Đồng lòng hướng về quê hương
Ngày hội người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh vừa được tổ chức tại khu du lịch Văn Thánh đã đem đến nhiều niềm vui hội ngộ cho người xa quê. Đông đảo người dự hội đã cùng vun đắp sự gắn kết, đồng lòng hướng về quê hương.
Đông vui ngày hội
Theo thống kê của Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, hiện có đến hơn 300 ngàn người Bình Định đang sinh sống, làm việc ở đây. Nhiều năm trước, cứ vào dịp đầu Xuân, Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh lại tổ chức họp mặt bà con tại Dinh Thống Nhất để thăm hỏi, chúc mừng năm mới, giao lưu, trao đổi thông tin về quê nhà. Năm nay, buổi họp mặt được “nâng tầm” thành Ngày hội. Ông Hoàng Cảnh, Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Chúng tôi mong muốn Ngày hội sẽ góp phần gợi mở tình cảm, tâm hồn người Bình Định xa quê dù làm gì, ở đâu, thế hệ nào cũng luôn luôn giữ hình ảnh quê cha đất tổ, truyền thống văn hóa, tinh hoa cốt cách của người xứ Nẫu để tạo nên sự kết nối các thế hệ, cùng chia sẻ, giúp nhau vươn lên và bay xa”.
Về dự Ngày hội, ngoài người dân gốc Bình Định đang sống tại TP Hồ Chí Minh, còn có các đoàn đại diện cho Hội đồng hương Bình Định tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…Đến giờ khai mạc, từ khu vực nhà hàng lớn trung tâm đến một số nhà hàng nhỏ xung quanh được Ban tổ chức thuê để tổ chức nhiều hoạt động cùng lúc đều đã chật kín người. Ông Nguyễn Văn Hiến (67 tuổi) phấn khởi tâm sự: “Vào sống cùng con tại TP Hồ Chí Minh được 6 năm, tôi thường đi dự các cuộc họp đồng hương hằng năm của huyện Phù Mỹ. Lần đầu tiên dự Ngày hội mới thấy không khí thực sự đông vui, gặp nhiều người đồng hương ở các huyện khác cứ tay bắt mặt mừng dù trước đó chưa hề quen nhau”.
Niềm vui Ngày hội còn lan tỏa đến nhiều con dâu, con rể quê hương Bình Định. Bế con trai mới hơn 1 tuổi đi xem nhiều hoạt động, anh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: “Mọi năm họp đồng hương Bình Định chỉ có mẹ vợ tôi đi. Năm nay, thấy có Ngày hội được tổ chức lớn nên mẹ rủ vợ chồng tôi cùng đi dự. Được xem nhiều hoạt động mang không khí vui chơi ngày xuân và còn cảm nhận được sự thân tình, niềm nở của người dân Bình Định giống như người miền Tây quê tôi”.
Thêm yêu “xứ Nẫu” quê mình
Sự nỗ lực của Ban liên lạc đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh cùng sự hưởng ứng của Ban liên lạc Hội đồng hương các huyện của tỉnh tại TP Hồ Chí Minh, sự hỗ trợ của Sở VH-TT&DL, Sở KH-ĐT, Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh…đã giúp Ngày hội có rất nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như giới thiệu các món ăn đặc sản Bình Định, biểu diễn văn nghệ, võ thuật, thi thời trang mẹ và bé, trò chơi dân gian, hội đánh bài chòi cổ dân gian. Ngoài ra, tại đây còn giới thiệu các ấn phẩm, tác phẩm văn hóa nghệ thuật; tài liệu giới thiệu quảng bá hình ảnh về Bình Định; sản phẩm đặc trưng của một số doanh nghiệp trong tỉnh và của người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh… đã tạo không khí sôi động cho Ngày hội, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, vui chơi của nhiều thế hệ, đối tượng người Bình Định về dự hội.
Hoạt động gây nhiều ấn tượng và được rất nhiều người hào hứng tham gia là Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Hình ảnh 9 chiếc chòi tre xuất hiện đã gây sự chú ý của nhiều người. Họ đã nán lại chờ khai mạc Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định. Ván chơi đầu tiên với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, doanh nhân, Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh đã được sự dẫn dắt của chủ trò Nguyễn An Pha (Chủ tịch Hội VHNT tỉnh) cùng các hiệu Minh Đức, Trần Văn Tới, Hoàng Việt, Nguyễn Phú là những người hô, hát bài chòi cổ hay, diễn xuất sinh động, dí dỏm đã đem đến những nụ cười thật tươi cho người chơi và người xem. Hội đánh bài chòi thu hút rất đông khách chơi nên đến tận 5 giờ chiều mới kết thúc. Bà Nguyễn Thị Thanh Triển (71 tuổi), nguyên cán bộ làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng, bày tỏ: “Gần 40 năm sống ở TP Hồ Chí Minh, mỗi năm về thăm quê một lần chẳng thấm vào đâu so với nỗi nhớ trong tim mình... Trong số nhiều hoạt động hay tại Ngày hội, tôi thấy hội đánh bài chòi rất hấp dẫn nhờ khơi gợi những hình ảnh thân thương của quê nhà với những chòi tre, lời hát bài chòi cổ mộc mạc nhưng sâu sắc”.
