Võ sư Phi Long Vinh:
“Cháy” hết mình với võ cổ truyền
Trót theo đuổi niềm đam mê với môn võ cổ truyền của dân tộc, võ sư Phi Long Vinh (tên thật là Thái Hùng Vinh) đã trải qua rất nhiều khó khăn. Vượt lên tất cả, ông đang tạo dựng được một cơ ngơi khá vững chãi để tiếp tục sống với võ thuật bằng cả lòng nhiệt huyết của mình.
Lò đào tạo chất lượng
Năm 2013 được xem là một trong những dấu mốc đáng nhớ nhất của võ đường Phi Long Vinh, khi các võ sinh của võ đường này giành được 4 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ tại Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn tỉnh, qua đó lần đầu tiên đoạt cúp nội dung hội thi. Cũng ở giải đấu này, hai học trò khác của võ sư Phi Long Vinh đã đem về 1 HCV và 1 HCB cho đội tuyển võ cổ truyền huyện Tuy Phước. Đối với những người thầy, một trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất là chứng kiến sự trưởng thành của các học trò. Và năm 2013 khép lại với võ sư Phi Long Vinh một cách trọn vẹn, khi hai học trò cũ là Nguyễn Quốc Tiễn và Đặng Trần Anh Tuấn giành được hai chiếc đai vô địch tại Giải võ cổ truyền toàn quốc tranh đai vô địch Let’s Việt (một giải đấu lần đầu tiên tổ chức và tất cả các trận đấu đều được truyền hình trực tiếp).
Được người cha ruột truyền dạy võ thuật từ nhỏ, lại được võ sư Dũng Liêm và người cậu họ là võ sư Phi Long Vịnh rèn luyện thêm, nhờ đó, Phi Long Vinh lĩnh hội được rất nhiều bài võ hay và những đòn thế hiệu quả. Cùng với đó, việc tham gia thi đấu ở nhiều môi trường khác nhau trong gần 20 năm, cả nội dung biểu diễn lẫn đối kháng ở nhiều cấp độ khác nhau, đã giúp ông đúc rút ra nhiều kinh nghiệm, truyền đạt lại cho các học trò. Vì vậy, võ đường Phi Long Vinh thường xuyên cho ra lò những lứa VĐV xuất sắc, giành thành tích cao ở các giải đấu cấp tỉnh và cung cấp nhiều VĐV tài năng cho các đội tuyển tỉnh. Võ sư người Phước Nghĩa, Tuy Phước này cũng không tỏ ra lo lắng về người nối nghiệp, khi cả 3 người con đều được thừa hưởng “gene võ” từ ông. Phi Long Vinh hồ hởi khoe: “Thằng con của tui là Thái Hùng Linh đang tập luyện ở đội tuyển võ cổ truyền tỉnh, đã giành được nhiều huy chương cấp quốc gia. Đứa con gái đầu cũng từng giành HCĐ giải tỉnh. Nhưng đặc biệt là con bé út (Thái Thị Nhật Lệ - NV), năm nay mới học lớp 10 nhưng có thể thi đấu ở cả nội dung hội thi và đối kháng. Nó đánh đài chưa thua trận nào mà. HLV Trần Đình Đô đã đề nghị cho cháu vào tập trung đội tuyển, nhưng nhà neo người quá nên tôi chưa đồng ý đó chớ”.
Nói về người thầy võ đầu tiên của mình, võ sĩ Nguyễn Quốc Tiễn tâm sự: “Điều tôi ấn tượng nhất đối với thầy Phi Long Vinh là sự nhiệt tình trong giảng dạy. Ông không đặt nặng chuyện kinh phí, tiền bạc mà luôn dồn hết tâm huyết để truyền dạy cho học trò. Khi tôi đã tập trung đội tuyển tỉnh, thầy vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên những lúc tôi đi thi đấu”.
