Tháng Giêng, mùa lễ hội
Tiếp nối những lễ hội trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, sẽ còn nhiều lễ hội đặc sắc khác được tổ chức ở các địa phương trong tỉnh những ngày tới. Những ai chưa một lần biết, hãy thử lên đường khám phá các lễ hội Vía Bà, chùa Ông Núi, Đô thị Nước Mặn để thêm hiểu, thêm yêu văn hóa truyền thống quê hương.
Lễ hội chùa Ông Núi luôn thu hút rất đông người.
1. Từ ngày 15-18 tháng Giêng (14 - 17.2), sẽ diễn ra lễ hội Vía Bà ở xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn. Đây là lễ hội dân gian gắn liền với truyền thuyết. Cách đây hơn 350 năm, bà Đỗ Thị Tân có “biệt tài” đỡ đẻ và có tấm lòng nhân hậu, lương tâm nghề nghiệp, luôn nhiệt tình cứu giúp những ca sinh khó dù là nửa đêm hoặc mưa to gió lớn. Vì những điều tốt đẹp ấy, bà Đỗ Thị Tân được vua Tự Đức ban tặng sắc phong “Ân Đức Độ Nhân”. Sau khi bà Tân mất, nhân dân lập miếu thờ ngay tại địa điểm ngôi nhà bà sinh sống với tên gọi “Hộ Sản Nương Thần” (được xếp hạng di tích cấp tỉnh- Miếu Bà năm 2008). Hằng năm, đúng vào khuya 16 rạng ngày 17 tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương tổ chức tế lễ rất long trọng.
Theo tiến trình lịch sử, lễ tế đã dần trở thành lễ hội Vía Bà với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như hiện nay. Bà Võ Thị Năm, ở thôn Liêm Định, tâm sự: “Đã thành truyền thống tốt đẹp từ bao đời ông bà truyền lại, người dân trong thôn và các vùng lân cận sau khi ăn Tết Nguyên đán, lại rộn ràng chuẩn bị đón tết Bà rất đông vui”.
Lễ hội chùa Ông Núi (Linh Phong Thiền Tự) ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát diễn ra vào 24 - 25 tháng Giêng luôn có sức hút rất lớn đối với khách du xuân. Sau khi chịu khó leo lên núi cao viếng ngôi chùa cổ đã được công nhận di tích cấp quốc gia này, khách không chỉ “tự thưởng” về tâm linh, mà còn được ngắm cảnh quan thiên nhiên rất đẹp xung quanh chùa.
Chốt lại mùa lễ hội tháng Giêng là lễ hội Đô thị Nước Mặn diễn ra từ 30 tháng Giêng đến mùng 2 tháng Hai ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Đây là lễ hội truyền thống có quy mô lớn xuất phát từ thời Cảng thị Nước Mặn còn phồn vinh, đã trở thành một biểu tượng văn hóa thể hiện sự hài hòa, giao thoa văn hóa giữa các thương nhân, tộc người và các quốc gia đến giao thương, buôn bán. Năm ngoái, lễ hội Đô thị Nước Mặn đã hấp dẫn hơn khi lần đầu phục dựng lễ rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục, tôn vinh các nghề quan trọng của cha ông…
2. Lễ hội Vía Bà năm nay có nhiều hoạt động như tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, biểu diễn tuồng tại sân di tích Miếu Bà, múa lân tại khu vực chợ Cảnh Hàng. Ngày 11.2, chúng tôi tìm đến thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong để cảm nhận không khí chuẩn bị lễ hội.
Ông Nguyễn Duy Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong kiêm Trưởng ban tổ chức lễ hội Vía Bà, cho biết: “Hằng năm, Lễ hội luôn có hàng ngàn khách thập phương về dự, nên công tác đón tiếp phải được thực hiện chu đáo. UBND xã Nhơn Phong đã cấp 80 triệu đồng, đồng thời thành lập các tiểu ban riêng lo việc lễ tân và trang trí khánh tiết, tế lễ, tổ chức hội thao, hậu cần và bảo vệ để đảm bảo lễ hội diễn ra thành công”.
Còn hơn 10 ngày nữa lễ hội chùa Ông Núi mới diễn ra, nhưng công tác chuẩn bị đã được bàn bạc, lo toan chu đáo, nhất là việc đảm bảo an ninh trật tự. Tham khảo ý kiến của nhiều người đã và sẽ về dự lễ hội chùa Ông Núi năm nay, đều nghe được mong muốn rằng, ngoài việc dâng hương và vãn cảnh chùa, cũng nên có thêm những hoạt động văn hóa khác làm sinh động thêm không khí lễ hội. “Chúng tôi dự định xin được tổ chức hội đánh bài chòi dân gian phục vụ khách về vui hội…”, ông Nguyễn Bá Thạnh, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Cát, cho biết.
Từ nhiều ngày qua, người dân thôn An Hòa đã phân công nhau lo các khâu chuẩn bị, sắp đặt công việc. Cụ Huỳnh Thái Sơn, chánh bái và là thành viên Ban quản lý di tích Chùa Bà, bày tỏ: “Mỗi nhà đều sửa soạn để chuẩn bị đón nhiều người thân, quen ở xa về vui hội. Đến ngày 26 tháng Giêng, các hộ dân trong thôn tập trung tại khu vực Chùa Bà dọn dẹp vệ sinh, cất rạp… chuẩn bị đón khách thăm viếng. Năm ngoái, sau khi phục dựng thành công Lễ rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục, năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức để mọi người có thể tham gia đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông”.
Các lễ hội đang đến gần trong sự háo hức đợi chờ của đông đảo người dân địa phương và du khách. “Tết năm nay về thăm quê nội ở Nhơn Phong, được nghe bà nội kể về lễ hội Vía Bà, rất hấp dẫn. Tôi đã xin công ty (ở Hoài Nhơn) cho nghỉ phép thêm vài ngày, đi lễ hội để biết thêm về truyền thống văn hóa quê mình”, chị Võ Thị Như Anh chia sẻ.
HOÀI THU-THU THẢO