Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin:
Cần được quan tâm đúng mức
Những năm gần đây, tỉnh ta tập trung chủ yếu vào việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… Còn việc phát triển ngành công nghiệp CNTT, như công nghiệp phần mềm và nội dung số, đào tạo nguồn nhân lực CNTT có trình độ cao… vẫn còn bỏ ngỏ và chưa được quan tâm đúng mức.
Chưa có định hướng cụ thể
Xác định xu thế tất yếu của ngành công nghiệp CNTT trong sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh, trong Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Bình Định đến năm 2010 và định hướng đến 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, phát triển nguồn nhân lực và phát triển công nghiệp CNTT là một trong những mục tiêu quan trọng. Cụ thể, “Đến năm 2015 có trên 5 doanh nghiệp chuyên gia công sản xuất phần mềm và 2020 là 10 doanh nghiệp… Giai đoạn 2016-2020, đưa CNTT từng bước thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và phấn đấu đưa Bình Định trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước”. Quy hoạch là vậy, tuy nhiên tỉnh ta vẫn chưa có những kế hoạch cụ thể để xây dựng nền móng phát triển công nghiệp CNTT.
Ngành công nghiệp CNTT phát triển sẽ giúp các đơn vị kinh doanh ở lĩnh vực CNTT trong tỉnh phát triển.
- Trong ảnh: Nhân viên của Cedasit đang thiết kế phần mềm. Ảnh: M.H
Một trong những khó khăn cho các đơn vị kinh doanh sản phẩm CNTT, nhất là các sản phẩm phần mềm, là tỉnh ta chưa có môi trường cho công nghiệp phần mềm phát triển. Khoảng vài năm trở lại đây, tỉnh ta cũng có một vài đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp CNTT, song hoạt động rất manh mún. Đơn vị duy trì bền bỉ nhất là Trung tâm Hỗ trợ và phát triển CNTT (Cedasit - Sở KH-CN) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn để có thể kinh doanh các sản phẩm phần mềm do trung tâm xây dựng.
Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển ngành công nghiệp CNTT. Đến nay, dù chưa có thống kê chính xác tình trạng nhân lực và hoạt động ngành CNTT của tỉnh, tuy nhiên, có thể khẳng định đội ngũ nhân lực CNTT có trình độ cao ở tỉnh ta rất mỏng. Cedasit là đơn vị duy nhất đào tạo đội ngũ lập trình viên đạt tiêu chuẩn của APTECH Ấn Độ. Từ năm 2003 đến nay, Cedasit đã đào tạo hơn 1.000 lập trình viên quốc tế, song đa số học viên tốt nghiệp đều phải tìm việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Nay, do lượng học viên quá ít, chi phí đào tạo, trả phí bản quyền cao, thu không đủ chi, vì vậy sau khi hoàn thành các lớp học dang dở, sắp tới Cedasit sẽ chấm dứt các chương trình đào tạo này. Đây thật sự là một thực tế đáng buồn. Bởi lẽ điều này cho thấy việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại tỉnh ta ngày càng đi xuống và cũng cho thấy tỉnh ta chưa tạo được môi trường tốt để thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực CNTT.
Trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Không chỉ góp phần tạo nền tảng để hướng tới cách thức làm việc chuyên nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính…, mà việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT cũng đã phần nào giúp cho ngành công nghiệp CNTT trong tỉnh khởi sắc hơn, song chưa đủ tạo ra môi trường tốt để phát triển công nghiệp CNTT.
Hiện nay, Sở TT-TT đang chủ trì xây dựng Đề án thành lập Trung tâm CNTT tỉnh Bình Định. Trung tâm được thành lập trên cơ sở hợp nhất các trung tâm CNTT nhà nước hiện có với chức năng tập trung vào ngành công nghiệp CNTT, thu hút được các nguồn lực, trong đó yếu tố nguồn nhân lực là quan trọng nhất.
Ông Nguyễn Chí Cường- Giám đốc Sở TT-TT, cho biết: Định hướng hoạt động của Trung tâm CNTT Bình Định dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề lớn như: Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng thu hút các chuyên gia thiết kế, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường có tính cạnh tranh cao; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, hợp tác liên kết giữa trung tâm và các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và yêu cầu. Ngoài ra, trung tâm sẽ là nơi tạo môi trường cho sinh viên thực tập về lĩnh vực công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số. Về cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, sẽ tập trung phát triển các sản phẩm phần mềm đặt hàng hoặc đóng gói, phục vụ cho công tác tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, quảng bá hoạt động của tỉnh như du lịch điện tử, thương mại trực tuyến, các hệ thống hỗ trợ điện tử…
Dù đã có quy hoạch cụ thể, nhưng tỉnh ta hầu như vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức cho ngành kinh tế đầy tiềm năng này. Vì vậy, muộn còn hơn không, đề án thành lập Trung tâm CNTT tỉnh Bình Định đang xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp CNTT của tỉnh ta.
P.V
Có rất nhiều ngành CN, nhưng ngành CN nào cũng đòi làm ngành CN mũi nhọn là không được. Nếu thế thì gọi là mũi nhọn gai mít! Bởi vì muốn trở thành mũi nhọn, thì nó phải hội đủ tiềm năng, thế mạnh và hướng phát triển dồi dào. Ở BĐ mà lấy CNTT làm ngành CN mũi nhọn thì không bao giờ được. Làm ra cái gì, bán cho ai, bán có được không...? Làm sao cạnh tranh nổi với các SP hùng hậu của các trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM...!? Chỉ có TT Cedasit-một mình một chợ -mà tồn tại không nổi thì huống hồ chi...Cho nên chỉ hy vọng tồn tại là mừng lắm rồi, chứ không nên mơ làm CN mũi nhọn !