Bảo vệ ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc thiểu số
Gần đây, các tổ chức phản động lưu vong vu cáo Chính phủ Việt Nam ép buộc các dân tộc thiểu số (DTTS) phải học tiếng Việt, làm cho ngôn ngữ các DTTS bị mất dần. Sự thật hoàn toàn bác bỏ luận điệu sai trái đó. Hiến pháp nước CHXHCNVN coi trọng quyền của các DTTS trong việc sử dụng và bảo vệ ngôn ngữ và chữ viết của riêng họ: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục tập quán truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.
Điều 7 Luật Giáo dục quy định: “Chính phủ tạo điều kiện cho người dân tộc học hệ thống ngôn ngữ và chữ viết của họ để thúc đẩy các nền văn hóa và hỗ trợ trẻ em dân tộc dễ dàng học tập tại các trường học và các cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học, nói và viết tiếng dân tộc phải phù hợp với các quy định của Chính phủ”.
Như vậy, việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết cho các DTTS là vấn đề được ưu tiên trong chính sách giáo dục của Nhà nước Việt Nam. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2010/CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS. Đến năm 2012 đã có 32 tỉnh tổ chức dạy và học tiếng DTTS; giáo trình biên soạn bằng 12 thứ tiếng dân tộc. Đến năm 2012 cả nước có 2.629 trường, lớp học chữ tiếng dân tộc với 136.600 học sinh đang theo học. Nước ta, đang thí điểm thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được Bộ GD&ĐT hợp tác với UNICEF nghiên cứu thực hiện tại 3 tỉnh: Lào Cai, Trà Vinh, Gia Lai bước đầu đạt được kết quả tốt.
Kênh VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều tỉnh trong cả nước có chương trình phát bằng tiếng DTTS như: Mông, Thái, Êđê, Chăm, Khmer… Nhiều tỉnh đã có báo ảnh và báo in bằng chữ viết của đồng bào DTTS. Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc lần thứ V về nhân quyền ngày 27-28.11.2012, các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tuy vẫn còn nhiều ý kiến đề xuất với Chính phủ Việt Nam về đảm bảo quyền phát triển các DTTS, nhưng họ đều thừa nhận một sự thật là họ không thể phủ nhận những thành tựu và các chính sách dân tộc đúng đắn của Nhà nước Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thừa nhận rằng hiện nay mới có 30 DTTS có chữ viết, các DTTS khác đứng trước nguy cơ chữ viết mai một dần. Đảng và Nhà nước đang có những nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn để có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để giữ gìn, bảo vệ, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là các dân tộc có số dân rất ít người.
TRUNG NGÔN