Biển, đảo - đi và sáng tác
Những năm gần đây, biển đảo quê hương gắn với chủ quyền Tổ quốc là đề tài lớn, mang tính thời sự của sáng tác văn học nghệ thuật. Đứng trước nguồn cảm hứng có sức thôi thúc mạnh mẽ và thiêng liêng này, văn nghệ sĩ Bình Định đã thể hiện tinh thần nhập cuộc, minh chứng bằng sáng tác ở nhiều lĩnh vực.
Từ những chuyến đi
“Hát về lính thợ đảo xa” và “Ru đảo bình yên” là hai ca khúc nhạc sĩ Thế Tuyên sáng tác trong và sau chuyến đi thực tế cùng Đoàn công tác số 10 của Bộ Tư lệnh Hải quân thăm quần đảo Trường Sa cuối tháng 5.2010. Ngoài 2 ca khúc trên, ông cho biết, đang “thai nghén” một hợp xướng về nhà giàn DK. Nhớ lại hải trình suốt 2 ngày 2 đêm trên con tàu mang số hiệu HQ 996 từ cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) đến khi cập cầu cảng Trường Sa, nhạc sĩ Thế Tuyên xúc động: “Trong đoàn đi có 5 nhạc sĩ, 4 họa sĩ và khá đông ca sĩ Quân khu 5. Anh em văn công Quân khu 5 tác nghiệp ngay khi vừa lên các đảo với loa máy cồng kềnh và một số nữ diễn viên chưa hết say sóng. Các họa sĩ thì bội thu ký họa từ nhà sư đến chiến sĩ, người dân, như muốn thu vào lòng những gương mặt, con người bình dị, kiên cường trên đảo”.
Ở lĩnh vực văn học, các tác phẩm về đề tài biển đảo khá phong phú và chất lượng. Mảng văn xuôi, có thể kể đến một số truyện ngắn “Cây bàng vuông” (Lê Hoài Lương), “Vọng biển” (Nguyễn Mỹ Nữ)… đã đăng trên một số báo, tạp chí trong nước. Sau 10 ngày chạm đất Trường Sa, nhà báo Trần Quang Khanh “mang về” bút ký - phóng sự “Đất thiêng trên biển” (tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí tỉnh Bình Định năm 2009 và Giải thưởng tuyên truyền biển đảo năm 2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương). Anh còn có nhiều bài thơ xúc động, tiêu biểu là “Trường Sa” và “Kỷ vật Trường Sa”.
Bài thơ “Hào phóng thềm lục địa” của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (ra đời sau chuyến thâm nhập thực tế cùng cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân ở Vũng Tàu, Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam tại TP Hồ Chí Minh) cũng đoạt giải A Cuộc thi thơ và truyện ngắn 2008-2009 của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 2011, tác phẩm này tiếp tục nhận giải A do Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng dịp tổng kết 5 năm Cuộc vận động sáng tác về biển đảo.
Không dừng lại ở đó, chủ đề biển đảo - Tổ quốc đã trở thành tư tưởng chủ đạo và xuyên suốt, được tô đậm thông qua các chương trình Liên hoan Trình diễn thơ, Ngày thơ Việt Nam tại Bình Định, sinh hoạt thường kỳ của các CLB văn học trong tỉnh.
Một số tác phẩm về chủ đề biển đảo khác của các tác giả Bình Định bước đầu tạo được dấu ấn bằng các giải thưởng. Tham gia cuộc vận động sáng tác ca khúc về Biển đảo quê hương (do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2010), nhạc sĩ Vũ Trung đã đoạt giải B với ca khúc “Giữa biển Đông nghe khúc Tiến quân ca”. Tại Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Bình Định năm 2011, tác phẩm “Bình yên biển đảo” của tác giả Hoàng Tuấn đã đoạt giải ảnh đẹp về chủ đề biển đảo. Mới đây, tác phẩm “Vũ điệu ra khơi” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Chai đã đoạt giải Nhất Cuộc thi ảnh “Nét đẹp người lao động” do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức.
Không có điều kiện ra đảo xa, văn nghệ sĩ trong tỉnh tổ chức những chuyến đi gần, ngắn ngày, đến đảo Cù Lao Xanh, các làng biển để thâm nhập cuộc sống và sáng tác. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Lối, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Bình Định, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức những chuyến đi thực tế về các vùng biển trong tỉnh và Phú Yên, Quảng Ngãi, Tiền Giang… Hơn hết là anh em tự đi và sáng tác. Nhiều ảnh về biển, đời sống ngư dân của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Định có chất lượng nghệ thuật khá cao”.
Cần những trải nghiệm
“Người vợ nào chẳng sợ mất chồng, mất con. Trước mỗi chuyến đi biển của chồng, vợ Mai Phụng Lưu lại năn nỉ chồng đừng trở lại nơi sinh tử đã từng ấy. “Sói biển” ậm ừ trấn an vợ. Tàu xuất bến hướng đến những ngư trường an toàn, nhưng khi vừa khuất tầm mắt đất liền, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu lại rẽ dòng, trực chỉ hướng Trường Sa. Chuyến đi ra đảo tiền tiêu Lý Sơn đã cho tôi cơ hội hiểu thêm về đời sống và tính cách ngư dân, đó là những trải nghiệm không thể quên trong đời”.
Nhà thơ MAI THÌN
Biển, đảo gắn với chủ quyền quốc gia luôn là nguồn cảm hứng đặc biệt, vừa quen thuộc vừa mới mẻ. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, đề tài này càng thu hút văn nghệ sĩ cả nước tập trung khai thác. Thể hiện vai trò trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, văn nghệ sĩ trong tỉnh dành tâm huyết sáng tác, biểu diễn, góp vào tiếng nói chung giữ đảo, giữ nước.
Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Trần Quang Khanh cho biết: “Chưa có điều kiện tổ chức những chuyến thực tế sáng tác xa, dài ngày, đông hội viên tham gia ra đảo Lý Sơn, Côn Đảo hay Trường Sa, hầu hết anh em đều tích cực, chủ động thâm nhập, trải nghiệm thực tế, tìm cảm hứng sáng tác. Tác phẩm cùng đề tài ở nhiều lĩnh vực cho thấy sự phong phú, dồi dào, đạt hiệu quả tuyên truyền lẫn giá trị nghệ thuật. Hội rất khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hội viên sáng tác. Ngoài ra, Tạp chí Văn nghệ Bình Định cũng ưu tiên giới thiệu tác phẩm mới về đề tài này”.
Theo nhà thơ Mai Thìn, tuy rất tâm huyết khi sáng tác về đề tài biển đảo, nhưng nhiều người vướng phải trở ngại lớn là trải nghiệm thực tế chưa nhiều. Việc đi tận nơi, mắt thấy, tai nghe, hòa mình vào đời sống thực tế là vô cùng quan trọng cho sáng tạo nghệ thuật. Đặc biệt, với một đề tài nóng bỏng, không thể ngồi ở nhà và…. tưởng tượng mà sáng tác.
“Vì lý do khách quan, công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động khuyến khích sáng tác về đề tài biển đảo chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian tới, Hội cần có những hoạt động hiệu quả, thiết thực, từ đó thôi thúc đội ngũ những người làm văn học nghệ thuật trong tỉnh tích cực sáng tác, tuyên truyền về biển, đảo; quan trọng là tổ chức được những chuyến thực tế đến nơi “đầu sóng ngọn gió””, nhà thơ Mai Thìn khẳng định.
SAO LY