Phú An ngày ấy bây giờ
Bút ký dự thi của Hoàng Chi
Những người cao tuổi kể rằng, ngày xưa, nhắc đến Phú An, ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh một vùng đất cằn cỗi, heo hút. Còn ngày nay, cũng chính những người cao tuổi lại hết sức trằm trồ về Phú An, bởi lẽ hiếm nơi nào lại có sự thay đổi diệu kỳ như nơi ấy. Trong trí nhớ của tôi, Phú An chảy miên man như suối từ những năm tháng khốn khó đến những ngày no ấm, trù phú
Làng tôi nằm bên bờ Bắc sông Kôn, bên kia là thôn Phú An, xã Bình Phú, nay là xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn. Thuở nhỏ, trước năm 75 của thế kỷ XX, sống trong thời đạn bom của chiến tranh, hễ mỗi khi bọn lính Nam Triều Tiên đóng ở căn cứ Lai Nghi điên cuồng trút đạn pháo sang bên làng tôi, thì cả nhà tôi phải dạt sang Phú An. Có bận như những năm 65,68, Mỹ Ngụy tăng cường đánh phá vùng tự do nên nhà tôi phải tạm trú một mạch tới mấy năm liền. Từ đó mà Phú An với tôi là quê hương thứ hai. Những bến cây Da, sông nước Đồng Sim, Cánh Đồng Bé, Đồng Nà…của Phú An quá đỗi thân thiết với tuổi thơ bầm dập của tôi.
Quê hương trong tuổi thơ tôi
Hồi ấy cánh đồng Bé quanh năm chỉ làm được 1 vụ lúa thơm trì, quãng thời gian còn lại, cánh đồng này là không gian bao la, tha hồ bọn chúng tôi chơi trò con trẻ. Thực ra tài nguyên thiên nhiên của Phú An khá đa dạng, nơi đây có núi rừng, có suối nước Xanh và có 2 con sông lớn là sông Kôn và sông Đồng Sim bao bọc. Thế nhưng trong bom đạn chiến tranh, người Phú An đâu dễ sống trọn vẹn với tiềm năng vốn có ấy.
Núi rừng của Phú An ngày đó đều là vùng cấm, là bãi tập bắn cối pháo của quân Ngụy Sài Gòn. Những đồi núi trong vùng đều là những mục tiêu quân sự của bọn lính Nam Triều Tiên đóng tại căn cứ Lai Nghi, hàng ngày rừng núi ở đây bị pháo cối của chúng cày đi, xới lại tan tành. Đồng ruộng của Phú An có cái nhược là bị chua phèn, đã vậy có vụ bị mất trắng do ống dẫn dầu của Mỹ đặt dọc QL19 bị vỡ tràn ra làm cho lúa lụi tàn mà chẳng biết kêu ai. Trong những tháng ngày gian nan của chiến tranh, người lớn bảo Phú An là cái xứ “chó ăn đá, gà ăn muối”, số người khấm khá đếm không đủ trên đầu ngón tay. Thế rồi đến mùa xuân 75, chiến sự nơi đây lại xảy ra giằng co và ác liệt vô cùng. Rốt cuộc bộ đội ta cũng cắt được đường tiếp viện của Mỹ Ngụy lên Tây Nguyên; và trong những ngày cuối cùng của tháng 3.1975, đám tàn binh ở Tây Nguyên tràn xuống cũng bị chặn đánh tan tác tại đây.
Sức sống bùng lên
Sau mùa xuân 75 lịch sử, nơi đâu trên đất Tây Sơn cũng đều hăng hái bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương, nhưng tôi vẫn thấy sức vươn lên của vùng đất “chó ăn đá, gà ăn muối” ngày xưa thật sự kỳ diệu.
Dọc theo 30 km QL19 chạy dài từ Đập Bộng (An Nhơn) lên đến đèo An Khê, có thể nói Phú An là một trong số ít những xóm làng đã có sự sinh sôi mà khó có xóm thôn nào trên đất Tây Sơn sánh kịp. Giờ đây sự mưu sinh của Phú An đã khác xưa; ruộng trên những cánh đồng Bé, Đồng Nà đã quanh năm 3 mùa tươi tốt. Đáng nói hơn là nếu như trước thời đổi mới, toàn bộ mưu cầu cho cuộc sống nơi đây đều chỉ biết trông cậy vào hạt thóc, củ khoai trồng trên 74,6 ha đất của làng. Nhưng kể từ khi có công cuộc đổi mới, người Phú An đã biết nghĩ, biết làm ra nhiều thứ có lợi hơn bội phần so với hạt lúa củ khoai.
