Bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống:
Nhìn từ hoạt động vui xuân
Trong Tết Giáp Ngọ 2014, một số hoạt động văn hóa truyền thống đã được tổ chức phục vụ người dân vui xuân ở nhiều địa phương trong tỉnh. Các hoạt động này đã góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
1.
Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn đã tổ chức Hội thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền” vào sáng 28.1. Hội thi thu hút 13 phường, xã trên địa bàn thành phố tham gia. Bên cạnh việc tham khảo ý kiến các cụ cao niên, hầu hết các đơn vị đã huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia dựng cây nêu để đối tượng này có dịp tiếp cận, tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống. Cụ Nguyễn Đức Tảng (81 tuổi) ở phường Ngô Mây tâm sự: “Thuở nhỏ, tôi luôn háo hức xem ông bà, cha mẹ mình dựng cây nêu trước nhà. Sau nhiều năm không còn được thấy cây nêu ngày Tết, nay tôi thật xúc động khi cùng với đội của phường mình tham gia hội thi”.
Nhiều người dân Quy Nhơn và du khách đã thích thú khi bắt gặp hàng cây nêu “đón Xuân” ở khu vực bãi cỏ đường Nguyễn Tất Thành. Những cây nêu cũng góp phần điểm tô thêm sắc màu văn hóa truyền thống cho không gian bên ngoài Hội đánh bài chòi cổ dân gian những ngày Tết. Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, nhìn nhận: “Hy vọng qua hội thi này, tục dựng cây nêu ở TP Quy Nhơn không chỉ được khôi phục lại, trở thành một hoạt động mang tính truyền thống chào đón Tết cổ truyền, mà còn là cơ sở để các địa phương nhân rộng trong từng cộng đồng dân cư trong điều kiện có thể”.
Hội thi làm bánh truyền thống được Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn duy trì trong dịp lễ hội Đống Đa. Năm nay, Trung tâm cũng đã phối hợp với Hội LHPN huyện, Bảo tàng Quang Trung tổ chức hội thi với quy mô mở rộng hơn, kết hợp thi hát dân ca tạo không khí sôi động thu hút người xem. Những chiếc bánh in ngày càng ít thấy trong các gia đình ngày Tết, đã xuất hiện thật đẹp, đa dạng về hình thức và hương vị qua bàn tay khéo léo của các thí sinh đại diện cho Hội LHPN 15 xã, thị trấn của huyện Tây Sơn. Trong không gian “bốn bề là bánh”, các thí sinh trong trang phục truyền thống đã cất lên giọng hát ngọt ngào với những làn điệu dân ca, bài chòi như lý Vọng phu, lý Vãi chài, lý Ngựa ô, hò Chèo thuyền, Thân gái dặm trường… tạo nhiều cảm xúc cho người nghe. Ông Trần Văn Cư, một du khách ở Hà Nội đến tham quan Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Được xem làm, ăn thử bánh in, nghe hát dân ca hay khiến tôi có nhiều thiện cảm về phụ nữ Bình Định giỏi nữ công gia chánh và yêu văn nghệ”.
Tại Lễ hội Chợ Gò-Trường Úc (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước) tổ chức vào sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ, người xem thật sự ấn tượng với chương trình biểu diễn của đội bả trạo thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước). Ông Hồ Thành Long, phụ trách đội bả trạo thôn Bình Thái, tâm sự: “Lần đầu tiên được mời biểu diễn ở lễ hội Chợ Gò, được nhiều người khen diễn hay, đúng bài bản truyền thống… đã góp phần động viên các cháu học sinh tham gia đội bả trạo có ý thức hơn trong việc gìn giữ di sản cha ông”.
2.
Việc tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua thành công đã cho thấy hướng đi đúng cần tiếp tục được phát huy. Tuy nhiên, cũng cần khắc phục những hạn chế, để không chỉ tạo không khí vui xuân cho người dân, mà quan trọng hơn là đóng góp hiệu quả cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo quan niệm của người xưa, dựng cây nêu trong ngày Tết cổ truyền là để xua đuổi tà ma, cầu mong một năm mới được phúc, lộc, may mắn. Cây nêu còn được coi là “cây vũ trụ” nối liền Đất-Trời, hàm chứa ý thức xác định lãnh thổ của đất nước, là biểu tượng chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…Tại Hội thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền”, nhiều người am hiểu đến xem đã góp ý khi nhiều đội thi đã chọn những cây tre “ốm yếu” dựng nêu nên mới có vài ngày cây đã héo, làm giảm ý nghĩa. Nhà văn Lê Hoài Lương, thành viên Ban giám khảo hội thi, cho biết: “Dựng cây nêu là một việc kỳ công, trước hết là chọn tre. Cây tre dựng nêu phải đủ lá, sung mãn, suông, thẳng, không tì vết, ngọn cong đẹp. Cây tre muốn xanh lâu lệ thuộc vào việc chọn tre sung mãn, chọn chỗ trồng có hơi ẩm tốt. Tới mồng Bảy tháng Giêng mới hạ nêu, ngọn, lá cây nêu nào còn xanh lâu thì hãnh diện, may mắn lắm”.
Hoài Thu