Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Sau gần hai năm triển khai thực hiện tích cực, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta đã đạt những kết quả bước đầu, tạo được khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới và có ý nghĩa kinh tế, chính trị rất lớn. Đến nay, 4 xã được chọn làm điểm của tỉnh và các xã đã triển khai để đạt chuẩn vào năm 2015 đã có nhiều khởi sắc trên các lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp khá đồng bộ, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh…
Qua thực tế, kinh nghiệm bước đầu cho thấy để thực hiện xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong Ðảng, trong nhân dân các xã về quan điểm, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và mỗi người dân hiểu rõ, từ đó đồng tâm, chung sức, tự giác, chủ động tham gia. Thực tế cho thấy, xã nào ngay từ đầu đã tổ chức tốt việc phổ biến, quán triệt để mọi người hiểu đúng, thống nhất nhận thức, tạo được sự đồng thuận thì công việc triển khai thuận lợi, có nhiều sáng kiến, đạt kết quả tốt và ngược lại.
Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, thôn và những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Đội ngũ cán bộ tại cơ sở càng năng động, sáng tạo thì kết quả đạt được càng tích cực và hiệu quả hơn. Ngoài ra, trên cơ sở mục tiêu, nội dung và các cơ chế chính sách chung của Nhà nước, mỗi địa phương phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và yêu cầu cụ thể thiết thực của người dân, cần phát huy dân chủ rộng rãi trong cộng đồng dân cư, chủ động lựa chọn những nội dung bức thiết cần làm trước để tập trung đầu tư phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của từng xã, không rập khuôn, máy móc.
Mặt khác, cần phải đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, xác định rõ sự hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách Trung ương là cần thiết để tạo đà, tạo cơ sở để huy động các nguồn vốn khác từ ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân dưới nhiều hình thức; cần làm tốt việc huy động vốn của doanh nghiệp thông qua các hình thức thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết và nhất là tăng vốn tín dụng cho vay để phát triển sản xuất... Về cơ bản và lâu dài, để nông thôn mới được xây dựng, phát triển bền vững thì phải tập trung phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao nội lực của nhân dân tại địa phương.
Để tập trung hoàn thành mục tiêu 27 xã đạt chuẩn vào năm 2015 như kế hoạch tỉnh ta đã đề ra, trong thời gian tới các cấp, các ngành và từng địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nhất là có sự chỉ đạo tập trung, sâu sát, cụ thể, thường xuyên kiểm tra đôn đốc và thu hút được sự tham gia chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn. Với sự chung tay góp sức, đồng lòng hiệp lực chắc chắn chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta sẽ về đích đúng kế hoạch.
HẢI ĐĂNG