Nỗ lực xây dựng phong trào
Đến nhà võ sư Phi Long Vinh những ngày đầu xuân Giáp Ngọ 2014, cuộc trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những tiếng chuông điện thoại. Nhấp vội ngụm trà, ông biện bạch: “Anh em các tỉnh hỏi chuyện tổ chức võ đài ấy mà. Đợt này tôi làm ở xã Nhơn Phong, An Nhơn, có mời một số CLB ở Đắk Lắk và Phú Yên nữa. Hy vọng sẽ có nhiều khán giả đến xem, chớ hôm mùng 6 Tết làm ở Nhơn Thọ mỗi đêm chỉ có vài trăm khách, cũng buồn”.
Làm võ đài thời buổi này không hề dễ, bởi nếu tính toán không khéo, khán giả ít, thu không đủ bù chi thì “nhát tay” ngay. Cũng vì vậy mà hiện nay cả tỉnh chỉ có vài người dám đứng ra tổ chức. Ngoài võ sư Hồng Kha (TP Quy Nhơn), Phi Long Vinh được xem là “ông bầu số 2” ở đất Bình Định, bởi có năm ông tổ chức đến 5-6 đợt võ đài. Phải tự mình xử lý hàng núi công việc liên quan đến công tác chuẩn bị và thi đấu, ông kiêm nhiệm khá nhiều vai trò ở mỗi đợt võ đài. Vừa là nhà tổ chức, vừa là trọng tài, huấn luyện viên…, nhưng kỷ niệm ấn tượng nhất mà võ sư Phi Long Vinh không thể nào quên được là lần ông phải thượng đài một cách bất đắc dĩ với tư cách võ sĩ, để thay thế cho một VĐV bất ngờ không thể thi đấu.
Võ sư Phi Long Vinh tâm sự: “Làm võ đài rủi ro cũng lớn, nhưng tôi không làm thì cũng chẳng ai làm. Vì kinh tế chỉ một phần thôi, tôi làm cốt có chỗ cho các em có điều kiện cọ xát học hỏi, áp dụng những gì thầy chỉ dạy vào thực tế, chớ mỗi năm tỉnh tổ chức 1-2 giải thì ít quá. Học võ mà không được thi đấu thì không biết được mình ở đâu và hiệu quả của các bài tập như thế nào, sự hào hứng trong tập luyện cũng vì thế mà giảm đi”. Ngẫm lại, thấy mình đã có hơn 20 năm tham gia tổ chức võ đài, chính võ sư Phi Long Vinh cũng thấy bất ngờ.
Võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Việc các võ sư thường xuyên đứng ra tổ chức võ đài rất có lợi cho phong trào. Bởi ở đó các võ đường, CLB có dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau để đúc rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác huấn luyện. Qua các đợt võ đài, các võ đường cũng giới thiệu được những gương mặt có tiềm năng, có thể tham gia vào đội tuyển tỉnh. Bên cạnh đó, những đêm võ đài cũng trở thành nét đặc trưng rất riêng của vùng đất võ Bình Định nên rất cần được duy trì thường xuyên”.
Võ sư nông dân
Chuyện võ nghệ về Phi Long Vinh thì tôi nghe và thấy đã nhiều, nhưng chuyện ông được tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh thì quả là hơi bất ngờ. Đến khi ông liệt kê những công việc đã và đang làm thì tôi mới thấy nể phục về tính cần cù, chịu khó của võ sư đậm chất nông dân này. Và khi bắt ông dẫn ra những bãi đất trồng nấm rơm, rồi cả vườn mai kiểng để tận mục sở thị, tôi lại bật ra một câu hỏi: không biết thời gian đâu để ông làm hết tất cả những công việc này, khi đã quá bận rộn với việc dạy võ, dẫn quân đi thi đấu và tổ chức võ đài.
Võ sư Phi Long Vinh bộc bạch: “Nhà tôi trước kia nghèo nhất ở thôn Thọ Nghĩa, bà nội từng đi ở đợ cho người ta. Vậy nên ngay từ nhỏ chúng tôi đã quen với lao động, trồng trọt. Thời buổi này dạy võ đủ sống đã khó chứ đừng nói đến chuyện làm giàu. Để tiếp tục sống với niềm đam mê võ cổ truyền thì phải làm thêm cái gì đó chứ. Mà tất cả cũng nhờ vào võ mà ra đấy!”. Đúng là những gì mà võ sư Phi Long Vinh có được như hôm nay ngoài sự cần cù, chịu khó của hai vợ chồng còn nhờ vào những cơ duyên khi ông lăn lộn với võ.
