Vượt qua “cú sốc” kinh tế gia đình suy sụp
Không ít gia đình đang êm ấm hay có của ăn của để, bỗng gặp phải biến cố lớn khiến tài chính gia đình suy sụp, kiệt quệ. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, mái ấm dễ dẫn đến rạn nứt, đổ vỡ nếu các thành viên không cùng nhau cố gắng, hỗ trợ để khắc phục, vượt qua.
Như rơi từ vực thẳm
Làm ăn thua lỗ, mê bài bạc đỏ đen… là những lý do phổ biến khiến cho một người hay cả gia đình lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay. Không ít trường hợp, chỉ vì sai lầm của một thành viên trong nhà và để “giải quyết hậu quả” người đó gây ra đã làm kinh tế gia đình khánh kiệt.
Mấy năm trước, gia đình bà Lê Thị Hằng, 54 tuổi, ở huyện Phù Cát, có một cửa hàng điện tử nhỏ. Việc buôn bán thuận lợi, vợ chồng bà Hằng lại giỏi thu vén nên gia đình gồm 4 người này không những cơm ngon áo đẹp mà còn tích lũy được số vốn kha khá. Sức học hạn chế, cả hai con trai của bà Hằng chỉ học đến trung học phổ thông rồi nghỉ ở nhà trông coi cửa hàng với cha mẹ. Cửa hàng của gia đình thành ra nhiều người mà ít việc. Vợ chồng bà Hằng ấp ủ dự định mở rộng việc bán buôn, vui mừng chuẩn bị lo gia thất cho con trai lớn thì nhận tin “sét đánh”. Con của bà mắc nợ “dân anh chị” số tiền lên đến vài tỉ đồng và bọn chúng đang dồn ép đòi nợ. “Đứa thua bài, đứa thua cá độ, phải bán tất cả tài sản để đổi lại còn con, mồ hôi công sức bao năm gầy dựng bỗng chốc trắng tay”, bà Hằng rầu rĩ kể.
Tiền của đội nón ra đi do làm ăn sa sút tuy ít chóng vánh như thua bài bạc nhưng cũng để lại hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình. Có không ít gia đình, ở thời việc làm ăn hanh thông, họ có nhiều hơn một ngôi nhà khang trang, tiền của, đất đai, xe cộ… Nhưng khi phá sản, một chỗ che nắng che mưa cũng không còn. Nói về biến cố kinh tế vừa xảy đến với gia đình mình, chị Phạm Thùy Trâm, nhân viên văn phòng, 28 tuổi, cho biết: “Nhiều năm qua, từ việc kinh doanh bất động sản, cha tôi tạo dựng cho mẹ con chúng tôi một cuộc sống vật chất rất đầy đủ. Rồi việc làm ăn của cha gặp khó khăn, phải chạy vạy đắp đổi, đến khi gia đình vỡ nợ, em gái tôi còn chưa kết thúc du học. Cuộc sống của từng thành viên trong gia đình như rơi xuống vực thẳm…”.
Cảm giác bị “sốc”, tiếc nuối, sự căng thẳng, bất hòa… trong gia đình là những điều thường thấy ở giai đoạn đầu “hậu phá sản”. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại hay lún sâu vào điều này, gia đình càng có nguy cơ đổ vỡ. Giải pháp tối ưu và lâu dài không còn cách nào hơn là thích ứng với hoàn cảnh hiện tại và cùng nhau khắc phục.
Chung tay khắc phục
Khá chật vật để chị em chị Thùy Trâm giã từ cuộc sống của những tiểu thư. Khoản tiền lương 5 triệu đồng mỗi tháng trước đây chị Trâm chỉ dùng để mua sắm, chi tiêu cá nhân thì nay phải tằn tiện để phụ giúp gia đình. Ngoài giờ học, cô em gái đang du học bên Anh của chị đi làm bán thời gian để có thể tự nuôi mình, không phải dang dở việc học. Từ cuộc sống “quý bà”, mẹ chị Trâm cũng bước đầu tập tành buôn bán nhỏ tại nhà.
“Không phải làm chỉ để sống mà chúng tôi còn phải trả những món nợ khá lớn. Mỗi tháng tuy không tích góp được nhiều nhưng chúng tôi đều mang trả, để các chủ nợ biết được nỗ lực, thiện chí của chúng tôi rằng không “chạy làng”. Cuộc sống từ khá giả rớt xuống nghèo khó nhọc nhằn không kể xiết, nhưng điều quan trọng là cả nhà chúng tôi đều nỗ lực, quyết tâm không để tổ ấm rạn nứt. Đây là động lực để mỗi thành viên cố gắng”, chị Trâm tâm tình.
Trước khi cùng xắn tay vực dậy kinh tế gia đình, cả nhà bà Hằng cũng đã trải qua giai đoạn bĩ cực đầy sóng gió. “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, xót của, giận con, vợ chồng bà lục đục suốt ngày. Hai con bà “sầu đời” nhậu nhẹt say bí tỉ. Nhưng, khó nghĩ nhất vẫn là chuyện đám hỏi của người con trai lớn ngày một đến gần. Sai lầm đỏ đen của người con trai ấy, liệu nàng dâu tương lai và đằng gái có ngại ngần? Quẹt mồ hôi đang ròng ròng chảy trên trán sau giờ tăng ca, “kẻ lầm đường” ngày nào tâm sự trong niềm xúc động: “Khi ấy, cái sai của mình tôi đã nhận ra và sẽ từ bỏ, nhưng nếu ngày ấy vợ tôi hủy hôn ước với tôi, có lẽ tâm hồn tôi không yêu đời như bây giờ. Cảm phục thay vợ tôi, thấy trước mắt nhiều vất vả nhưng vẫn bao dung, giúp tôi sửa sai. Tôi hiểu ra, khi gia đình gặp biến cố xấu, sự đồng lòng là vô cùng quan trọng”.
PHÚC DUYÊN