Về Phú An trong những ngày cuối tháng 3, đúng dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng quê hương, hỏi chuyện điền nông của làng, ông Phạm Quốc Hùng, trưởng thôn Phú An khẳng định: “Trong làng bây giờ ai cũng làm ruộng để ổn định nồi cơm, có cơm rồi bà con yên tâm bươn chải từ nhiều nghề khác nhau để tìm kiếm cơ hội làm giàu, mà cách làm giàu của họ trong từng thời điểm cũng lạ lắm... Kể không xiết đâu!”. Ông Hùng cho tôi một thí dụ làm giàu của 2 thế hệ nhưng trong cùng 1 gia đình rất đáng được suy nghẫm như trường hợp của nhà ông Bốn Bông chẳng hạn; trước đây ông Bông là một triệu phú làng nhờ dựa vào hạt lúa và cơ sở xay xát, nhưng đến lượt con rể ông là anh Huỳnh Văn Lý, nay thuộc lớp người trên mức triệu phú, nhưng không phải từ hạt lúa củ khoai mà bằng cái tiệm cơ khí của mình. Xuất thân chỉ đôi bàn tay trắng với cái nghề gò hàn, nhưng ở Phú An nghề gạch ngói mỗi ngày một phát triển, anh là người đã miệt mài cải tiển nhiều thiết bị để nâng cao năng suất gạch ngói như trụ kít, máy mê và nhất là khi nhà nước cấm sử dụng củi để nung gạch ngói anh lại cải tiến thành công phương pháp nung đốt bằng mùn cưa, dầu diesel rất hiệu quả, nhờ vậy không những anh thu được tiền mà còn được cả làng nghề khen ngợi.
Giờ đây Phú An đã lộ rõ dáng vẻ của một vùng thị tứ sầm uất, giàu tiềm năng phát triển.
Một trường hợp ăn nên làm ra khác cũng cực kỳ ấn tượng và rất đáng học hỏi; đó chính là trường hợp của anh Phạm Tấn Phượng. Vốn sinh ra và lớn lên tại làng với cái nghề khá đơn giản là; sau thời bao cấp, chỉ đôi bàn tay trắng, nhưng cứ xong mùa vụ anh tập tò xuống tận cầu Gành (An Nhơn) để thuê xe về làng chở gạch ngói đi buôn, ấy vậy mà chẳng mấy chốc anh trở thành triệu phú trẻ của làng. Giờ đây thì anh đã trở thành nhà tỷ phú với cơ ngơi gia sản gần hàng chục chiếc xe gồm ô tô, máy múc, xe cào…ngoài ra anh còn có 1 trại mê, chuyên sản xuất mê gạch ngói sống bỏ cho các lò trại, các lò trại nung xong, nhiều khi anh còn đưa sản phẩm của bà con lên tận Tây Nguyên để tiêu thụ…Ông trưởng thôn không hề khoe khoang tài năng của bà con, nhưng ông không thể giấu niềm hãnh diện về cách làm ăn năng động đó của người làng mình. Tuy chỉ là một làng nhỏ, có tổng dân số chỉ chừng 3.500 người với trên 825 hộ, nhưng Phú An hiện có trên 60% số hộ làm ăn khá giả, có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Đây quả là con số ấn tượng đối với một làng quê trên đất trung du Tây Sơn.
Mấy năm gần đây, Phú An cũng chính là nơi được huyện đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp và làng nghề nên diện mạo Phú An nhanh chóng đổi thay. Trong đó làng nghề gạch ngói Phú An có trên 250 cơ sở sản xuất giải quyết hàng ngàn lao động trong và ngoài địa phương có công ăn việc làm ổn định. Riêng Cụm công nghiệp Phú An rộng 35,7 ha; đã có 28 dự án của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đăng ký đầu tư và triển khai hoạt động tại khu sản xuất nước mắm và khu sản xuất tổng hợp với tổng diện tích đất đã cho thuê 119.704 m2 và tổng vốn thực hiện 78,41 tỷ đồng.
Phú An trù phú an lành
Với sự phát triển nhanh chóng đó, giờ đây dọc theo QL 19 thuộc thôn Phú An đã mọc lên trên hàng trăm cửa hiệu, cửa hàng, cơ sở dịch vụ với đủ ngành nghề buôn bán, gia công sửa chữa, ngoài ra chợ Phú An cũng được đầu tư xây dựng với hàng tỉ đồng, góp phần làm cho Phú An thêm sầm uất.
Điều đáng ghi nhận là cùng với phát triển nhanh về kinh tế, người Phú An cũng luôn biết chú trọng lâu dài đến môi trường. Ông Nguyễn Kim Tùng, chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tây Xuân cho biết; năm 2006 khu dân cư Phú An được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn làm điểm công tác bảo vệ môi trường, lúc đầu thôn chọn 151 hộ tham gia thí điểm, đến năm sau đã mở rộng toàn khu dân cư. Đên nay công tác bảo vệ môi trường tiếp tục duy trì đều đặn và có 2 xe thu gom rác thải thường xuyên nên đường làng ngõ xóm luôn sạch đẹp.
Rời Phú An trở về thị trấn trong một chiều gió lộng, lòng tôi miên man đủ mọi nỗi nhớ và niềm vui ở cái thôn nhỏ đã từng gắn bó với tuổi nhỏ một thời của tôi. Và tôi chợt nghĩ Phú An chắc chắn và mãi mãi sẽ là một vùng quê trù phú và an lành.
HOÀNG CHI