Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII tại Bình Định:
Khát vọng Tổ quốc mùa Xuân
Trong tiết trời se lạnh, hàng trăm người yêu thơ đã đổ về đồi Thi Nhân - Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII tại Bình Định (tức Nguyên Tiêu năm Giáp Ngọ - 2014). Dù đó là ai, ở độ tuổi nào, họ có mặt ở đây bởi một lý do: vì thơ.
Người làm thơ và khách thơ hội ngộ trong một ngày dành riêng cho thơ là nét văn hóa được duy trì, định hình hơn 10 năm qua, kể từ năm 2003 khi ngày Rằm tháng Giêng (Nguyên Tiêu) hằng năm được chọn là Ngày thơ Việt Nam.
Tiết mục trình diễn bài thơ “Trong đêm liên tưởng” của tác giả Phạm Quyên Chi (CLB văn nghệ trẻ - Trường Đại học Quy Nhơn).
Hội ngộ thơ
Có 6 CLB văn nghệ quần chúng và học sinh, sinh viên tham dự Ngày thơ năm nay. Trong số này, 5 CLB đã quen thuộc, từng nhiều lần tham dự Ngày thơ các năm trước, đó là: CLB Văn học Xuân Diệu (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh), CLB Văn nghệ trẻ Trường Đại học Quy Nhơn, CLB Văn học - nghệ thuật Trường Cao đẳng Bình Định, CLB Trường Thi - Trường THPT Quy Nhơn, CLB thơ phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn). Một gương mặt mới lần đầu tiên đến với ngày hội của thơ là CLB những người yêu thơ xã Cát Tường (đến từ xã Cát Tường, huyện Phù Cát). Mỗi CLB được bố trí một trại thơ. Có mặt ở đồi Thi Nhân ngay từ sáng sớm ngày Rằm, với những tấm panô giới thiệu sơ lược về CLB của mình, sách thơ, thư pháp, hoa, giấy màu…, các hội viên háo hức trang trí cho trại thơ và “dợt” lại những tiết mục thơ sẽ trình diễn.
Cùng chung mối duyên thơ, Nguyên Tiêu năm nay chứng kiến sự hội ngộ đông đảo, ấm cúng của hàng trăm người làm thơ, yêu thơ trong tỉnh. Từ những cây bút thơ tên tuổi, uyên thâm đến những gương mặt thơ quần chúng chất phác hay những hồn thơ trẻ cá tính. Họ chủ động tìm đến đây, vì thơ. Mặt khác, thơ “dẫn dụ” họ đến! Tôi hòa trong dòng người rộn rã, tôi đi từ trại thơ này đến trại thơ khác. Ở một góc yên tĩnh nào đó, tôi ngồi ngắm nhìn những người làm thơ: thân có, quen có và không ít người chưa quen. Họ - bạn của thơ và bạn của nhau.
Đông đảo bạn trẻ đến với Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII tại Bình Định.
Đầy bỡ ngỡ trong lần đầu tiên tham gia Ngày thơ, ông Võ Tấn Thăng, chủ nhiệm CLB những người yêu thơ xã Cát Tường, cho biết: “Chúng tôi là những nông dân yêu thơ, làm thơ ca ngợi xóm làng, quê hương, đất nước mình và để gửi gắm tâm sự. Ở xa, điều kiện kinh phí hạn hẹp nên anh em hội viên chúng tôi chưa có nhiều cơ hội giao lưu với các CLB văn nghệ ở Quy Nhơn và nhiều nơi khác trong tỉnh. Vì vậy, đến đây, được đọc thơ mình, được nghe thơ bạn, được thưởng thức những bài thơ Việt Nam hay, nổi tiếng xưa nay, chúng tôi cảm thấy rất bổ ích, ý nghĩa. Có đến Ngày thơ mới biết, thơ được thể hiện bằng nhiều cách lạ và hay quá!”. Chia sẻ vội với tôi, ông Thăng cùng các hội viên khác: Nguyễn Kế Ái, Huỳnh Văn Thơm… lại chăm chú hướng về sân khấu. Tại đó đang diễn ra chương trình trình diễn thơ, đa dạng bằng nhiều hình thức: ngâm thơ, hát thơ, liên khúc trình diễn thơ, hát dân ca - bài chòi thơ, hát tuồng thơ… Thơ đồng hành cùng cuộc sống và lên ngôi, lên ngôi rạng rỡ nhất trong ngày này.
Thơ trong “vườn nhan sắc”
Ngày nay, cái hay, cái đẹp, hiệu quả chuyển tải thông điệp và ý vị của một bài thơ đã không chỉ thể hiện gói gọn trong vài cách truyền thống, như đọc, ngâm. Trình diễn thơ, một cách tiếp nhận đầy mới mẻ đang được giới thơ ca hào hứng sáng tạo, thể hiện trong vài năm gần đây đã thật sự chắp cánh cho thơ. Tại Ngày thơ năm nay, thông qua làn gió mới ấy, những người làm chương trình đã mang đến nhiều tiết mục trình diễn thơ ấn tượng, xúc động.
