Bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh:
“Nguy cơ xuất hiện dịch sởi là khá cao”
Ngành Y tế đang đề cao cảnh giác trước diễn biến phức tạp của dịch sởi ở một số tỉnh, thành. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, về một số vấn đề liên quan đến bệnh sởi.
● Theo bác sĩ, Bình Định có nguy cơ xảy ra dịch sởi không?
- Không phải cứ tiêm phòng là sẽ hoàn toàn tránh được bệnh sởi. Khoảng 80% số trẻ được tiêm vắc-xin phòng sởi có miễn dịch đã là tỉ lệ lý tưởng. Trong khi đó, phải trên 94% số trẻ có kháng thể sởi thì mới tránh được dịch sởi trong cộng đồng đó. Thời gian qua, do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm chủng nên nhiều người ngại không đưa con đi tiêm các vắc-xin phòng bệnh, bao gồm cả vắc-xin sởi. Ngành Y tế cũng tập trung vào công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng, chứ không đặt nặng tỉ lệ tiêm. Bên cạnh đó, thời tiết Đông - Xuân là môi trường thuận lợi cho vi-rút sởi hoạt động. Bệnh sởi thường có tính chu kỳ khoảng 3 năm, thời điểm này được xem là đã “tới lượt”.
Ngoài ra, phải kể đến một yếu tố khách quan nhưng không kém phần quan trọng - vị trí địa lý của Bình Định khá đặc biệt. Nằm giữa hai đầu đất nước - vốn đã xuất hiện nhiều ca bệnh, có ga Diêu Trì là trạm dừng chân của các đoàn tàu Thống Nhất, nên rất thuận lợi cho vi-rút sởi phát tán. Do đó, nguy cơ xuất hiện dịch sởi ở tỉnh ta là khá cao.
● Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu nhận biết và các biến chứng của bệnh sởi?
- Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, lây qua đường hô hấp với tốc độ rất nhanh, khiến cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên dễ gây ra rất nhiều biến chứng nặng. Thời gian ủ bệnh là 8-12 ngày; lúc này, trẻ chán ăn, bức rức khó chịu, hâm hấp sốt. Giai đoạn bệnh bắt đầu được đánh dấu bằng triệu chứng sốt, ho, chảy mũi, mắt tèm hèm, xuất hiện viêm kết mạc. Đồng thời, xuất hiện ban ở sau tai, lên mặt, lan xuống mình và tay chân. Ở giai đoạn toàn phát, toàn thân phát ban theo nhịp “3 ngày phát - 3 ngày bay”, để lại trên da những “vết da hổ” (vùng da đậm nhạt như da hổ). Khi này, trẻ có kháng thể để chống đỡ vi-rút sởi cho cả đời.
Các di chứng đơn giản như viêm mũi họng, viêm phổi, viêm da, viêm kết mạc. Không dừng lại ở đó, bệnh cũng có thể gây ra những di chứng nặng nề, như tiêu chảy kéo dài dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm não do sởi (chiếm tỉ lệ khoảng 1/1.000 trẻ mắc sởi)…
● Cần lưu ý điều gì khi phát hiện trẻ mắc sởi, thưa bác sĩ?
- Khi phát hiện trẻ có ban sau tai và mặt, mắt tèm hèm, sốt, ho, cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn, điều trị kịp thời. Lâu nay, khi thấy trẻ có các triệu chứng phát ban, ngạt mũi, mắt chảy nước, người thân thường cho trẻ cách ly với môi trường bên ngoài, cho trẻ mặc đồ kín để tránh gió, nắng. Thêm vào đó, lại cho trẻ kiêng khem quá mức trong ăn uống, cộng với tình trạng tổn thương niêm mạc ruột và dạ dày, khiến trẻ dễ thiếu vitamin A. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trẻ bị mù mắt do thiếu vitamin A khi mắc sởi.
● Xin cám ơn bác sĩ.
NGUYỄN HOÀNG (Thực hiện)