Cần ứng phó khẩn cấp!
Những thông tin dồn dập về tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp và người chết do nhiễm vi rus cúm gia cầm tại nhiều địa bàn lân cận với tỉnh ta như Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kon Tum…, đã cho thấy tình hình đang rất “nóng”.
Thông tin tại cuộc họp khẩn do Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì hôm 12.2 cho biết, virus cúm H7N9 đã xuất hiện tại nhiều địa phương ở Trung Quốc với 337 người mắc bệnh, trong đó 70 trường hợp tử vong. Đây là loại virus có độc lực cao, cứ 4 người nhiễm virus thì có một người chết. Đặc biệt, hiện nay virus đã xuất hiện tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), giáp 4 địa phương phía Bắc của Việt Nam, nên nguy cơ virus xâm nhập vào Việt Nam là rất cao. Điều nguy hiểm của chủng virus H7N9 so với virus H5N1 là nó không làm cho gia cầm bị chết và không có các biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, phương pháp xác định duy nhất là lấy mẫu xét nghiệm để biết gia cầm có mang bệnh hay không.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, Việt Nam đang có nguy cơ cao lây lan dịch H7N9 nên càng phải nỗ lực để ngăn chặn virus cúm này vào nội địa thông qua việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới, kể cả trong nội địa. Tỉnh ta nằm trên tuyến vận tải xuyên Việt nên việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, các loại sản phẩm gia cầm qua địa bàn tỉnh diễn ra hàng ngày, do đó nguy cơ bị ảnh hưởng là rất lớn nếu không tích cực phòng ngừa bằng các biện pháp quyết liệt.
Mới đây, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo khẩn gửi các đơn vị trực thuộc về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống cúm H7N9 và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người. Theo đó, các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp phòng bệnh cúm A (H7N9) và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người. Các trung tâm y tế phối hợp với phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức cảnh giác với dịch bệnh; tiếp tục củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh cúm A (H7N9), A (H5N1) và các chủng virus cúm từ gia cầm lây sang người tại các nhà ga, sân bay, cảng biển và cộng đồng. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống dịch, sẵn sàng triển khai bao vây, xử lý khi xuất hiện trường hợp bệnh, không để dịch lây lan ra cộng đồng. BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn, BVĐK khu vực Phú Phong được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc, hóa chất, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, mặc dù đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa có trường hợp nào nghi nhiễm cúm gia cầm. Trong thời gian qua, ngành thú y đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa dịch cúm gia cầm có thể xảy ra, đặc biệt là tăng cường kiểm soát, kiểm tra và không cho nhập gia cầm từ các tỉnh có dịch vào địa bàn tỉnh ta. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ và nơi buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm; kiểm soát và tổ chức tiêm phòng vắcxin cho đàn gia cầm, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, lò ấp trứng, cơ sở giết mổ, chợ đầu mối…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, trong lúc này cần có sự tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm; phối hợp tổ chức tốt việc vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các chợ bán gia cầm nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng virus cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.
Tình hình đã khẩn cấp nên các ngành, các cấp và mọi người cần đề cao cảnh giác và cần quyết liệt ứng phó khẩn cấp trước nguy cơ lớn về dịch cúm gia cầm và hệ lụy từ nó.
Nguyên An