Nghề chơi cũng lắm công phu
Ấy là lúc được tự do đeo đuổi một sở thích nào đó. Người có tiền, có điều kiện, chơi kiểu khác. Người ít tiền lại đeo đuổi theo kiểu của mình. Nhưng, trên hết phải có sự đam mê, không mê thì không chơi được.
Đam mê
Một anh bạn tôi quen kể về niềm đam mê âm thanh của anh Hà Văn Cường, Quản đốc Phân xưởng đông khô - sản xuất vô trùng thuộc Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, bằng câu chuyện nửa đùa nửa thật: “Niềm đam mê đó, chỉ có vợ ảnh là thấm nhất thôi. Nửa đêm bỗng dưng chồng biến mất, ẩn sang “giang sơn” của mình tự khi nào, ngồi đó quấn quấn, tháo tháo dây nhợ, tụ điện cho đến tảng sáng là chuyện… đã từ nhiều năm nay rồi”.
Căn gác xép nhỏ là nơi chứa hàng, đồng thời là xưởng sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử của anh Cường.
Anh Cường tự nhận mình đam mê trải nghiệm âm thanh theo trường phái DIY (viết tắt của cụm từ do it yourself), nghĩa là tự làm. Ban đầu anh chơi loa, tự làm loa nhạc. Vài năm nay, anh chuyển sang chơi ampli đèn tự ráp, bởi trót mê chất âm mềm mại, uyển chuyển, trung thực và đầy truyền cảm của nó. Nhưng, nói như anh, làm được một ampli đèn chất lượng, có độ âm thanh ưng ý cực kỳ khó. Cái khó không hẳn nằm trong việc lựa chọn, để dành thứ nguyên liệu là các cục biến áp, các con điện trở, bóng đèn tuổi thọ đã hơn nửa thế kỷ trong thiết bị kỹ thuật cao cấp như máy bay, xe tăng đã bị thải loại… chờ khi thích hợp mới đem ra dùng, mà cái khó còn trong các công đoạn thiết kế mạch, tập hợp linh kiện, làm vỏ máy, lắp ráp và hiệu chỉnh âm thanh cho vừa ý mình. Mất thời gian, công sức đến vô kể, chưa nói đến tiền bạc. Vài chục triệu bạc đổ vào một dàn ampli đèn âu cũng là chuyện thường. “Nhưng, đam mê là vậy mà. Khi cần, tôi là thợ sơn, thợ cơ khí, thợ điện, kiêm thợ mộc và “en nờ” loại thợ khác nữa…”, anh Cường cười.
30 năm sưu tầm tem, anh Phạm Cao Viết Hiền, làm việc tại Báo Bình Định, diễn tả tâm trạng của mình khi gặp được món ưng ý, bổ sung vào bộ sưu tập của mình: “Lâng lâng đến mấy ngày liền ấy chứ. Cứ đi vào đi ra ngắm mãi không thấy chán”. Anh bảo, con tem bóc từ bì thư mang về phải ngâm vào nước cho keo và giấy mủn ra hết, sau đó lau chùi cẩn thận cho sạch sẽ, hong khô, rồi mới dám bỏ vào trong tập album. Nhưng anh nhận, đó vẫn chưa là gì so với những người kỹ tính, dùng nhíp gắp từng con tem, kỳ công bọc nylon từng con tem một để tem khỏi bị gãy răng, khỏi bị ố vàng bởi thời gian.
Anh Hiền sưu tầm tem từ thời thanh niên, nay đã sang tuổi “tri thiên mệnh”, đam mê ấy vẫn không đổi. Thậm chí, nó “lấn sân” sang một số lĩnh vực khác như sưu tầm tiền giấy, tiền xu các nước trên thế giới và thú trồng - chơi - chụp ảnh hoa xương rồng các loại. Cái cách anh Hiền sưu tầm cũng phù hợp với khả năng tài chính của mình, ấy là tăng xin, giảm mua, dặn bạn bè đi du lịch nước ngoài để dành cho vài đồng tiền giấy mệnh giá nhỏ hoặc tặng anh bộ tem nước sở tại. Đến nay, anh Hiền có trong tay mấy chục bộ sưu tập tem, trong đó quý nhất là tem in đè phát hành từ thời vua Bảo Đại.
Bộ sưu tập mấy chục chiếc đồng hồ Odo treo tường hộp sơn mài được sản xuất từ những năm đầu của thế kỷ trước của anh Quang (nhà ở đường Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn).
Duyên nợ cùng cổ ngoạn
Ban đầu, khi sưu tập bình vôi, ông Nguyễn Đức Tuấn (chủ tiệm vàng Tuấn Phú ở đường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), chỉ đơn giản nghĩ rằng bình vôi là vật dụng thể hiện sinh động nhất văn hóa cổ truyền của người Việt, hơn thế, giá lại “mềm”. Đến hôm nay, ông đang sở hữu một bộ sưu tập gần 300 chiếc bình vôi cổ có niên đại từ vài trăm năm trở lên. Ngoài các loại bình vôi bằng gốm Quảng Đức (Phú Yên), gốm Gò Sành (Bình Định), Thiên Phước (Huế) đơn sắc, gần đây, ông Tuấn đã bổ sung vào bộ sưu tập của mình một bình vôi mà theo ông nó có từ thời Hậu Lê và gia đình quan lại mới dùng. Ông Tuấn kể lại: “Bình vôi này đã bị vùi chôn hàng mấy trăm năm và được người ta phát hiện do nước chảy bào mòn đi lớp đất đá trên bề mặt. Khi người ta mang đến tận nhà, hô giá 12 triệu đồng, tôi nhìn qua nước men bình vôi rồi mua ngay. Nhìn nước men, cán cầm hình con giao long, thân có đốt như gốc trúc là tôi kết ngay, không thể rời xa nó được. Nói thực, không có nhân duyên với nó thì không mua được đâu”.
