Muỗi nhiều nhưng không nguy hiểm
Thời gian gần đây, muỗi hoành hành ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, theo kỹ sư Phạm Năm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đây là loại muỗi thường, ít có nguy cơ gây bệnh nguy hiểm.
* Trước tình trạng muỗi xuất hiện dày đặc ở nhiều địa phương, ngành Y tế đã có động thái gì, thưa ông?
- Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã thực hiện điều tra mật độ muỗi ở 3 phường Hải Cảng, Lê Lợi, Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn). Kết quả, mật độ muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ ở ngưỡng thấp là 0,23-0,3. Trong khi đó, mật độ muỗi thường lên đến 5-10, cao gấp 20-30 lần so với mức bình thường. Chúng tôi cũng yêu cầu các huyện, thị xã tổ chức điều tra mở rộng tình hình muỗi.
Kết quả điều tra phù hợp với diễn biến của bệnh sốt xuất huyết. Số bệnh nhân sốt xuất huyết đang giảm mạnh, trong 5 tuần đầu năm 2014 chỉ có 29 ca, không có trường hợp nặng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2013 có đến gần 80 ca.
* Xin ông cho biết muỗi thường khác muỗi gây bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
- Muỗi thường (nhiều nhất ở tỉnh ta là Culex quinquefasciatus) ít có vai trò truyền bệnh, đáng kể nhất chỉ có bệnh giun chỉ bạch huyết (còn gọi là bệnh phù chân voi), nhưng rất ít gặp. Muỗi vằn (Aedes aegypti) gây bệnh sốt xuất huyết thường sinh ra ở nơi nước trong như lu, thạp chứa nước mưa, lọ cắm hoa… Còn môi trường sống ưa thích của muỗi thường là những nơi ao tù, nước đọng có chất hữu cơ phân hủy, nhiều nhất là ở hệ thống cống rãnh, hầm rút của thành phố, những nơi có điều kiện vệ sinh kém. Muỗi vằn hoạt động chủ yếu ban ngày, còn muỗi thường là ban đêm. Đặc điểm của loại muỗi thường này là chịu hóa chất rất giỏi. Tuy không quá nguy hiểm, nhưng chúng cũng gây phiền hà, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.
* Nhiều người thắc mắc, sao ngành Y tế không tổ chức phun thuốc hàng loạt để trừ muỗi?
- Theo quy định của ngành Y tế, khi chỉ số muỗi gây bệnh sốt xuất huyết cao thì mới có chỉ định phun thuốc hàng loạt. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể dùng các biện pháp thủ công để phòng tránh muỗi. Trong gia đình, phải thường xuyên quét dọn nhà cửa, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, hạn chế nơi trú ẩn cho muỗi. Ở vùng nông thôn thì chú ý làm vệ sinh chuồng bò, chuồng gà, vùng nước đọng. Thời gian tới, khi thời tiết ấm dần, nắng lên làm các lòng cống khô cạn thì mật độ muỗi sẽ giảm hẳn.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN HOÀNG (Thực hiện)
Đợt muỗi này là do chính ngành y tế tạo ra mà, làm sao họ lại có thể tổ chức phun thuốc để diệt được. Các bác xem link sau để biết chi tiết nhé. http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/147739/la-lung--lang-nuoi-muoi-o-khanh-hoa.html
Một câu trả lời phỏng vấn rất ý nghĩa về mặt Chuyên môn. Tuy nhiên, so với tình hình thực tế thì rất buồn cười. Muỗi nhiều sẽ ảnh hưởng phiền toái đến sinh hoạt trong gia đình. Trẻ em bị muỗi đốt nhiều có thể gây ảnh hưởng về da, nặng hơn thì sốt, nóng. Người già muỗi đốt thì mất ngủ. Không biết nhà Ông Kỹ sư Phạm Năm này có muỗi không?