Nhức nhối “lang vườn”
Trong vòng 5 ngày, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ chết người sau khi được tiêm thuốc tại nhà những người hành nghề y không phép (thường gọi là “lang vườn”). Đây thật sự là hồi chuông cảnh báo tình trạng người dân “vô tư” tìm đến “lang vườn”, trong khi hoạt động quản lý vẫn chưa chặt chẽ.
Liên tiếp tử vong vì chích thuốc nhà
Chiều 11.2, ngôi nhà nhỏ nằm bên đường bê tông ở thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão của ông Hà Văn Khánh phủ một màu tang tóc. Bà con hàng xóm đến tiễn đưa người đàn ông mới 43 tuổi về nơi an nghỉ. Nạn nhân vắn số này đã tử vong sau khi được tiêm thuốc tại nhà ông Nguyễn Cửu Ba (thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa) 1 ngày trước.
Ông Khánh bị sốt, nhức mỏi đã mấy ngày trước đó. Sáng 10.2, cùng vài người khác, ông Khánh đến nhờ ông Ba chữa bệnh, nhưng bị từ chối. Mọi người về hết, riêng ông Khánh ở lại năn nỉ. Nể tình chỗ quen biết, ông Ba đã tiêm thuốc cho ông Khánh. Sau khi tiêm, thấy ông Khánh có biểu hiện bất thường, ông Ba cũng bị “choáng” và không thực hiện cấp cứu được. Ngay sau đó, ông Khánh được đưa vào Trung tâm Y tế huyện An Lão.
Theo bác sĩ Thái Kim Thoa, Trưởng khoa Nội - Nhi - Lây, Trung tâm Y tế huyện An Lão - người tiếp nhận bệnh nhân - cho biết: “Bệnh nhân được gia đình người tiêm thuốc đưa tới. Lúc này, người bệnh da tái nhợt, môi tím, mạch không có, huyết áp không đo được, cắm dây truyền dịch thì máu không chảy. Xác định bệnh nhân đã tử vong, chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện các biện pháp cấp cứu, nhưng 15 phút sau vẫn không thấy hiệu quả. Người nhà xin đưa về mai táng”.
Trước đó 5 ngày, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Bị rát cổ do cảm, 7 giờ 25 phút ngày 6.2, ông Lê Bằng (67 tuổi, ở thôn Cẩn Hậu) đến nhà ông Nguyễn Hồng Tiến (ở thôn Túy Thạnh) để tiêm thuốc. Ông Tiến tiêm cho ông Bằng 1 lọ Cloramphenicol 1g và 1 ống Becozym. Sau khi tiêm xong khoảng 5 phút thì ông Bằng thấy choáng váng và mệt vã người. Ông Tiến kiểm tra thì thấy mạch nhanh, nhỏ khó bắt và huyết áp tụt không đo được. Ông Tiến tiếp tục tiêm cho ông Bằng 1 lọ Solu-medron và 1 lọ Hydrocortisol. Không thấy bệnh nhân có tiến triển, nên ông Tiến tiêm tiếp Adrenalin, bệnh nhân không đỡ mới gọi xe đưa đến Trạm Y tế xã Hoài Sơn. Khi đến Trạm Y tế thì bệnh nhân đã tử vong.
Quản lý, phòng ngừa thế nào?
Thông tin từ Phòng Y tế huyện An Lão cho biết, ông Nguyễn Cửu Ba trước đây là y tá, đã 15 năm không hành nghề, chỉ thực hiện việc tiêm thuốc cho một số người quen biết. Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn Trương Đề, ông Nguyễn Hồng Tiến là người hành nghề trái pháp luật, không có bằng cấp chuyên môn, không có chứng chỉ, giấy phép hành nghề. Cơ sở chữa bệnh của ông Tiến đã được Trạm Y tế xã kiểm tra, nhắc nhở 2 lần trong năm 2013.
Hôm qua (12.2), Sở Y tế đã ban hành văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc phải tiến hành thống kê, lập danh sách để theo dõi toàn bộ cán bộ, nhân viên có tham gia hành nghề y dược tư nhân. Ngày 24.2 tới đây, Sở Y tế sẽ tổ chức làm việc với lãnh đạo tất cả các trạm y tế, trung tâm y tế trong tỉnh; một trong những nội dung quan trọng là siết chặt quản lý hoạt động y dược tư nhân.
Còn Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn Nguyễn Đình Bản cho hay: “Ông Tiến hành nghề y đã trên 30 năm. Tuy không có bằng cấp gì, nhưng ông lại được người dân tin tưởng nhờ có kinh nghiệm, nhiệt tình”. Ông Bản cũng thừa nhận địa phương cũng có phần chủ quan trong quản lý, dẫn đến sự việc đáng tiếc này.
Sau khi xảy ra 2 sự việc trên, ngày 11.2, Sở Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược tư nhân tại địa phương, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp hành nghề trái phép. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, người dân cũng cần nâng cao ý thức, khi có bệnh phải tìm đến cơ sở hành nghề có phép để đảm bảo an toàn trong quá trình khám chữa bệnh.
Năm nay, ông Tiến đã 70 tuổi, ông Ba cũng đã ngoài 80. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, “tay đập chân run”, nhưng họ vẫn cầm kim tiêm. Ở phía ngược lại, cả 2 nạn nhân đều ở gần trạm y tế. Bà Nguyễn Thị Ngưu, vợ ông Bằng cho biết, ông Bằng là cựu chiến binh, có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng vẫn giữ thói quen chữa các bệnh thông thường tại nhà ông Tiến. Còn ông K., cậu của ông Khánh, thì chia sẻ: “Suy cho cùng, “có cầu mới có cung”, nên gia đình chúng tôi cũng không đổ hết lỗi cho ông Ba. Sự việc đau lòng này thật sự là bài học đắt giá cho người dân chúng tôi”.
NGUYỄN VĂN TRANG
"Hôm qua (12.2), Sở Y tế đã ban hành văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc phải tiến hành thống kê, lập danh sách để theo dõi toàn bộ cán bộ, nhân viên có tham gia hành nghề y dược tư nhân". Hy vọng rằng với công văn của Sở Y tế được ban thì sau ngày 12/2/2014 trở đi sẽ KHÔNG còn người chết do Thầy Lang vườn nữa. Bà con Cử tri Bình Định rất cảm ơn sự quan tâm "Sâu sát kịp thời" của Lãnh đạo ngành y tế.