Từ Ngày thơ, nghĩ về đời sống thi ca
Ngày thơ Việt Nam 2014 dự kiến mang chủ đề “Xuân đất nước - từ Điện Biên đến Trường Sa” nhằm hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân trước vận mệnh đất nước, đặc biệt với chủ quyền biển đảo. Trước thềm Ngày thơ 2014, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ về thơ và những hoạt động trong ngày đặc biệt này.
PV: Sau 12 năm, Ngày thơ Việt Nam 2014 được tổ chức tại Văn Miếu - Hà Nội có hoạt động gì nổi bật thưa ông?
Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU: Năm nay, lễ khai mạc sẽ bắt đầu với bài Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua giọng ngâm rất cổ của nhà thơ Lương Tử Đức. Sau đó, các tác phẩm thi ca với chủ đề Tổ quốc, biển đảo, Điện Biên Phủ lần lượt được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau. Điều bất ngờ nhất đến từ các trường đại học với nhiều tổ khúc được dựng và luyện tập bài bản, công phu của sinh viên. Một trong các điểm nhấn của Ngày thơ năm nay là triển lãm nửa thế kỷ các nhà thơ chống Mỹ, với việc trưng bày các hiện vật, bản thảo của các nhà văn Việt Nam thế hệ chống Mỹ. Do số lượng các nhà văn đông nên triển lãm sẽ được lựa chọn theo tiêu chí: tiêu biểu cho các vùng, miền, dân tộc và được giải thưởng cao.
Năm 2014 là năm kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nên trong Ngày thơ Việt Nam còn có cuộc giao lưu với các văn nghệ sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, như nhà văn Hồ Phương, Chu Phác, Lê Kim, nhạc sĩ Hoàng Vân… Lễ thả thơ được tiến hành trang trọng với 50 câu thơ hay. Ngày thơ sẽ là bản giao hưởng của các thi sĩ Việt Nam khẳng định tình yêu Tổ quốc.
- Nhiều năm qua, tác phẩm thi ca vắng bóng trong các giải thưởng của hội. Có nhiều ý kiến hàm ý về sự mất mùa của thi ca?
Đời sống thi ca giờ đây đã thay đổi, không phải tệ đi mà nó phù hợp với thời điểm hiện nay khi xã hội bắt đầu phân chia ra nhiều đối tượng hưởng thụ khác nhau. Các phương tiện truyền thông, giải trí nhiều. Đời sống thi ca hiện nay phát triển rộng khắp, có đến hàng ngàn câu lạc bộ thơ sinh hoạt khắp mọi miền. Có một số người lo lắng điều này có ảnh hưởng tới nghệ thuật thi ca không? Tôi khẳng định là không. Tôi vẫn coi những người làm thơ nghiệp dư, người làm thơ trong các câu lạc bộ hưu trí, phụ nữ, trong các trường đại học… là đời sống thi ca. Tác giả thơ luôn hướng tới những điều tốt đẹp như chia sẻ một đám cưới, một buổi lễ mừng thọ, mừng một đứa trẻ sinh ra đời, hay một áng mây bay qua…
Tôi đã từng đọc thơ của những người đang chịu các án phạt tù và trong đó là sự ân hận, tiếc nuối, hy vọng, sự tự răn mình, xin tha thứ… Ta không hy vọng đó là những tác giả cho ra đời những tác phẩm đoạt giải Nobel nhưng đó chính là sự thể hiện rõ nhất những tác động của thi ca với đời sống.
- Đã bao giờ chúng ta đặt ra những mục tiêu hướng tới các tác phẩm mang tầm quốc tế?
Chúng ta mong đợi nhưng chúng ta không định hướng được. Tôi đã từng nhắc lại nhiều lần rằng đừng bao giờ ví “vụ mùa văn chương” với vụ mùa của khoai tây - chỉ 3 tháng là có thể thu hoạch. Có thể vụ mùa văn chương kéo dài tới 30 năm và không thể vội được. Giải thưởng lớn cần được xây dựng trên nền tảng vững mạnh, rực rỡ. Nhưng giải thưởng đâu phải lúc nào cũng là đích để những người làm thơ hướng tới. Như những người làm thơ ở làng tôi, đơn giản làm thơ với mong muốn bài thơ ấy vượt qua được hàng rào để gửi gắm tâm sự, sẻ chia với người hàng xóm. Giải thưởng cũng chỉ là một sự đánh dấu nhỏ trên cái thân cây về ngày tháng, về sự việc chúng ta đã đi qua chứ không phải là cái đích để hướng tới.
- Nhưng cơm áo không đùa với khách thơ?
Nghèo đói, giàu có, nông dân hay triệu phú đều không ảnh hưởng tới thi ca. Chỉ có những điều phi văn hóa, tổn thương văn hóa mới đem tới những tác động tiêu cực tới thi ca. Anh muốn viết cái gì cho nhân loại thì anh phải sống tận cùng với bản thân, với ngôi nhà của anh, với công việc của chính anh… Chúng ta mong mỏi các thi sĩ phải sống thực sự như một thi sĩ là yêu đến cùng, chia sẻ đến cùng, run rẩy đến cùng và sống trong cảm hứng lớn. Giờ đây, dường như sự vô cảm, vô trách nhiệm, hờ hững tăng lên, cảm hứng đang giảm đi và đó chính là yếu tố bịt đường ra đời của những tác phẩm lớn.
Sang năm, chúng tôi chủ trương đưa thơ đến những nơi khó khăn mà cảm giác như ở đó thi ca khó đến nhất nhưng lại cần thi ca nhất như các trại giam, các trung tâm cai nghiện xã hội để giao lưu, chia sẻ không khí của thi ca. Chúng tôi cũng có kế hoạch về thơ quảng trường - trình diễn thơ tại những điểm công cộng như trước Nhà hát Lớn, quảng trường Cách mạng Tháng 8, các trường đại học… để thơ ca được thỏa sức lan tỏa.
. Theo VĨNH XUÂN (SGGPO)