Những người mê và chơi cổ vật như ông Tuấn ở Bình Định không hiếm. CLB UNESCO Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Bình Định ra đời năm 2008, quy tụ cũng được 50 hội viên, trong đó có những người sưu tập, hay vừa chơi vừa trao đổi cổ vật. Khi được tập hợp vào CLB, có chỗ để thể hiện niềm đam mê của mình, những người trong giới này rất hứng khởi, song vài năm nay CLB hoạt động chùng lại hẳn. Tuy nhiên, phong trào chơi cổ vật không vì vậy mà ngừng lặng và người chơi vẫn tham gia các kỳ triển lãm đều đặn.
Ông Phạm Thanh Trì, chủ nhiệm CLB, cho biết, thú sưu tập của các hội viên CLB khá đa dạng, từ gốm sứ, đồng, gỗ, vàng, bạc, tiền… của Việt Nam, Trung Quốc. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều người có thiên hướng sưu tập cổ vật Việt Nam (gồm cả cổ vật Chăm). Ngay như ông Trì, chơi cổ vật được khoảng 15 năm, nhưng vài ba năm trở lại đây, ông chuyên chú nhiều vào đồ Chăm. Bộ sưu tập của ông hiện nay khá đa dạng, từ đồ đá, gốm đến vàng Champa, đáng chú ý nhất có linga-kosa bằng vàng khoảng hơn 1.000 năm tuổi (kosa là một lớp vỏ bọc bằng kim loại, thường là vàng hoặc bạc, dùng để bao bọc phần trên cùng của ngẫu tượng linga - hiện thân của thần Siva). Theo tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng), hiện ở Việt Nam chỉ còn giữ được 2 đầu tượng Siva bằng vàng (hoặc hợp kim vàng) có gốc gác từ những linga-kosa của Champa, một đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, một tại Bảo tàng Quảng Nam ở Tam Kỳ.
Và những trải nghiệm
Còn nhớ, cách đây đã khá lâu, khi bước vào nhà của chủ tiệm vàng Kim Khá (ở đường Bạch Đằng, Quy Nhơn) tôi đã khá bất ngờ khi được nhất loạt mấy chục chiếc đồng hồ treo tường, từ đồng hồ Odo quả lắc khung gỗ sang trọng đến đồng hồ công sở hợp kim đơn giản, “chào đón” bằng những hồi chuông đinh... đoong... kéo dài. Anh Khá vui vẻ: “Ngồi lên giây cót cho mấy chục cái đồng hồ một lúc mất công lắm, khi nào thực rảnh rỗi và hứng thú, tôi mới làm, như sáng nay chẳng hạn, nghe vui tai đến... nhức cả đầu”. Rồi anh bình thêm: “Thú hơn cả là khi bạn bè, hoặc người bán đồ đồng nát, đưa đến cho mình chiếc đồng hồ hư, cũ. Những lúc ấy tôi ngồi mày mò cả ngày, hoặc nhờ người cao tay “cứu” cho đến khi nó chạy được mới thôi, ai rủ đi đâu cũng xin kiếu”.
Đối với anh Cường, khoảnh khắc tuyệt vời nhất là khi anh mời những người bạn cùng sở thích, tụ tập ngay “điểm ngọt” của phòng (vị trí thích hợp nhất để đánh giá âm thanh theo quy chuẩn - PV) nhẩn nha uống trà, đánh giá chất lượng dàn ampli anh vừa trình làng. Là bởi, rất thường xuyên, anh tự mình tháo bung bộ ampli mới ráp, thay đổi một vài thiết bị kỹ thuật, lắng nghe âm thanh biến đổi thế nào. Anh Cường tâm sự: “Với tôi, mỗi một sự thay đổi âm thanh là một cuộc trải nghiệm thực sự, một thử thách mới trong việc chinh phục đỉnh cao của âm thanh. Âu đó cũng là cách tôi giải toả mình thoát khỏi áp lực công việc hàng ngày…”.
Sở hữu trên 3.000 món cổ vật các loại, ông Tuấn bảo rằng ông mê những nhân vật lịch sử, văn hóa được người xưa thể hiện ở những bức tranh trên các bộ ấm chén, dĩa, bình vôi. Bởi, đôi lúc chúng ẩn chứa những triết lý sâu xa khiến mình phải nghiền ngẫm thật lâu mới có thể hiểu hết thông điệp của người vẽ. Âu đó cũng là một cách chiêm nghiệm cuộc sống.
THU HÀ - NAM SƠN