Trong nỗi nhớ của người đi xa luôn có những món đặc sản quê nhà. Điều này khiến các gian hàng giới thiệu đặc sản dé bò, bánh hỏi lòng heo, bánh tráng cuốn, bánh xèo tôm đất, nem nướng, bún dây… của hội đồng hương các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn luôn trong tình trạng bị khách “bao vây”. Anh Nguyễn Xuân Hải tiếc nuối: “Tôi từ quận Thủ Đức chạy đến đây tham dự Ngày hội. Mải xem nhiều hoạt động nên khi đến khu ẩm thực muốn ăn bánh hỏi lòng heo đúng kiểu quê mình cho đã thèm, thì mọi người đã mua gần hết. Dù vậy, tôi thật xúc động khi được tặng dĩa bánh hỏi còn lại chấm nước mắm nhỉ nguyên chất. Ăn từng miếng bánh mà thấy đậm đà tình cảm quê hương”.
Sự thành công trong lần đầu tiên tổ chức Ngày hội đã góp phần làm cho các hoạt động của Hội đồng hương Bình Định tại TP Hồ Chí Minh ngày càng phong phú, sôi nổi, thiết thực; đặc biệt trong các hoạt động kết nối, trợ giúp cộng đồng người Bình Định và đóng góp cho các hoạt động từ thiện, ủng hộ xây dựng quê nhà. Anh Nguyễn Quang Thắng, sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Ngày hội đã giúp tôi biết được thêm nhiều thông tin, những việc làm ủng hộ quê hương của các chú, các anh đang thành đạt tại TP Hồ Chí Minh. Từ đó có thêm động lực phấn đấu học tập để sau này có thể đóng góp cho quê nhà”.
Riêng đối với chúng tôi, trong lần đầu tiên được chứng kiến không khí, tình cảm thân tình của người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh, đã hiểu sâu rộng hơn ý nghĩa của hai từ “đồng hương”, không chỉ đơn thuần là những người “giống nhau” về quê hương, mà còn là sự “đồng lòng” cùng hướng về quê hương.
Tôi nhớ mãi những lời tâm tình của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tại buổi họp mặt đồng hương trong Ngày hội: “Bà con có thời gian thì hãy thường xuyên về thăm quê… Hãy hướng vọng về quê hương bằng hành động thiết thực và tình cảm cụ thể của mình”. Ông Trần Bắc Hà đã đề xuất một số doanh nghiệp lớn của các doanh nhân quê ở Bình Định dành quỹ đất để xây dựng khu ký túc xá và nhà ở cho công nhân người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ góp phần hỗ trợ thực hiện khu ký túc xá này. Ông Hà cũng mong muốn thành lập Quỹ Quang Trung với sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh để cấp học bổng cho học sinh nghèo người Bình Định học giỏi, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho người dân quê hương… Nếu Quỹ Quang Trung được thành lập, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ ủng hộ 1 tỉ đồng.
Những lời tâm tình và đề xuất của ông Trần Bắc Hà đã được đông đảo người dự họp mặt vỗ tay tán thưởng. Mong rằng sau những lời nói, tràng pháo tay, sẽ là những bàn tay nắm thật chặt của những người Bình Định phương xa cùng “đồng tâm hướng về quê hương”.
HOÀI THU
Dù là lần đầu tiên nhưng Ban tổ chức đã tổ chức rất tốt! Mong rằng những năm sau, ban tổ chức tạo điều kiện cho những bạn trẻ Bình Định tham gia có cơ hội góp 1 tay làm cho ngày hội sẽ vui hơn, tổ chức chuyên nghiệp hơn nữa!
Rất tiếc vì biết đến ngày hội này hơi muộn ! Bản thân tôi là 1 người con xứ Nẫu xa quê 14 năm nhưng vẫn luôn tự hào và hướng về mọi sự thay đổi của quê hương mình. Tôi vẫn thường vào xem trang Báo Bình Định để dõi theo từng sự đổi thay của quê hương mình. Rất mong những người có trách nhiệm sớm thành lập quỹ Quang Trung như ông Trần Bắc Hà - Một người con ưu tú của quê hương - đã đề xuất. Tôi đang công tác trong lĩnh vực ngân hàng và luôn tự hào về những con người: Trần Bắc Hà (Chủ tịch BIDV), Lý Xuân Hải (Nguyên TGĐ ACB).... Tự hào về quê hương Bình Định.