng có liên quan họp bàn và giao chỉ tiêu cho từng đơn vị cụ thể trong việc vận động, mời nhân dân, hội viên, đoàn viên tham dự. Vì thế, mỗi lần họp dân để TTPBGDPL luôn thu hút 150-200 lượt cán bộ, nhân dân ở địa phương tham gia.
Bên cạnh đó, xác định báo cáo viên, hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở là hạt nhân quan trọng góp phần tích cực trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, trong năm qua, TP Quy Nhơn cũng đã quan tâm xây dựng và củng cố đội ngũ này. Trong năm 2013, thành phố đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho gần 390 lượt tuyên truyền viên ở phường và cán bộ đoàn cơ sở, 8 lớp tập huấn kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho 710 lượt hòa giải viên. Các tổ hòa giải cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động theo quy chế. Trong năm 2013, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận và hòa giải thành 237/287 trường hợp, tỉ lệ hòa giải thành đạt hơn 82%.
Ông Nam cũng cho biết thêm, trong công tác huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm xây dựng tủ sách pháp luật ở khu dân cư, nhiều nơi cũng có cách làm sáng tạo. Như ở KV 12, phường Ngô Mây, lãnh đạo cấp ủy, khu vực họp và thống nhất xây dựng tủ sách pháp luật đặt ở điểm sinh hoạt nhân dân của khu vực và giao cho khu vực trưởng quản lý. Sau đó, lãnh đạo khu vực vận động UBND phường, cán bộ, nhân dân ở địa phương đóng góp, ủng hộ sách báo, tài liệu để xây dựng tủ sách pháp luật.
Ngoài ra, năm qua, TAND TP Quy Nhơn cũng đã tổ chức 11 phiên xét xử lưu động, thu hút trên 8.000 lượt người tham dự. Thông qua các phiên xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra tội phạm hoặc tranh chấp, HĐXX đã tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, từ đó tạo sự tin tưởng vào pháp luật và nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân, đồng thời, cung cấp kiến thức pháp luật, định hướng thái độ đúng đắn đối với pháp luật, làm cơ sở cho hành vi và lối sống theo pháp luật của công dân.
NGUYỄN SƠN