Chuyện giảm biên!
Trong những ngày gần đây, thông tin về việc Bộ Nội vụ trình Chính phủ bản dự thảo chính sách từ nay đến 2020 sẽ tinh giản 100 nghìn cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) liên tục được đề cập trên báo chí, làm dấy lên nhiều luồng dư luận về vấn đề này trong xã hội. Tuy nhiên, có một điểm chung được dư luận tập trung bàn thảo nhiều nhất là: liệu có giảm được đúng người cần giảm hay không, và làm thế nào để giảm?
Thực ra chuyện đặt vấn đề tinh giản biên chế của bộ máy các cơ quan nhà nước (thường được gọi là giảm biên) không phải là chuyện mới. Từ năm 2012 trở về trước, chúng ta cũng đã thực hiện việc giảm biên chế theo Nghị định 132, nhưng tại các cơ quan công quyền vẫn còn tình trạng phổ biến là vừa dư người thiếu khả năng vừa thiếu người biết làm việc. Câu chuyện gây tranh cãi về việc số CBCCVC “ngồi chơi xơi nước” rồi tới tháng lĩnh lương là 30% hay chỉ 1% được nêu ra tại diễn đàn của Quốc hội cũng là từ thực trạng này mà ra.
Theo dự thảo nghị định mới về tinh giản biên chế vừa được đưa ra, CBCCVC dôi dư do sắp xếp lại, chưa đạt trình độ hoặc có chuyên môn không phù hợp, kiêm nhiệm, nghỉ ốm nhiều... sẽ là đối tượng nhắm đến. Tuy nhiên, đối tượng tinh giản biên chế sẽ kèm theo điều kiện tuổi từ 55 đến 58 đối với nam, 50 đến 53 đối với nữ và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những tiêu chí trong dự thảo nghị định còn sơ sài. Một ví dụ dễ thấy, trong các đối tượng đưa vào diện phải tinh giản biên chế trong dự thảo là “người hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực”. Đây là một khái niệm rất trừu tượng, khó xác định vì chưa có tiêu chí để xác định thế nào là hoàn thành nhiệm vụ nhưng hạn chế về năng lực. Chưa kể trong các cơ quan hiện nay vẫn còn kiểu xuê xoa trong đánh giá hàng năm, nên hầu như ai cũng “hoàn thành nhiệm vụ” cả, và như vậy sẽ… “huề cả làng” (!).
Chúng ta đều biết, việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế những lần trước đã đạt một số kết quả, nhưng chưa đạt được mục tiêu làm gọn bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ CBCCVC thật sự tinh nhuệ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn cồng kềnh, tổng biên chế tăng, không ít đơn vị biên chế tăng gấp đôi, một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức không đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, việc giảm biên lần này cần hướng đến vấn đề có tính căn cơ là khắc phục cho được sự cồng kềnh, chồng chéo và giảm cho được định biên của bộ máy. Trên cơ sở làm rõ chức năng nhiệm vụ của tổ chức, bộ máy, của từng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh công chức, bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Mặt khác, cần khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin - thực hiện Chính phủ điện tử, vừa công khai, minh bạch, vừa làm giảm biên chế, tiết kiệm lao động xã hội và qua đó góp phần tăng thu nhập cho cán bộ công chức.
Vấn đề giảm biên là vấn đề vừa đụng chạm đến từng con người cụ thể, đồng thời gắn với tổ chức bộ máy, gắn với việc hoàn thiện hệ thống chính trị, là vấn đề thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải giải quyết để đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong công cuộc hội nhập và phát triển của đất nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần tiến hành có trọng tâm, có hướng đi và giải pháp căn cơ, có chính sách, có lộ trình hợp lý, tạo được sự đồng thuận và bứt phá trong tổ chức thực hiện, có sự đồng bộ trong nhận thức và hành động, và nhất là quyết tâm chính trị thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra.
HẢI ĐĂNG