Định hướng triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ năm 2014:
Thực chất hơn, hiệu quả hơn
Năm 2014, hoạt động khoa học-công nghệ (KHCN) sẽ có nhiều thay đổi quan trọng khi Luật KHCN (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành. Ở cấp độ địa phương, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ KHCN thường xuyên, nhiều chính sách, chương trình, dự án… sẽ được điều chỉnh để hoạt động KHCN đi vào thực chất và phát huy hiệu quả hơn.
Luật KHCN (sửa đổi) gồm 11 chương, 81 điều, đã chính thức có hiệu lực từ 1.1.2014. Trong đó, có nhiều vấn đề mới thể hiện quan điểm đổi mới toàn diện cơ chế quản lý hoạt động KHCN.
sẽ có sự “đột phá” về cơ chế
Lần đầu tiên, Luật bắt buộc doanh nghiệp (DN) nhà nước phải có trách nhiệm đầu tư cho hoạt động KHCN thông qua việc dành một phần lợi nhuận trước thuế để thành lập quỹ phát triển (QPT) KHCN của DN hoặc đóng góp cho các quỹ của Trung ương và địa phương. Cũng lần đầu tiên, Luật KHCN cho phép áp dụng cơ chế của QPT KHCN trong việc tài trợ cho các đề tài, dự án nghiên cứu. Theo đó, mọi hoạt động nghiên cứu dùng ngân sách nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương đều phải thông qua QPT KHCN (chỉ dành ngoại lệ cho những nơi chưa có quỹ).
Dự án sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu sẽ tiếp tục được triển khai mở rộng trong năm nay.
- Trong ảnh: Nấm linh chi được sản xuất tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định. Ảnh: M.H
Ngoài ra, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng sẽ được quy định cụ thể, cho phép các nhà khoa học khi quyết toán sẽ không còn phải “bịa” hóa đơn chứng từ, ký nhiều giấy họp, mua hóa đơn đỏ, khai khống thời gian đi công tác… Như vậy, trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để có các đề tài nghiên cứu chất lượng tốt.
Các chính sách ưu đãi các nhà khoa học cũng được quy định cụ thể hơn, tập trung vào chế độ phụ cấp, các điều kiện làm việc, thiết bị, tuyển dụng. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi đặc biệt với các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được Nhà nước giao nhiệm vụ trọng điểm quốc gia và nhà khoa học trẻ tài năng.
Với những bước tiến mới, đột phá về cơ chế, chính sách như hiện nay, Luật KHCN đi vào cuộc sống được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho hoạt động KHCN, giúp cho hoạt động KHCN phát huy hiệu quả, đi vào thực chất và đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội.
Những thay đổi cụ thể trong năm 2014
Với cấp độ địa phương, theo quy định mới, bên cạnh những hoạt động KHCN thường xuyên hàng năm, trong năm nay, ngành KHCN của tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng. Sở KHCN sẽ rà soát lại, tham mưu cho UBND tỉnh để điều chỉnh, thay đổi một quyết định đã được áp dụng từ trước đến nay về việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN, chính sách thu hút và đãi ngộ nhân lực trình độ cao, củng cố điều lệ của QPT KHCN của tỉnh nhằm phù hợp với quy định mới và nhu cầu thực tế.
Ông Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở KHCN, cho biết: Việc xây dựng, củng cố hệ thống văn bản pháp lý của tỉnh trong lĩnh vực KHCN không chỉ để phù hợp với các quy định mới, mà còn giúp điều chỉnh những bất cập vẫn tồn tại trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN, thu hút nhân lực trình độ cao… của tỉnh. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để tạo nên nền tảng pháp lý mới, giúp cho hoạt động KHCN đi vào thực chất hơn. Bên cạnh đó, Sở KHCN sẽ tập trung hỗ trợ các DN trong tỉnh xây dựng các dự án để tham gia vào các chương trình đổi mới công nghệ của quốc gia nhằm thúc đẩy việc ứng dụng đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học trong DN.
Đến nay, Bộ KHCN đã đề xuất Chính phủ phê duyệt các chương trình quốc gia, là tổ hợp các sản phẩm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm hướng đến sản phẩm cuối cùng. Hiện Chính phủ đã phê duyệt 6 chương trình chính thức và 3 chương trình dự bị. Ở tỉnh ta, Công ty Dược-Trang thiết bị Y tế Bình Định đã được Bộ KHCN chấp thuận cho triển khai dự án sản xuất thử nghiệm thuốc điều trị ung thư với mức kinh phí hỗ trợ hơn 59 tỉ đồng.
Ngoài việc hỗ trợ các DN trong tỉnh xây dựng các dự án để tham gia vào các chương trình lớn của quốc gia, năm nay, tỉnh ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh mở rộng dự án sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Đây là một trong những dự án trong chương trình nông thôn, miền núi đã và đang được thực hiện trong tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm thương mại hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong tỉnh.
MAI HỒNG