Đền Trần "chấn động" vì "bão người" cướp lộc
Đúng 7g sáng nay 14.2 (15 tháng giêng), đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) bắt đầu phát ấn. Từ chiều 13.2, hàng vạn du khách khắp nơi đã đổ về đền làm lễ và chờ xin được ấn cầu may mắn.
Năm nay để tránh việc người dân chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau chờ xin ấn, ban tổ chức lễ hội đền Trần đã huy động đông đảo lực lượng cảnh sát, công an, bảo vệ nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Ngay từ 13g chiều 13.2, hàng trăm cảnh sát cơ động đã tỏa ra các tuyến đường dẫn đến khu vực lễ hội ngăn chặn xe máy, ôtô vào đền. Các barie được dựng phong tỏa từ đường Trần Thừa, đường Trần Thủ Độ...
Đến 15g, dòng người từ khắp các ngả đường ùn ùn đổ về đền làm lễ. Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù đã có lệnh cấm đổi tiền lẻ nhưng dịch vụ đổi tiền lẻ núp bóng kinh doanh vàng mã vẫn diễn ra ở lễ hội đền Trần.
Với tâm lý cầu được may mắn, những tờ tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng... được người dân đặt khắp đền từ ngựa, trống đến cả cây cối ngoài vườn.
Bên trong đền, người người chen nhau làm lễ, người này lễ vào lưng người kia, lễ nhà này chồng lên lễ nhà nọ. Thậm chí có người vừa bê lễ vừa khấn vì không còn chỗ đặt.
La hét ầm ĩ, vò tiền, ném rào rào vào kiệu rước
Đúng 21g30, lễ khai ấn và rước kiệu ấn chính thức bắt đầu. Trong lúc nhà đền tiến hành nghi lễ rước ấn quanh hồ, nhiều người dân, thậm chí cả các vị khách mời cũng vò tiền thành nắm ném rào rào vào kiệu ấn với tiếng la hét ầm ĩ.
22g30, lễ khai ấn và rước kiệu kết thúc. Lúc này, không chỉ người dân mà những vị khách mời của ban tổ chức cũng chen nhau, thậm chí còn lớn tiếng chửi bới, ai cũng hòng giành chỗ đẹp nhất cho riêng mình. Cả đền Trần như bị chấn động bởi bão người ùn ùn kéo vào cướp lộc, làm lễ trước sự bất lực của lực lượng công an.
Hai vị quan khách trang phục chỉnh tề, sang trọng nhanh chóng lao tới cướp hoa trên bàn thờ rồi xé làm đôi chia lộc mỗi người một nửa. Một số vị khác nhảy lên cướp nến còn đang cháy dở. Trước cảnh tượng náo loạn đó, các cụ thủ từ ngán ngẩm, chỉ còn cách lắc đầu, chịu trận.
Đến 23g đêm, người dân trở nên bấn loạn khi ban tổ chức đọc tên tuổi với đầy đủ chức danh quan chức từ trung ương đến địa phương vào làm lễ. Không nén lòng chờ được đến lượt mình, bất chấp cảnh sát ngăn cản, nhiều người đã vượt rào nhảy vào đền. Không vượt rào được, số khác tìm cách chèo lên cây, song sắt, hàng rào, thậm chí thay nhau cõng lên lưng để hóng vào trong.
Đồng hồ điểm 0g00 cũng là lúc xe các vị quan khách lần lượt ra về. Biển người du đổ hàng rào barie ồ ạt chen chúc lao vào đền khiến cảnh sát cơ động phải liên tục áp sát tiễn xe khách ra tận ngoài đường lớn. Nhiều người còn cầm hoa, cầm oản, nến túa ra ngoài với khuôn mặt hồ hởi, ra vẻ sung sướng.
