Duy tâm theo cách của bà
Người nhà bảo, bà sống khá duy tâm, một đời làm gương và dạy con cháu sống tu thân, dưỡng tính, nhân nghĩa, thủy chung. Bà xem trọng việc thờ tự, giỗ quải người thân đã khuất. Bà chính là người khởi xướng và vận động láng giềng mỗi năm tổ chức “thanh minh xóm”. Bà cũng hay đi chùa, ngôi chùa nhỏ gần nhà, để cầu phước lành cho gia đình, cho mọi nhà… Khi chưa thành cháu dâu của bà, nghe người yêu “phác họa” về bà như vậy, cô gái hình dung bà là người kỹ tính, chuộng lễ nghi cầu kỳ, mê tín và kiêng khem đủ thứ… Vậy mà không, khi đã thành người nhà, cô gái hiểu, cái cách bà “duy tâm” rất chừng mực và cảm động.
Thêm một đứa cháu bà sắp sửa cưới vợ. Lần này, bà cũng đi coi tuổi xem đôi trẻ có hợp không. Cái kết quả “khắc mệnh” và lời khuyên không nên cho đôi trẻ lấy nhau làm bà day dứt, bất an. Nhưng bà không cấm cản đôi uyên ương và vẫn tiến hành cưới hỏi như bình thường. Đầy đủ thủ tục truyền thống. Ngay cả những mẹo hóa giải xung khắc như để cô dâu vào nhà chồng bằng cổng sau, vợ chồng không làm lễ gia tiên… bà cũng không ưng thuận áp dụng. “Con gái nhà người ta nuôi nấng đến chừng ấy, gả về nhà mình, mình phải trân trọng đón nhận để nó rỡ ràng, không tủi phận”, bà giải thích.
Cuối ngày cưới, khi khách khứa đã về hết, chỉ còn lại gia đình thân thuộc, bà gọi đôi vợ chồng mới đến và lúc này, mang “bảo bối hóa giải” của mình ra. Bà căn dặn, vợ chồng nào cũng phải biết yêu thương, tôn trọng, chia sẻ. Những điều ấy, ở vợ chồng có tuổi xung khắc càng phải làm cho nhau, vì nhau gấp đôi ba lần. “Cơm sôi nhỏ lửa”, phải bao dung, nhường nhịn, để những hờn giận, bất hòa không đẩy thành mâu thuẫn kịch liệt, không để họa xảy ra từ đấy… Bà nói giản dị và nhỏ nhẹ. Không biết vì ý thức về “tiểu sử” không hợp tuổi của mình hay khắc cốt ghi tâm lời bà dạy mà vợ chồng người cháu ấy quý trọng cuộc sống bên nhau, sống rất êm ấm.
Bà là dâu trưởng, nhà bà cả năm có đến gần 20 cái giỗ lớn, nhỏ. Dâu, rể rồi cháu dâu, cháu rể về nhà bà, lúc chưa biết rất lấy làm thắc mắc vì sao những ngày giỗ ở nhà bà thường rơi vào ngày nghỉ cuối tuần?! Thì ra, bà có thói quen “chuyển” một số ngày giỗ rơi vào thứ 5, thứ 6 sang thứ 7, chủ nhật. Tất nhiên, đúng ngày mất, bà vẫn làm mâm cơm cúng cáo. Bà cho rằng, đó cũng là ngày để mọi thành viên trong gia đình được quây quần, cùng tưởng nhớ người thân đã khuất. Tổ tiên về dự giỗ, thấy đông đủ con cháu càng ấm lòng. Ngày thường, con cháu đều bận đi làm, đi học, buộc hoặc chúng phải xin phép cơ quan, nhà trường nghỉ làm, nghỉ học hoặc là viễn cảnh “cúng ra không ai ăn”. Vậy nên, giỗ ở nhà bà rất đoàn viên, vừa thiêng liêng vừa ấm cúng. Trẻ nhỏ được người lớn dắt ra mộ thắp nhang tưởng nhớ ông bà. Đại gia đình cùng nhau nấu nướng làm giỗ.
Duy tâm theo cách của bà là “chín nhịn mười lành”, là xí xóa những buồn thương người khác gây ra cho mình, là san sẻ cho người khó, là bênh vực kẻ yếu… Bà sống gần trọn đời ở thế kỷ 20, vắt sang thế kỷ 21. Người ta bảo thế kỷ 21 là thế kỷ của tâm linh. Lối sống chuộng tâm linh in hằn vào nếp nghĩ, cách ăn ở, ứng xử… của nhiều người. Nhiều người kiêng cữ đủ thứ, làm điều gì cũng coi “thầy”, để chọn ngày đẹp, giờ đẹp, để được hướng dẫn phải làm điều này, tránh điều kia… Bà cũng là người coi trọng yếu tố tâm linh. Nhưng tâm linh theo cách của bà qua hai thế kỷ chẳng có gì là khác nhau. Tất cả đầy giản dị, từ tâm, thấu tình đạt lý và thấm đẫm yêu thương.
KHẢI THƯ
cuộc sống hiện đại đang dần hiếm đi những người như bà. Nhưng tôi nghĩ bà là một người của thời "hiện đại". Cách sống của bà chính là sự mẫu mực mà thế hệ hôm nay cần học theo và gìn giữ.