Nhiều hứa hẹn cho hoạt động sáng tạo
Luật Khoa công nghệ (KH-CN) sửa đổi được Quốc hội thông qua có thể nói là thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này. Đạo luật này đã tiếp cận được tiêu chí của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế trong hoạt động KH-CN và đặc biệt là việc tổ chức các đề tài, dự án về KH-CN và cơ chế đầu tư, tài chính cho lĩnh KH-CN.
Chính vì thế, 2014 sẽ là năm hứa hẹn có nhiều bước tiến trong việc thành lập và khai thác Quỹ KH-CN của doanh nghiệp nhà nước, cũng như tạo ra môi trường làm việc thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học…
Ngày càng thiết thực
Xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ, Bộ KH-CN đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tạo tác động tích cực làm tăng đầu tư của khu vực ngoài ngân sách cho KH-CN. Qua 87 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN và tính chung bình quân doanh thu của doanh nghiệp KH-CN đạt gần 60 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 6,4 tỷ đồng là những con số đáng khích lệ và ghi nhận…
Nhìn lại năm qua còn thấy, các viện nghiên cứu lớn, các trường đại học và toàn ngành cũng có được những đề tài, dự án có kết quả tốt, như việc lần đầu tiên chúng ta công bố bản đồ gene của 36 giống lúa bản địa Việt Nam, giúp khâu tạo giống, cải tạo giống mới có năng suất cao hơn. Và cũng cần thấy rõ sự thay đổi nhận thức của doanh nghiệp khi tập trung cho nghiên cứu phát triển, như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã dành 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động này, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam dành khoảng 2.000 tỷ đồng…
Không chỉ vậy, theo Bộ KH-CN, đến nay tiềm lực KH-CN từng bước được cải thiện, đã kiện toàn tổ chức, hình thành tổ chức KH-CN và mạng lưới nghiên cứu mạnh. Điển hình là nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đi tiên phong trong ứng dụng và đổi mới công nghệ nên KH-CN đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Có thể thấy rõ nhất là 3 khu công nghệ cao quốc gia tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng đang được xem như cái nôi phát triển KH-CN của cả nước và đang được tiếp tục đầu tư cũng như thu hút đầu tư những ngành mang chất lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao.
Sức bật từ luật
Kết quả trên đã tạo ra những tiền đề lớn cho hoạt động KH-CN. Song bước qua 2014, sức bật ấy sẽ cao hơn khi Luật KH-CN đi vào đời sống. Đầu tiên phải nói đến phương thức đầu tư cho KH-CN. 2014 là năm đầu tiên các tập đoàn nhà nước, tổng công ty phải bỏ tiền ra đầu tư cho KH-CN từ ít nhất từ 3% - 8% lợi nhuận, tối đa 10% sẽ là tiền đề để KH-CN gắn chặt với giá trị của doanh nghiệp, cũng như có được giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, bắt buộc các doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận trước thuế của họ đề đầu tư lại cho nghiên cứu phát triển thông qua việc thành lập Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp. Nhìn ở góc độ hẹp hơn, đây là cách mà ít nhất doanh nghiệp cũng đổi mới được công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm…
Luật cũng cho thấy quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho nghiên cứu KH-CN được đổi mới về căn bản thông qua Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia và các quỹ phát triển KH-CN của các bộ, ngành, cũng như ở các địa phương. Các chuyên gia về luật đã nhận định, mô hình Quỹ Phát triển KH-CN là mô hình quản lý và sử dụng ngân sách tiên tiến, được hầu hết các nước áp dụng. Mô hình này cho phép quản lý và sử dụng kinh phí theo phương thức khoán đến sản phẩm cuối cùng mà bỏ qua lối quản lý hành chính, thanh quyết toán theo năm kế hoạch, vừa phức tạp, nhiêu khê, chiếm quá nhiều thời gian công sức của nhà khoa học và cả nhà quản lý… đây là quy định mang tính đột phá.
Cũng cần nói thêm chính sách sử dụng và đãi ngộ cho cán bộ KH-CN của luật là một trong những điểm đột phá. Luật sửa đổi đã cụ thể hóa hàng loạt chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp trách nhiệm, đi dự các hội nghị quốc tế… đối với nhà khoa học đầu ngành, trình độ cao, nhà khoa học đang chủ trì các đề tài, đề án quốc gia. Luật sửa đổi cũng khuyến khích nhà khoa học trẻ có tài, được thăng tiến trong việc đề bạt, bỏ qua rào cản lâu nay là “sống lâu lên lão làng”. Nay nhà khoa học trẻ, có trình độ và thành tích xứng đáng có thể được bổ nhiệm lên vị trí cao mà không cần đủ thâm niên như trước đây…
Được biết Bộ KH-CN đang tập trung hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, nhiệm vụ KH-CN và tập trung hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cấp quốc gia theo tinh thần của Luật KH-CN và các nghị định của Chính phủ, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý để đưa quỹ đổi mới công nghệ quốc gia vào vận hành giữa năm 2014… Như vậy sẽ có nhiều thay đổi mang tính đột phá, tạo bước phát triển mạnh mẽ cho KH-CN.
. Theo BÁ TÂN (SGGPO)