Năm nào cũng có giấy mời đến dự lễ hội đền Trần nhưng không thể vào bên trong, anh Trần Văn Lực (Hà Nội) bức xúc: “Tôi không hiểu vì sao có giấy mời, có thẻ mà vẫn không được vào trong làm lễ. Năm nào cũng thấy ban tổ chức nói rút kinh nghiệm, rồi quản lý chặt chẽ hơn, nghiêm ngặt và làm tốt hơn nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy sự biến chuyển khi khai ấn. Rước kiệu ấn xong xuôi hết mà nhiều người dân, thậm chí báo chí cũng không thể vào bên trong tác nghiệp được”.
Bẻ cây, hái hoa, cướp… lộc
Tránh tình trạng người dân bon chen xin ấn trong đêm, từ năm 2012, tỉnh Nam Định không tổ chức phát ấn vào đêm 14, chuyển đến sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, bằng phương pháp nào đi nữa thì cũng không cứu vãn nổi tình trạng người dân xông vào chùa, vơ vét lộc đền.
Mặc dù thời tiết lạnh buốt nhưng cả không gian đền Trần trong đêm khai ấn như cơn bão lửa. Quá mệt mỏi vì phải chen lấn, xô đẩy, đến lúc này người cởi trần, người mặc áo cộc tay, từ trẻ con đến người lớn a dua xông vào “trận địa”. Công cuộc càn quét lộc đền chính thức bắt đầu.
Ở bên trong đền Thiên Trường người ken chật ních đến nỗi một chân cũng không nhấc nổi. Cứ sau một tiếng hò dô tất cả lại ngả nghiêng về một bên. Phía người vào đổ vào trong, dòng người ra dạt về cổng. Nhiều người vì không vào nổi hậu cung đành vái tứ tung bốn phía, người này vái lưng người kia rồi cuống quýt chen về.
“Đã là vật trong đền Trần thì tất cả đều là lộc thiêng”, một người đàn ông lớn tiếng nói. Hưởng ứng lời nói của người này, hàng trăm người bắt đầu lao vào bẻ cây, hái hoa, sờ vào voi, rung chuông kêu inh ỏi để lấy may.
Tiếng loa đài từ nhà đền liên tục vang lên cảnh báo du khách nhưng hoa quả trên ban thờ, nến thắp đều lọt vào tầm ngắm. Nhanh như chớp mắt, người này cướp giật rồi dúi vào tay người bên cạnh. Đến cả những người đeo biển phục vụ lễ hội cũng tìm cách tiếp tay cho người nhà bằng cách nhanh tay “cất” ít lộc đền trước khi bị dòng người ào vào lấy mất.
Hương nhang, vàng mã rơi vãi khắp đền đến người được phân công dọn dẹp cũng bực mình cáu gắt, mắng chửi những người vô ý thức không biết đốt mã ở đâu đánh ném xuống đất. Ở khắp các bàn công đức, bàn bán lệnh cầu may cũng ken đặc người. Rồi lễ nhà này chồng lên lễ nhà kia, khấn xong chuyện bê nhầm lẫn, tả xung hữu đột không còn lạ đến mức phải quan tâm.
Nhà ở Lạng Sơn, đi từ 3g sáng đến đền Trần làm lễ, anh Mai Văn Tuấn cho biết: “Năm nào tôi cũng cùng một người bạn thân đi xe máy từ 3g sáng ở nhà đến đây làm lễ. Chúng tôi có mặt ở đây lúc 10g, vào làm lễ rồi mua lệnh may mắn cho ôtô, giá một lệnh là 20.000 đồng. Sau đó nghỉ ngơi tại đền và đi chơi lễ hội chờ đến đêm khai ấn”.
“Nếu không xin được ấn thì làm ăn chẳng ra sao nên bằng mọi giá, dù phải đánh nhau, tôi phải có được ấn” - anh Tuấn nói chắc nịch.
Đến 2 giờ sáng ngày 14.2, dòng người vẫn tấp nập đổ về đền Trần làm lễ. Trong khu vực nhà đền, trên ghế đá người nằm ngổn ngang, nhà nhà trải chiếu nằm đất tranh thủ nghỉ ngơi chờ đến sáng ngày hôm sau (15.1) bắt đầu vào công cuộc tiếp theo - xin ấn!
