Đừng đánh mất vẻ đẹp trò chơi Cổ nhơn
Cổ nhơn là trò chơi dân gian có từ lâu đời diễn ra trong dịp Tết cổ truyền ở thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn. Người dân ở đây xem trò chơi này là một nét văn hóa truyền thống độc đáo. Tuy nhiên, để giữ được vẻ đẹp và sự hấp dẫn này cần có sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của Hội xổ Cổ nhơn và chính quyền địa phương.
Sự kiện sáng mùng Năm Tết như giọt nước làm tràn ly khi hàng trăm người bao vây Hội xổ Cổ nhơn ở xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) la hét, đập phá sau khi có kết quả xổ buổi sáng mùng Năm là con trùn (Chí Cao). Theo trò chơi này, con trùn được cho là ông tổ trong bảng tịch Cổ nhơn, xét về luật chơi thì xổ con trùn là hoàn toàn đúng nhưng về mặt tâm linh khi lấy con trùn xổ người dân ở đây xem như đem ông tổ ra bán. Quan niệm không lấy ông tổ ra đánh lâu dần thành thói quen ăn sâu vào tâm linh nên luôn luôn trắng tịch. Theo một số người già am hiểu về trò chơi này thì việc đặt ra ông tổ chính là để cứu cánh cho nhà cái khi thua. Cổ nhơn ở An Nhơn và Hoài Nhơn đều lấy con trùn làm ông tổ nhưng mỗi nơi có một con để cứu cánh; ở Hoài Nhơn không xổ con trùn, ở An Nhơn vẫn xổ bình thường và họ né con yêu (An Sỹ) vì cho rằng lấy con yêu ra chơi là rước yêu ma về nhà.
“Phần lớn người tham gia đánh Cổ nhơn là vui chơi giải trí, bàn luận thể hiện sự thông thái, điềm may đầu năm. Nhưng có một phần không nhỏ biến tấu trò chơi này thành cờ bạc ăn thua. Họ cho mua bán thoải mái, mỗi con danh vật trong bảng tịch có khi cho đánh lên vài chục triệu đồng, nếu trúng thì phải chung tiền lên gần cả tỉ đồng. Chỉ có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng vấn nạn này mới có thể dẹp được” - ông Nguyễn Tự Cảnh, một thành viên của Ban tổ chức Hội Cổ nhơn, cho biết.
Chuyện hậu trường của trò chơi này có nhiều bí ẩn mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết, thiệt thòi luôn thuộc về người chơi và hình ảnh nét văn hóa đẹp bị đánh mất dần vì những con cờ bạc núp bóng tổ chức này.
Trong khi Cổ nhơn ở Hoài Nhơn có nhiều biến tấu đáng buồn, thì ở xã Nhơn Phong (An Nhơn) bao nhiêu năm vẫn giữ được nét văn hóa của trò chơi này. Cổ nhơn ở Nhơn Phong rất hấp dẫn nhờ sự liên quan đa chiều của câu thai tạo sự bàn luận sôi nổi. Tuy nhiên luật chơi ở đây được quy định rất chặt chẽ và khắt khe. Hội Cổ nhơn chỉ cho phép những người đăng ký tịch mới được bày bán và mỗi bảng tịch chỉ được bán theo số tiền cho phép (dao động từ 30-100 ngàn đồng/con). Với số tiền đăng ký không quá 4 triệu đồng/bảng tịch và buộc phải bán được 2/3 số tiền đăng ký trở lên, Ban tổ chức đã khống chế việc biến trò chơi thành bài bạc sát phạt và hạn chế tối đa nạn cái con hình thành.
Anh Ôn Minh Tân, một người trong Ban tổ chức Hội Cổ nhơn ở xã Nhơn Phong, cho biết: “Chúng tôi tổ chức để mọi người vui chơi trong dịp Tết cổ truyền chứ không đặt nặng chuyện ăn thua. Về lý thuyết nhà cái có thể thắng hoặc thua trên một lần xổ tối đa là 30 triệu đồng nhưng thực tế chỉ dao động vài triệu đồng. Nhiều năm nay, người dân ở đây rất tin tưởng, ủng hộ trò chơi này nên chúng tôi duy trì như bảo tồn một nét văn hóa ở địa phương”.
Sau khi chứng kiến Hội Cổ nhơn ở Hoài Nhơn tổ chức chơi thiếu lành mạnh, người dân vừa buồn vừa tiếc nuối, đoán rằng trò chơi Cổ nhơn có thể bị mai một. Bởi người dân ở thị trấn Bồng Sơn và các xã lân cận xem Cổ nhơn như một món ăn tinh thần, thiếu nó như thiếu một phần lễ hội trong ngày Tết cổ truyền. Quy định chặt chẽ hơn trong luật chơi và có sự tham gia giám sát của cơ quan chức năng ở địa phương là sự cần thiết để trò chơi Cổ nhơn ở Hoài Nhơn giữ được vẻ đẹp và không bị biến tướng thành trò cờ bạc.
Trò chơi Cổ nhơn ở Nhơn Phong có 40 con trong bảng tịch, người chơi đánh 1 trúng 29, câu thai thường có 2 câu lục bát hoặc song thất được trích từ các tác phẩm, tuồng tích xưa, thời gian chơi từ 25 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng. Còn ở Bồng Sơn bảng tịch có 36 con, đánh 1 ăn 25, thai có 4 câu do một số người lớn tuổi sáng tác, chỉ kéo dài từ 30 đến mùng Năm Tết.
Tính giáo dục, tuyên truyền trong những câu thai rất cao, nhất là ôn lại lịch sử, các tuồng tích trong những tác phẩm kinh điển.
TRƯỜNG ĐĂNG