Và con tim đã vui trở lại
Tính đến nay, đã có 59 bệnh nhân được mổ tim hở tại BVĐK tỉnh. Trong đó, có 13 ca do các bác sĩ của Bệnh viện độc lập thực hiện. Đằng sau một thành tựu y học là niềm hạnh phúc vô bờ bến của những con tim từng lỗi nhịp.
Với sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), ngày 17.1.2011, lần đầu tiên, BVĐK tỉnh đã thực hiện thành công 2 ca phẫu thuật tim hở. Đó là dấu mốc quan trọng, khởi đầu một thành tựu của BVĐK tỉnh trong quá trình áp dụng các kỹ thuật y học phức tạp.
“Lột xác”
Cách đây gần 6 năm, Huỳnh Văn Việt (ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) vẫn là anh thợ hồ khỏe mạnh, vác cục đá bự mà nhẹ như không. Rồi một ngày, anh có cảm giác tức ngực, đi khám, mới biết mình mắc bệnh tim, hẹp van 2 lá. Vợ bó chổi đót thuê cùng anh nuôi 2 con nhỏ, cảnh nhà ngặt nghèo nên người bố này phải cắn răng chịu đau, cầm bay leo giàn giáo. Nhưng rồi, sức khỏe của anh sa sút nhanh. Mỗi chiều đi làm về, anh lại lên cơn ho, người mệt lả, đến đầu năm ngoái thì phải nghỉ hẳn. “Các bác sĩ bảo phải mổ, mà ở BVĐK tỉnh mổ được rồi, nên không cần phải đi xa nữa”, anh Việt kể lại.
Huỳnh Văn Việt là một trong những bệnh nhân đầu tiên được các bác sĩ ở BVĐK tỉnh trực tiếp khám, hội chẩn và phẫu thuật. Tôi gặp anh hơn 4 tháng sau ca phẫu thuật đặc biệt ấy, anh bảo sức khỏe chưa được phục hồi hoàn toàn, ở nhà mãi cũng chán, ngày ngày phụ em gái bán tạp hóa trước cổng Trường THCS Nhơn Phú. Nhìn người thanh niên lực điền tuổi 35 quanh quẩn với mấy món đồ ăn vặt của học trò, nhiều người không khỏi ái ngại. Vậy nhưng, đôi mắt anh vẫn ánh lên niềm tin: “Tôi xách được can nước 10 lít rồi ấy chứ. Hồi phục vậy là nhanh rồi, cứ mong đến ngày được đi làm trở lại. Mình là trụ cột gia đình, ở nhà mãi sao được”.
Không như anh Việt, mới 1 tháng tuổi, Phạm Thị Mỹ Hạnh (học sinh lớp 11A8, Trường THPT iSCHOOL Quy Nhơn, TP Quy Nhơn) đã phải sống chung với bệnh tim. Vậy nhưng, em vẫn lớn lên, đến trường như bảo đứa trẻ bình thường khác. Chứng bệnh Fallot IV chỉ thật sự quật ngã Hạnh khi em vào năm học lớp 9. Nhìn cô học trò nhanh nhẹn, xinh xắn bây giờ, chẳng ai tin, Hạnh từng là cô bé yếu ớt, đi vài bước lại quỵ xuống. “Có lúc, đi mà mệt như chạy, thở không nổi, nói không ra hơi, tay chân tím đen”, Hạnh so vai rùng mình khi nhắc lại những ngày tháng đầy ám ảnh ấy.
Ba làm phụ xe, mẹ phụ quán cà phê, kinh tế chẳng lấy gì làm khá giả, nên việc cô con gái út được mổ tim ngay tại TP Quy Nhơn là niềm vui vô bờ bến với gia đình Hạnh. Ca mổ diễn ra khi em đang chuẩn bị thi học kỳ 2, đành dở dang năm học. Chẳng hề gì, bởi em đã quay trở lại cuộc sống với một trái tim khỏe mạnh. Hạnh khoe, em học được hầu hết các môn thể dục, năm ngoái còn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Tôi hỏi, với em, đó có phải là một cuộc hồi sinh không? Cô bé cười lém lỉnh: “Em nghĩ, phải gọi là “lột xác” mới đúng!”.
Nhân lên niềm vui
Bắt đầu từ tháng 4.2013, các bác sĩ BVĐK tỉnh đã làm việc độc lập, từ khám, chỉ định đến trực tiếp phẫu thuật. Mổ tim hở đã chính thức là kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện, hầu như tuần nào cũng có ca mổ.
