Đội ngũ hiệu bài chòi trong tỉnh:
Hành trình giữ gìn và tiếp nối
Mấy năm gần đây, cùng với sự hồi sinh mạnh mẽ và lan tỏa của Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định (gọi tắt là hội đánh bài chòi), một đội ngũ hiệu khá đông đảo đã ra đời, từng bước trưởng thành.
Nhìn từ hai điểm sáng
Nói về số lượng hiệu bài chòi ở địa phương mình, TP Quy Nhơn có thể tự hào là nơi “giàu có” nhất. Đây là địa phương đi đầu trong phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng hiệu để đảm bảo nhân lực cho hoạt động tổ chức hội đánh bài chòi khá thường xuyên và cho công tác bảo tồn, phát huy di sản bài chòi. Trực tiếp là Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, từ năm 2012, 2013, không chỉ tổ chức tập huấn tập trung về hướng dẫn tổ chức hội đánh bài chòi, kỹ thuật hô - hát bài chòi cổ, nâng cao kỹ năng làm hiệu… cho 40 học viên của 12 phường, xã mà sau đó còn cử cán bộ về tận cơ sở để bồi dưỡng thêm.
Hướng đi đúng đắn và sự quan tâm đó đã tạo nên “quả ngọt đầu mùa”. Hiện nay, hầu như phường, xã ở Quy Nhơn cũng có 1 CLB bài chòi cổ với khoảng 5 hiệu, đủ để tổ chức hội đánh bài chòi quy mô nhỏ tại địa bàn và “viện trợ” cho các hoạt động của thành phố khi cần. Theo ông Phạm Hoàng Việt, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, thành phố hiện có khoảng 50 hạt nhân vào vai trò hiệu khá tốt, rải đều ở các xã, phường. Vừa qua, khi hội đánh bài chòi (do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn tổ chức) diễn ra suốt từ mùng 2 Tết đến 12 tháng Giêng, người dân thượng chòi liên tục, hiệu hô không dứt, Trung tâm đã phải huy động hiệu ở các xã, phường đến “tiếp sức”. Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội còn có phần “Thi tài làm hiệu”. Đây là cơ hội để hiệu trổ tài giới thiệu những câu thai mới, hay tự sưu tầm cũng như trau dồi kỹ năng làm hiệu…
Huyện Hoài Nhơn đã bước đầu gầy dựng được một đội ngũ hiệu cho hoạt động tổ chức hội đánh bài chòi ở địa phương.
- Trong ảnh: Các hiệu CLB bài chòi cổ xã Hoài Thanh diễn xướng trò chơi trong ngày ra mắt CLB. Ảnh: THU THẢO
Không chỉ đưa học viên tham gia lớp tập huấn về hướng dẫn tổ chức hội đánh bài chòi do tỉnh tổ chức (năm 2011), huyện Hoài Nhơn còn mời hiệu giỏi về truyền nghề cho “hạt nhân” huyện nhà. Ông Lê Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Để chuẩn bị “phủ sóng” hội đánh bài chòi đến huyện Tết Giáp Ngọ 2014, chúng tôi đã mời hai hiệu Minh Đức và Hoàng Việt về địa phương tập huấn cho các hạt nhân trong 5 ngày. Nhờ truyền dạy tận tình, học viên có năng khiếu tiếp thu nhanh, chịu khó luyện tập, nhiều hiệu “mới ra lò” đã có thể đảm đương tổ chức tốt hội đánh bài chòi tại nhiều nơi trong huyện”.
Huyện Hoài Nhơn có tất cả 13 hiệu, gồm 2 hiệu được tập huấn ở tỉnh từ trước và 11 hiệu vừa trải qua đợt tập huấn vào cuối năm 2013, cộng với 2 nhạc công, giờ là thành viên của CLB bài chòi cổ xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn). “Sau khi ra mắt thành lập (ngày 21.1.2014), CLB đã tổ chức chơi hội tại thôn Mỹ An 2 (xã Hoài Thanh) vào các ngày mùng 1, 2, 3 Tết; sau đó phục vụ tại Lễ Kỷ niệm 442 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ. Tuy chỉ là một CLB cấp xã, nhưng với suy nghĩ: có hiệu giỏi để điều khiển, thực hành trò chơi thì hội mới vui nên chúng tôi đã rất nỗ lực để CLB có được 8 hiệu chính, 5 hiệu phụ. Số lượng hiệu này bước đầu đảm bảo vai trò, có thể thay phiên nhau khi hội diễn ra liên tục trong cả buổi hoặc ngày…”, anh Nguyễn Văn Rạng, Chủ nhiệm CLB bài chòi cổ xã Hoài Thanh phấn khởi nói.
Trẻ, giỏi và vững nghề
Có thể thấy, trong một thời gian khá ngắn, hoạt động bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi ở tỉnh ta đã có những bước tiến dài. Trong bức tranh sáng màu ấy, sự đông đảo và trưởng thành, trẻ trung hơn lên của đội ngũ hiệu là một dẫn chứng thuyết phục. Ban đầu, từ số lượng hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay và đã ở vào độ tuổi trung niên, đến nay trong tỉnh mà tập trung nhất là ở Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, ước có khoảng 70 người có thể vào vai trò hiệu khi cần. Và, đáng mừng là khoảng một nửa trong số ấy tuổi từ 40 trở xuống.
Tuy vậy, hành trình tiếp tục tìm và bồi dưỡng, bổ sung hiệu giỏi, am hiểu và có khả năng trình diễn đúng bài bản bài chòi cổ cho hội đánh bài chòi Bình Định vẫn là một yêu cầu tiếp tục được đặt ra. Bởi vì, trên thực tế, trừ một số địa phương có được đội ngũ hiệu khá vững như Quy Nhơn, Hoài Nhơn, hiệu ở nhiều địa phương khác còn khá mỏng, chưa thực sự tự tin với vai trò. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, năm mà hội đánh bài chòi được tổ chức ở nhiều nơi nhất từ trước đến nay, các hiệu Minh Đức, Hoàng Việt… không kịp thở vì chạy sô “viện trợ” các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn… Còn ở thị xã An Nhơn, Tết này, hội đánh bài chòi cũng đã được tổ chức tại hai địa điểm là phường Bình Định và xã Nhơn Hạnh. Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT thị xã An Nhơn Từ Văn Minh, tuy được bà con hưởng ứng, tham gia sôi nổi song vì chỉ có… 4 hiệu nên hội không thể kéo dài. Sự mới mẻ, lôi cuốn cũng hạn chế, khán giả rất lấy làm tiếc. Hay mới đây, tham gia quảng bá hội đánh bài chòi trong một sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh - Những ngày văn hóa Bình Định tại TP Hồ Chí Minh - cũng là những gương mặt quen thuộc: Minh Đức, Lâm Tới, Hoàng Việt, Nguyễn Phú…
Anh hiệu, chị hiệu trong hội đánh bài chòi không chỉ là người diễn xướng trò chơi này mà còn là người thực hành di sản. Di sản phải được diễn xướng, thực hành, quảng bá đúng với bản sắc vốn có của nó. Mặt khác, cái hay, cái đẹp của di sản còn được nhân lên nếu trao vào tay những người thực hành, quảng bá giỏi. Số lượng cũng như mức độ đáp ứng vai trò mà đội ngũ hiệu trong tỉnh đang có, khách quan mà nói vẫn “cung không đủ cầu”. Bởi vậy, việc tiếp tục tìm kiếm, phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng một đội ngũ hiệu trẻ, giỏi, tâm huyết với di sản của quê hương là điều các địa phương cần chủ động thực hiện tích cực hơn nữa.
SAO LY