Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn:
Chỗ dựa tin cậy của người nghèo
Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tây Sơn đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở thành chỗ dựa tin cậy của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, tích cực góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH ở địa phương.
Nhờ nguồn vốn Ngân hàng CSXH, một số hộ nông dân ở Tây Thuận chăn nuôi bò đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: Tiến Sỹ
Theo Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn, 10 năm về trước, từ dư nợ ban đầu chỉ trên 6 tỉ đồng, đến cuối năm 2012 đơn vị đã đạt dư nợ trên 237 tỉ đồng, tỉ lệ tăng trưởng bình quân 39% năm. Hầu hết các chương trình cho vay đều được ủy thác từng phần qua 4 tổ chức hội-đoàn thể, thông qua 290 tổ tiết kiệm-vay vốn. Trong đó, cho vay ủy thác qua Hội Phụ nữ có tổng dư nợ gần 127 tỉ đồng với 5.414 hộ vay; qua Hội Nông dân gần 70 tỉ đồng với 3.329 hộ vay; qua Hội Cựu chiến binh 18,6 tỉ đồng với 864 hộ vay; qua Đoàn Thanh niên gần 21,7 tỉ đồng với 1.156 hộ vay.
Ngân hàng CSXH huyện cũng đã thành lập các điểm giao dịch tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn, đưa nguồn vốn vay của Nhà nước đến tận tay các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, đảm bảo công khai, dân chủ, tạo được lòng tin của người dân vào chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Đến nay, đồng vốn của Ngân hàng CSXH huyện đã phủ kín tới 76/76 thôn, làng, khối phố trong huyện, góp phần giúp 3.284 hộ thoát nghèo; giúp 7.668 học sinh - sinh viên vượt qua khó khăn, có điều kiện học tập; tạo công ăn việc làm cho 29.753 lao động nhàn rỗi; giúp khôi phục một số ngành nghề truyền thống; hỗ trợ cho 5.118 hộ gia đình ở khu vực nông thôn đầu tư xây dựng 1.873 công trình nước sạch, 3.691 công trình vệ sinh; hỗ trợ 293 hộ nghèo xây dựng nhà ở; giúp 1.541 hộ vay vốn trồng rừng theo các dự án.
Nhìn chung, nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã đến đúng địa chỉ, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Ngân hàng CSXH huyện luôn chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường phát hiện và xử lý kịp thời những sai sót, tồn tại. Các đối tượng vay vốn đảm bảo trả nợ và lãi vay đúng thời hạn, nợ xấu không đáng kể.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2013-2020, Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động, bảo đảm 100% vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tất cả hộ nghèo có nhu cầu vay vốn đều được hỗ trợ và tư vấn cách thức sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất theo hướng chuyển mạnh đầu tư theo các chương trình dự án nhỏ, đơn giản, dễ tính toán, tạo điều kiện cho người nghèo biết cách làm ăn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Giai đoạn 2013-2020, Ngân hàng CSXH huyện Tây Sơn phấn đấu đạt mức tăng trưởng dư nợ chung cho các chương trình khoảng 5-10%; đưa tỉ lệ nợ quá hạn xuống dưới 0,5% tổng dư nợ. Thực hiện tốt công tác phối hợp, lồng ghép với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các ban ngành, nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
NGỌC HÀ