Ở đơn nguyên Ngoại Lồng ngực - tim mạch bây giờ, bác sĩ Trần Thanh Hùng là người duy nhất đã đeo đuổi hoạt động chuyển giao mổ tim hở từ những ngày đầu tiên. Anh bảo, khi khăn gói ra Hà Nội học, mổ tim hở vẫn “vời vợi”. Sau những ca mổ thị phạm đầu tiên năm 2011, kíp mổ của BVĐK tỉnh bắt đầu vào cuộc. “Khi ấy, có sự “giám sát” của các thầy, nên mình tự tin trên từng đường dao mũi kéo. Đến lúc mình tự làm hết, không tránh khỏi hồi hộp, lo lắng, rồi mọi thứ cũng vào guồng. Khi bắt đầu chuyển giao, kế hoạch cũng phải 3 năm mới thực hiện độc lập được. Cảm giác sướng lâng lâng, chẳng ai nghĩ mình có thể tự làm được sớm như thế”, bác sĩ Hùng bồi hồi chia sẻ.
Trong lần vào Quy Nhơn để theo dõi các học trò trực tiếp “ra tay”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện Việt - Đức, đã phân tích rằng, phẫu thuật tim hở thành công là một minh chứng xác đáng nhất cho sự tiến bộ vượt bậc của đội ngũ y bác sĩ BVĐK tỉnh, đặc biệt là trên lĩnh vực gây mê hồi sức.
Hơn ai hết, lãnh đạo BVĐK tỉnh nhận thức được điều đó. Để rồi tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hướng đến hoàn thiện kỹ thuật mổ tim hở. “Đến cuối năm 2014, chúng tôi sẽ thực hiện đề án tách đơn nguyên Ngoại Lồng ngực - tim mạch thành khoa Ngoại Lồng ngực - tim mạch. Bên cạnh đó, sẽ đào tạo thêm nguồn nhân lực chuyên ngành. Đây là những điều kiện cần thiết để nâng cao kỹ thuật mổ tim hở, chữa được các chứng bệnh phức tạp”, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ khẳng định.
Hiện chưa có một con số thống kê chính xác, nhưng ước tính số bệnh nhân chờ được phẫu thuật tim lên đến hàng ngàn người. Thành tựu về phẫu thuật tim đã và sẽ được bồi đắp. Và như thế, niềm vui có được những con tim khỏe mạnh sẽ gõ cửa nhiều gia đình…
Từ những bệnh lý không quá phức tạp như thông liên nhĩ, thông liên thất, bệnh van 2 lá… càng về sau mặt bệnh phẫu thuật tim tại BVĐK tỉnh càng đa dạng và phức tạp hơn, như thay van 2 lá kết hợp thay van động mạch chủ, thông sàn nhị nhất bán phần, bắc cầu chủ vành hay sửa toàn bộ bệnh Fallot IV…
NGUYỄN VĂN TRANG
Đọc báo BĐ, được biết các BS ở BVĐK tỉnh đã tự mình thực hiện được các ca mổ tim độc lập, sau một thời gian huấn luyện với các BS ở BV Việt Đức, như thế người dân BĐ rất mừng! Mừng vì giờ đây đỡ phải lặn lội vào SG, ra Hà Nội để phẫu thuật tim, giảm rất nhiều chi phí tốn kém, mà hiệu quả chữa bệnh cũng đạt tốt. Mong sao, UBND tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa về phần kinh phí đầu tư cho BVĐK tỉnh để các anh được trang bị đầy đủ hơn về phòng ốc, các thiết bị tiên tiến, cũng như tiếp tục học tập nâng cao tay nghề. Tỉnh ta đang phấn đấu đưa BVĐK tỉnh thành BV khu vực, thì trước hết tự mình phải "ăn nhín nhịn thèm" các khoản khác, ưu tiên dành ngân sách cho lĩnh vực này, chứ không chỉ ngồi đợi kinh phí từ Bộ y tế. Nhân dịp 27-2 sắp tới, xin chúc các BS bền tâm bền chí vươn lên trong công việc, mặc dù ngân sách tỉnh còn nghèo, đồng lương thù lao cho các anh còn hạn hẹp. Nghèo mà vươn lên được mới tài-chứ còn giàu có mà vươn lên thì bình thường !