Lập gia đình năm 1992, với vỏn vẹn một chỉ vàng trong tay, không có lấy một mảnh đất để canh tác. Ông dần dà thuê đất trồng laghim. Được một thời gian, được người bạn võ ở An Nhơn chỉ cho cách làm nấm rơm, ông bắt đầu chuyên tâm vào công việc này. “Làm nấm rơm thu lãi lớn lắm, một lời một chớ chẳng chơi, nhưng phải kiên trì học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật, đúc rút kinh nghiệm và không được nản chí. Thấy vậy chứ làm không dễ chút nào, tôi cũng phải thất bại nhiều lần mới có được như hôm nay. Nhiều người thấy hiệu quả cũng bắt chước làm nhưng đều không thành công” - võ sư Phi Long Vinh phân tích.
Mỗi khi có việc đi loanh quanh trong xã, ông thường đảo mắt xem những mảnh vườn đang trồng trọt của người khác, đoán biết sẽ không dùng tới sau vụ thu hoạch, ông liền liên hệ thuê để trồng nấm. Với kinh nghiệm của mình, ông biết được thửa đất nào phù hợp để nấm phát triển tốt trong từng điều kiện thời tiết khác nhau. Nắm bắt được kỹ thuật và quá trình phát triển của nấm, ông chủ động trong việc xuống giống để thu hoạch đúng thời gian đã tính toán. Những ngày bình thường, ông có thể xuất bán vài chục ký với giá 50-60 ngàn đồng/kg; nhưng 30, mùng 1 hay 14, 15 âm lịch, những ngày nhiều người ăn chay, giá nấm cao gấp 2-3 lần, ông có thể đưa ra thị trường cả tạ nấm/ngày.
Khoảng chục năm trở lại đây, võ sư Phi Long Vinh còn kiêm thêm nghề trồng và bán mai kiểng. Cũng học hỏi dần dần, ông đã có thể tự thay đất, cắt cành, uốn, tỉa… để hàng năm xuất bán vài trăm chậu mai. Thị trường trong tỉnh khá “chật chội” với những vườn mai nổi tiếng ở đất An Nhơn, nghe bạn bè mách bảo trong những lần dẫn quân đi thi đấu, ông đưa mai lên Gia Lai rồi Đắk Lắk bán, vậy mà được. Từ 20 tháng Chạp, ông đã đưa mai lên Đắk Lắk. Đến sáng hoặc trưa 30 Tết mới thu dọn, chạy xe máy về nhà có khi thời khắc giao thừa đã điểm. Tết năm nay, ông thu được gần 40 triệu đồng từ bán mai. Với ông, số tiền đó không nhiều, nhưng cũng là một khoản để tích lũy. Làm ăn được, ông mua đất, cất nhà rồi mở thêm dịch vụ cho thuê bàn ghế, chén dĩa, rạp phục vụ đám tiệc. Nhờ vậy, ông mới có thể yên tâm chiều chiều ra sân truyền lại niềm đam mê võ cổ truyền cho đám học trò, coi đó như một thú thư giãn sau một ngày xoay vòng với bao công việc…
Võ sư Phi Long Vinh sinh năm 1972, ở thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước.
Thành tích khi còn là VĐV: giành 2 HCV nội dung hội thi Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 1995, 1996.
Thành tích võ đường Phi Long Vinh ở cấp CLB: giải Nhì nội dung hội thi Giải vô địch võ cổ truyền toàn tỉnh năm 2012; đoạt cúp hội thi Giải võ cổ truyền Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2013.
Đóng góp nhiều VĐV xuất sắc cho đội tuyển võ cổ truyền Bình Định.
LÊ CƯỜNG