Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Cát:
Quên thanh toán chi phí quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng cho dân
Đã hơn 7 tháng trôi qua kể từ khi bị đột ngột thanh lý hợp đồng nhưng quyền lợi của những cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng tại rừng phòng hộ hồ Suối Chay vẫn chưa được các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng, người giữ rừng gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giúp đỡ.
Tháng 9.2011, Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Phù Cát (bên A) ký hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng trồng phòng hộ với các ông Huỳnh Cẩm Đường, Lê Đức Bá, Nguyễn Đình Quang, Nguyễn Thành Tâm, Lê Đức Minh, Trần Văn Thiệu (bên B) để quản lý, bảo vệ 35,1 ha rừng tại tiểu khu 243a-244, thuộc khu rừng trồng phòng hộ Suối Chay (nằm trên địa bàn xã Cát Trinh, huyện Phù Cát). Hiện trạng khu rừng này gồm keo lá tràm (mật độ 1.500 cây/ha) trồng vào năm 1994 và sao đen (mật độ 500 cây/ha) trồng vào năm 1997.
Theo nội dung hợp đồng, bên B chịu trách nhiệm trước bên A về vốn rừng đã được nhận khoán; bảo vệ, nuôi dưỡng rừng sinh trưởng và phát triển tốt; thường xuyên tuần tra, ngăn chặn những hành vi cố ý hay vô tình gây hại đối với rừng. Ngoài ra, nếu bên B không phát hiện được rừng bị xâm hại, hoặc phát hiện nhưng không báo cáo với bên A và chính quyền địa phương thì bị xử phạt bằng các hình thức phạt tiền; thu hồi lại rừng; truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hợp đồng giao khoán cũng quy định, khi rừng được phép khai thác, hộ nhận khoán được khai thác chọn cây trồng chính với cường độ khai thác không quá 20% theo thiết kế do bên A lập (được cấp thẩm quyền thẩm định và cấp phép khai thác). Khi khai thác, bên B được hưởng lợi 80 - 90% giá trị sản phẩm khai thác sau khi trừ chi phí hợp lý, hợp lệ; phần còn lại nộp cho bên giao khoán…
Sau khi 2 bên ký hợp đồng giao khoán, các cá nhân nhận khoán thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích rừng đã nhận. Tuy nhiên, đến tháng 9.2012, BQLRPH huyện Phù Cát mời bên B tới làm việc và lập thủ tục thanh lý hợp đồng. Từ đó đến thời điểm hiện nay, BQLRPH và các đơn vị có liên quan “quên” luôn việc thanh toán chi phí quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng cho các cá nhân nhận giao khoán.
Ông Trần Văn Thiệu, đại diện cho bên nhận giao khoán, cho biết: “Chúng tôi quản lý, bảo vệ rừng đúng như những quy định trong hợp đồng giao khoán. Vậy nhưng, không hiểu vì sao họ lại thanh lý hợp đồng với chúng tôi. Điều đáng nói, từ khi thanh lý hợp đồng đến nay, mọi công sức của chúng tôi bỏ ra trong vòng 1 năm đều chưa được cơ quan nào đứng ra giải quyết”.
Qua tìm hiểu được biết: Liên quan đến việc giao khoán quản lý, bảo vệ 35,1 ha rừng, ngày 5.9.2012, ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát có Thông báo số 217/TB-UBND giải quyết vấn đề này. Theo nội dung thông báo: BQLRPH huyện Phù Cát thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền thực hiện quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ; dẫn đến việc hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ 35,1 ha rừng trồng keo lá tràm phòng hộ rất xung yếu tại khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Suối Chay (trong đó có việc phân chia hưởng lợi sản phẩm gỗ khai thác từ rừng trồng) không phù hợp với quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Giám đốc BQLRPH chấm dứt ngay việc hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ 35,1 ha tại khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Suối Chay…
Về vấn đề này, ông Trần Đức, Giám đốc BQLRPH huyện Phù Cát, cho biết: “Sau khi UBND huyện Phù Cát không đồng ý chủ trương tỉa thưa rừng vào năm 2012 và yêu cầu BQLRPH cử nhân viên chuyên trách quản lý, bảo vệ 35,1 ha rừng tại hồ Suối Chay, chúng tôi đã thanh lý hợp đồng giao khoán rừng với các hộ dân. Sau khi chúng tôi thanh lý hợp đồng, ngày 27.9.2012, UBND huyện Phù Cát ban hành Thông báo số 230/TB-UBND, trong đó có nội dung đề nghị UBND xã Cát Trinh bố trí kinh phí hỗ trợ tiền công cho 5 hộ nhận khoán bảo vệ rừng từ ngày 26.9.2011 đến ngày 12.9.2012, định mức chi theo quy định hiện hành của Nhà nước (200 ngàn đồng/ha/năm - PV). Tuy nhiên, do UBND xã Cát Trinh không bố trí được nguồn kinh phí để chi trả nên đến nay các hộ nhận khoán bảo vệ rừng vẫn chưa nhận được tiền công. Về phần BQLRPH, nếu UBND huyện Phù Cát có văn bản chỉ đạo BQLRPH chi trả, chúng tôi sẽ tìm nguồn để chi trả tiền công cho các cá nhân nhận khoán nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ”.
Như vậy, theo nội dung Thông báo số 230, UBND xã Cát Trinh là đơn vị có trách nhiệm chi trả tiền công cho các cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng. Trong khi đó, địa phương không bố trí được nguồn kinh phí nên đến nay quyền lợi của người giữ rừng vẫn chưa được giải quyết. Thiết nghĩ, UBND huyện Phù Cát sớm đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bên liên quan.
VĂN LỰC