Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc
Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số (85,7%) còn lại 53 dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 14,3%.
Trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tới tính độc đáo của dân tộc. Người yêu cầu: “Mỗi dân tộc cần chăm lo đến đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật”, Bác cũng đã từng nói: “Gốc của văn hóa mới là dân tộc”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã khẳng định: “Nói đến văn hóa là nói đến dân tộc, một dân tộc đánh mất truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc thì dân tộc cũng sẽ mất tất cả”.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, văn hóa các DTTS có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được coi trọng, bảo tồn, phát huy; việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng DTTS có bước phát triển, các thiết chế văn hóa cơ sở được xây dựng, cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật được trang bị, nội dung hoạt động văn hóa thông tin cơ sở phong phú và ngày càng phù hợp hơn, mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần được cải thiện, nâng cao.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương V (Khóa VIII), Chỉ thị 39 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác văn hóa ở miền núi và vùng DTTS, hoạt động văn hóa ở vùng dân tộc, miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa các DTTS được chú trọng và đẩy mạnh, việc điều tra, kiểm kê, thống kê các di sản được triển khai ở tất cả các địa phương. Nhiều lễ hội, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian được khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát huy.
Gần đây, năm 2011 Chính phủ đã có Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 14.1.2011 quy định: Hỗ trợ việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết… Cũng năm này, Chính phủ đã có Quyết định số 1270 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các DTTS rất ít người, các dân tộc không có điều kiện bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc mình.
Khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các khu vực miền núi, thi trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam. Chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình đã đến được với người DTTS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa xôi, hẻo lánh. Cuối năm 2011, 100% xã đặc biệt khó khăn đã có trạm truyền thanh. Các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc đã có tác dụng tích cực đến đời sống văn hóa của các DTTS.
Người DTTS ở tất cả các vùng miền đều tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình. Nhiều di sản văn hóa các dân tộc được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia như: “Lễ hội Lồng Tồng” của dân tộc Tày, “Lễ Cấp sắc” của dân tộc Dao… cùng nhiều di sản văn hóa các dân tộc được công nhận di sản cấp tỉnh. Ngày 19.4 hàng năm là ngày truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam. Quốc tế cũng đã công nhận “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Thánh địa Mỹ Sơn”… là di sản văn hóa thế giới. Năm 2011, Việt Nam đã tổ chức trình diễn trang phục 54 dân tộc Việt Nam. Năm 2013, 2014 tổ chức thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam.
Như vậy, suốt trong thời gian dài qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dân tộc thể hiện theo hướng: “Mỗi dân tộc khẳng định bản sắc văn hóa của mình và phát triển sự hiểu biết với các dân tộc khác”, tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thế nhưng, gần đây các thế lực thù địch đã bịa đặt, vu cáo Việt Nam cưỡng bức đồng hóa dân tộc để thực hiện âm mưu kích động một bộ phận đồng bào dân tộc đòi ly khai, đòi quyền tự trị làm mất ổn định an ninh trật tự xã hội để chống phá Cách mạng Việt Nam.
Sự thật về đời sống văn hóa của đồng bào DTTS ở Việt Nam nêu trên đã chứng minh rằng, tuy có sự ảnh hưởng của giao thoa văn hóa (ngôn ngữ, trang phục, phong tục tập quán…). Trong đời sống kinh tế - xã hội nhưng mỗi DTTS trong 53 DTTS Việt Nam vẫn giữ bản sắc riêng của mình mà không có dân tộc nào bị đồng hóa với dân tộc khác.
TRUNG NGÔN