Nâng thể tích máu hiến:
Quan trọng là khâu tuyên truyền
Từ năm 2007, Bộ Y tế có chủ trương nâng cao thể tích máu hiến trên 250ml để tiếp nhận được nhiều máu hiến. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này ở tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo bác sĩ Hồ Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu (BVĐK tỉnh), ngưỡng an toàn cho mỗi lần hiến là dưới 9ml máu/kg cân nặng. Như vậy, một người nặng trên 45kg có thể hiến 350ml máu mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. Không những thế, đơn vị máu trên 250ml tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình sản xuất các chế phẩm máu an toàn như tiểu cầu, huyết tương… phục vụ tốt công tác cấp cứu và điều trị.
Để nhiều người chấp nhận nâng thể tích máu hiến, tuyên truyền là khâu quan trọng.
- Trong ảnh: Cán bộ Hội Chữ thập đỏ Vân Canh tuyên truyền về HMTN.
Hiện nay, mức hiến 350ml đã được áp dụng phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại TP Hồ Chí Minh, loại túi máu 250ml chỉ chiếm khoảng 10% lượng túi máu được sử dụng. Nhưng, tại tỉnh ta, số túi máu 350ml thu được lại rất hiếm. Đợt hiến máu ngày 28.2.2013 tại Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, có 355 người trực tiếp hiến máu, nhưng chỉ có 3 người hiến mức 350ml. Trước đó, đợt HMTN tổ chức tại BVĐK khu vực Bồng Sơn (Hoài Nhơn), không có ai hiến với mức 350ml.
“Trong nhiều ca cấp cứu nguy kịch, cán bộ, nhân viên của Trung tâm từng hiến mức 350-450ml nhưng sức khỏe vẫn bình thường. Trước đây, đã có nhiều trường hợp người hiến máu đồng ý hiến máu mức 350-450ml, nhưng cán bộ Chữ thập đỏ ở cơ sở không cho vì… e ngại không đảm bảo sức khỏe cho người hiến máu. Để nâng mức máu hiến, không chỉ “đả thông” tư tưởng cho người tham gia, mà ngay cả người tổ chức hiến máu và lãnh đạo cơ quan, đơn vị chủ quản của người lao động cũng cần”, bà Chung cho biết.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phan Minh Tùng cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của khâu tuyên truyền để nâng mức máu hiến. “Chúng tôi sẽ đưa những thông tin chính về mức hiến 350ml vào phiếu đăng ký và pa-nô hướng dẫn quy trình hiến máu. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cụ thể, rõ ràng cho cán bộ Chữ thập đỏ cơ sở, cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương”, ông Tùng khẳng định.
Trong khi đó, với những người tham gia hiến máu thường xuyên, một vấn đề quan trọng được đặt ra là công tác lấy máu phải được tổ chức bài bản hơn. “Trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, đội ngũ lấy máu phải chuyên nghiệp hóa, có vậy mới tạo được niềm tin ở người hiến máu, từ đó yên tâm với mức hiến cao hơn”, một người đã trên 20 lần hiến máu ở TP Quy Nhơn, chia sẻ.
NGUYỄN HOÀNG