Chúng ta hiểu về lễ hội quá mù mờ
Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa VN - giáo sư Trần Lâm Biền trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về lễ hội - một vấn đề nóng mỗi dịp đầu năm.
Ông nói: “Cho đến giờ, chúng ta chưa tìm được con đường chân xác nhất để ứng xử với lễ hội, vì chúng ta hiểu biết về lễ hội còn quá mù mờ. Hay nói đúng hơn là sự lười biếng trí tuệ khiến chúng ta không chịu tìm hiểu đến bản chất sâu xa của lễ hội”.
* Hiện nay, kịch bản phổ biến của một lễ hội là chia làm hai phần: phần lễ và phần hội. Cũng có người cho rằng đây là một quan điểm sai lầm. Thưa giáo sư, ông nghĩ sao?
- Lễ không phải là cúng bái, cúng bái và tế chỉ là một phần của lễ mà thôi. Hội là gì? Hội không phải là trò chơi. Hội trước hết là sự tập hợp một cộng đồng người nhất định để thực hiện những điều về lễ. Cho nên lễ và hội là một cặp phạm trù tương hỗ, không thể tách rời. Vì rằng, trong các trò chơi cũng chỉ là một phần của lễ hội. Nhưng khi nó vào trong không gian thiêng, thời gian thiêng thì tự nhiên nó mang ý nghĩa thiêng liêng. Trong ý nghĩa thiêng liêng ấy nó mang giá trị biểu tượng.
Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy được chọi trâu Đồ Sơn có cả một tích mà người ta quên, nên người ta bịa ra là tinh thần thượng võ. Thượng võ gì ở chỗ ấy, không có! Ở đình Hiếu Giang, Đông Hà người ta có chọi bằng trâu đâu. Họ làm hai cái đầu trâu rồi chui vào đó diễn trò chọi nhau. Vậy ý nghĩa đằng sau là gì? Là ý thức hòa với thiên nhiên, vũ trụ để tồn tại, là tục thờ mặt trăng, mà mặt trăng gắn với thủy triều. Thờ như thế là để mong rằng giữa con người với thủy triều có thể cảm thông, hòa vào với nhau, không chống nhau. Chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội nói về thủy triều, đâu có phải thượng võ. Hiện tượng chọi nhau là biểu hiện sự vận động của thủy triều. Đến lúc cuối cùng người ta đem con trâu chiến thắng đưa lên mảng ra ngoài khơi để tế thần biển. Người ta quan niệm phải tế thần biển để việc đi biển đánh cá được bình yên, tốt đẹp. Ngoài ra, mặt trăng cũng gắn với tâm thức của người làm nông nghiệp, mong ước mùa màng tốt tươi được mùa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Cũng có hiện tượng chọi trâu ít nhiều có giao lưu ảnh hưởng lẫn nhau, song ước vọng đó nằm sâu bên trong. Cho nên nhìn vào lễ hội, trò chơi phải nhìn thấy đằng sau nó là cái gì.
Như con gà trống là biểu tượng mặt trời, gà chọi nhau là biểu tượng cho sự vận động của sinh lực vũ trụ. Còn bây giờ người ta nghĩ gì, chọi gà là chọi gà, nhưng chọi gà mà có ý nghĩa thiêng liêng sẽ khác. Khi đã mất đi tính chất thiêng liêng thì nó là trò chơi. Khi còn giữ được tính thiêng thì nó là biểu tượng. Và nó là thứ tư duy liên tưởng mênh mông, là ước vọng truyền đời của người xưa. Trong các trò ấy đã có lễ, có ẩn chứa mối ứng xử ngầm của con người với trời đất. Nhưng nay, do sự lười biếng trí tuệ và chối bỏ sự nghiên cứu về truyền thống mà gán ghép cho những vẻ đẹp văn hóa cha ông những ý nghĩa trần tục để phục vụ sự ồn ào tâm tưởng xã hội, gắn với cái vật chất lẫn tinh thần, làm cho vẻ đẹp của lễ hội bị tàn phai.
* Vậy theo ông, chúng ta nên có những cảnh báo hay có cách nhìn nhận như thế nào cho đúng về lễ hội?
- Cái này không có cảnh báo. Người dân họ đi theo lễ hội hay thực hành nó theo những gì cha ông truyền lại. Nhưng người dẫn dân đi phải có trí tuệ. Tức là những người làm văn hóa cần phải hiểu biết được ít nhất là những vấn đề cơ bản, chứ không thể dùng sự cấm đoán, bóp méo, hay dùng quyền lực để hạn chế lễ hội. Bởi văn hóa phải có tính chất giáo dục. Muốn giáo dục được phải hiểu nó là cái gì.
* Tuy nhiên, trên thực tế năng lực của cán bộ văn hóa hiện nay đang bị đánh giá là có rất nhiều vấn đề đáng lo?
"Nay những người không hiểu biết cứ để lễ hội phát triển tự nhiên. Lễ hội rơi vào cái bẫy của thị trường. Có người lợi dụng lễ hội để kiếm ăn".
Giáo sư Trần Lâm Biền
- Phải nói thẳng thắn là có hạn và không chịu học, không ứng xử với sự việc mà mình phải tham gia trên nền tảng trí tuệ mà mới chỉ dừng ở mức độ cảm tính. Và với một gậy là quyền lực thì càng khiến lễ hội ngày càng xa rời những ý nghĩa vốn có, thậm chí trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội.
Tôi đi điền dã, đứng xem thì tôi thấy người dân thực hiện là theo lối di truyền. Nhưng những người làm văn hóa phải hiểu được những hành động, động tác ấy có nghĩa gì. Bây giờ hỏi người dân là đi rước nước phải có cái chóe, cái chóe ấy biểu hiện cái gì, tại sao phải phủ vải điều đỏ lên... Tôi hỏi nhưng không ai biết cả, 90% dân văn hóa không biết. Cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu hầu như còn chưa biết. Vì họ có đi vào dân để tìm hiểu đâu. Người dân là người duy trì cái mã của văn hóa, còn giải mã là việc của nhà nghiên cứu, người làm văn hóa. Cho nên tôi nói rằng người làm văn hóa phải có sự hiểu biết, có trí tuệ, cái tâm nương tựa vào trí tuệ thì mới trong sáng được. Còn tâm mà không có trí tuệ thì dễ dẫn đến mù quáng và có khi biến thành mê tín dị đoan.
Phải hiểu rằng lễ hội, các hành động của nó đều là biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với xã hội, thiên nhiên, vũ trụ. Lễ hội trong quan điểm của người VN là tiến đến sự hòa hợp và cuối cùng thúc đẩy cho tinh thần đoàn kết. Mà đỉnh cao của tinh thần đoàn kết là tinh thần yêu nước. Lễ hội mà không đạt được đến điều đó là không xong. Bởi trong lễ hội người ta dám quên đi chính mình để lo việc cộng đồng làng xã, cái chung. Đoàn kết trong một làng thì sẽ biết đoàn kết với những cộng đồng lớn hơn.
Theo HÀ HƯƠNG (TTO)