Một trong số đó có lẽ là liên khúc trình diễn thơ “Tổ quốc mùa Xuân”, một tiết mục được dàn dựng công phu từ hai bài thơ: “Dân yêu ai, đích thị đấy anh hùng” của nhà thơ Lệ Thu và “Nhật ký Vĩnh Sơn” của nhà thơ Triều La Vĩ do nhà văn Lê Hoài Lương dàn dựng. Khi lời thơ được kết hợp với âm nhạc, múa, diễn xuất của diễn viên, sức lay động của hai bài thơ trở nên sâu hơn, trọn vẹn hơn. Không khí thiêng nghiêm, hùng tráng bao trùm trong phần thể hiện bài thơ gửi gắm nhiều suy tưởng của nhà thơ Lệ Thu. Trên sân khấu tái hiện hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời đã trở thành biểu tượng cho tinh thần dân tộc. Một thuở Điện Biên khói lửa và chói ngời cách nay gần 60 năm như hiện về. Trăm con người im lặng xúc động lắng nghe: “Mỗi tấm lòng dân là một tấm gương soi/ Cứ lấp lánh những hiền tài kim cổ/ Công bằng lắm lòng dân vạn thuở/ Dân yêu ai, đích thị đấy anh hùng”. Cảm hứng thơ về Tổ quốc tiếp tục được tô đậm qua phần thể hiện các bài thơ “Chúng con học đạo đức Bác Hồ” của tác giả Nguyễn Văn Chương, “Giấc mơ hoa ban trắng” của nhà thơ Mai Thìn…Dư vị của Tết cổ truyền và hương sắc mùa xuân như bao bọc, quyến luyến nồng nàn qua hàng loạt bài thơ về mùa xuân: “Quà tặng” (tác giả Đặng Quốc Khánh), “Xuân sơn cước” (tác giả Khổng Vĩnh Nguyên), “Ta nói về ta khi nhìn những bông bạch mai nở” (tác giả Tiểu Mục Đồng)…
Tuy không dàn dựng công phu, hoành tráng nhưng một số tiết mục ngâm thơ, hát thơ cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Đó là hình ảnh lãng mạn của “nàng thơ” - ca sĩ Lệ Thu, với cây đàn ghi-ta, đầy tha thiết và tình tự khi hát bài “Thuyền và bến” - được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của hội viên Võ Ngọc Thái (CLB thơ phường Bùi Thị Xuân). Là “nhan sắc” mới của thơ khi được thể hiện qua giọng hát tuồng, xen lẫn tiếng trống chầu và dàn nhạc cụ dân tộc ở bài thơ “Cát Tường quê hương tôi” (tác giả: Võ Tấn Thăng, thể hiện: Dư Thịnh - thuộc CLB những người yêu thơ xã Cát Tường)…
Thơ kết nối
Tại đồi Thi Nhân hôm Rằm tháng Giêng, gió biển thổi làm tung những cờ hội, cờ thơ, thư pháp thơ đầy màu sắc. Gió nâng chùm chùm bong bóng bay rực rỡ, đưa những câu thơ hay lên trời. Trại thơ của CLB Xuân Diệu có ảnh nhà thơ Xuân Diệu. Tôi nghe tiếng ai đó nói nhỏ: “Nhà thơ Xuân Diệu cũng về dự với chúng ta trong ngày hôm nay”. Cũng vừa lúc đó, tôi lại thấy ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cung kính giơ cao trên sân khấu, trong phần trình diễn thơ. Bất giác tôi có ý nghĩ, sự đồng hiện ấy sao mà thơ, mà thiêng đến vậy! Ở vào thời khắc bức chân dung vị tướng của dân tộc được giơ lên cao khi kết thúc phần trình diễn bài thơ “Dân yêu ai, đích thực đấy anh hùng”, khoảnh khắc ngắn ngủi, chẳng ai bảo ai, nhiều người cùng cúi đầu tưởng niệm. Tôi hình dung, có một phần sức mạnh Việt Nam chứa trong những cái cúi đầu rất khẽ. Tôi cũng trở về nhà từ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII tại Bình Định với nỗi bồi hồi rất khó tả. Trong tâm trạng miên man kéo dài đó, đột nhiên tôi có ý nghĩ, sự so sánh khập khiễng và buồn cười, rằng, thơ hay chắc chắn sẽ khác với… chiếc áo đẹp, sẽ chẳng bao giờ bị cũ, bị bỏ quên hay lỗi thời. Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII tại Bình Định, dẫu vừa diễn ra theo kịch bản và cả những khoảnh khắc “ngoài kịch bản” nảy sinh từ cuộc sống, đã chạm được đến tầng sâu thẳm trong lòng mỗi người tham dự. Đó là thơ đã mang đến xúc cảm chung về một tình yêu lớn đối với Tổ quốc trong khát vọng mùa xuân vĩnh hằng của dân tộc!
SAO LY
Kết quả Cuộc thi thơ nhanh:
Giải Nhất: “Tôi đã thấy” của tác giả Nguyễn Xuân Tịnh, CLB thơ phường Bùi Thị Xuân. Nhì: “Không đề”, tác giả Phạm Quyên Chi, CLB văn nghệ trẻ - Trường Đại học Quy Nhơn. Ba tác giả: Tống Võ (CLB những người yêu thơ xã Cát Tường), Võ Thị Ngọc Mến (CLB Trường Thi), Nguyễn Thanh An (CLB Trường Cao đẳng Bình Định) đoạt giải Khuyến khích.
Kết quả Liên hoan thơ các CLB:
Nhất: CLB Văn học Xuân Diệu. Nhì: CLB Văn nghệ trẻ. 4 CLB còn lại đoạt giải Khuyến khích.