Bà Cao Thị Tính - phó chủ tịch UBND TP Nam Định, trưởng ban tổ chức - cho biết ban tổ chức đã thành lập bốn tiểu ban gồm: an ninh, tuyên truyền, hậu cần, nghi lễ, mỗi ban sẽ được phân công nhiệm vụ để đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông ở khu vực đền Trần.
“Năm nay chúng tôi đã huy động hơn 2.000 cán bộ làm công tác an ninh, trật tự trong đêm khai ấn” - bà Tính nói.
Ấn đền Trần "chợ đen" mua vô tư: 50 nghìn đồng/cái
Ngay sau khi mua được ấn trong đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) sáng sớm 14.2, lập tức nhiều người mang ra cổng “phe” với giá lên đến 50.000 đồng/ấn.
Sáng nay, đúng 6g nhà đền bắt đầu phát ấn cho người dân. Trước đó, từ 5g sáng, hàng nghìn người dân chen chúc nhau xếp hàng ở ba đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, cung Trùng Hoa chờ đến lượt mình được mua ấn.
Mặc dù được đánh giá là nghiêm ngặt, ổn định hơn so với mọi năm nhưng lễ phát ấn năm nay vẫn diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy hỗn loạn ngay trước đền phát ấn.
Theo quan sát của phóng viên, ở trước mỗi cửa phát ấn, lực lượng công an, cảnh sát cơ động phải liên tục dẹp những người chen lấn ra khỏi khu vực nhằm đảm bảo an toàn cho người nhận lễ. Tuy nhiên, bất chấp lời cảnh báo của cảnh sát, nhiều người vẫn bám lên mái đền đu vào bên trong. Người cao hơn cõng người thấp dúi vào cửa phát lễ, dùng hết sức mình để chen vào trong.
Có người mua được ấn nhưng đường ra bịt kín tứ phương nên chỉ còn cách trèo lên vai người sau mà thoát. Sau khi thoát khỏi đám đông, có ấn rách tả tơi mà tất cả những người có được ấn vẫn cười hả hê, sung sướng vì “gia tài” đã về tay mình!
Cả đêm qua ngồi canh cổng đền chờ tới lúc xếp hàng vào nhận ấn, chị Mai Thị Hoa (quê Vĩnh Phúc) mừng rỡ đến mức vừa cười vừa khóc khi trên tay nhận được 3 ấn liền. “Tôi xin ấn cho vợ chồng tôi và hai vợ chồng con gái ở quê nữa. Mừng quá! Cuối cùng nhiệm vụ quan trọng đầu năm nay cũng đã hoàn tất. Hẳn là năm nay công việc và tiền tài phi vào nhà như ngựa đây”, chị Hoa phấn khởi nói rồi cầm ấn vái lia lịa vào cung đền Trần.
Trong khi đó, ở nhà giải vũ phía bên trái đền Thiên Trường và phía bên cung Trùng Hoa lại có vẻ yên tĩnh hơn. Người dân ý thức xếp hàng lần lượt, không có tình trạng chen lấn xô đẩy.
Những người bị đám đông đánh bật ra ngoài không chen nổi vào trong đành phải ra ngoài mua ấn chợ đen với giá 50.000 đồng/ấn. Trong khi đó, mỗi chiếc ấn của ban tổ chức được bán với giá 15.000 đồng.
“Nhìn bao nhiêu người chen nhau thế kia làm sao mà tới lượt mình, thôi bỏ thêm vài chục có được ấn cũng chả tiếc vì một năm đầy may mắn, làm ăn phát đạt, hái ra tiền thì tiếc gì 30.000 đồng chứ”, anh Tuấn Anh - du khách ở Nghệ An nói.
Đến khoảng 7g sáng, dòng người vào xin ấn đã vơi đi. Đây cũng là lúc các cụ thủ từ tranh thủ được nghỉ tay sau một tiếng vật vã, phát ấn với hết tần suất. “Cứ bỏ tiền vào hòm rồi nhận lễ nhanh lên còn đến lượt người khác vào”, cụ thủ từ nhắc nhở người dân.
. Theo TTO