AI LÊN XỨ LẠNG
Trong giấc mơ tài tử của tôi, có việc cưỡi bạch câu ngao du với nước non xứ Lạng, vượt ải Chi Lăng, dạo chơi phố Kỳ Lừa, rửa mặt động Tam Thanh, chiêm ngưỡng nàng Tô Thị hóa đá in lên mây trắng bồi hồi châu Thoát Lãng xưa.
Tôi sẽ thực hiện đúng nghi lễ cổ trong Kinh Thi, đốt cỏ tiêu hợp với mỡ dê, tế cáo trời đất thánh thần ở đàn Xã Tắc, đàn Tiên Nông, đàn Xuyên Sơn. Trước khi lên ải Nam Quan, tôi sẽ bày phẩm vật ở tả ngạn sông Kỳ Cùng, nơi ngày trước sứ bộ qua đây đều thiết hương án trong ngôi đền thiêng có con giao long nương náu, chuẩn bị cho cuộc sang đò xuôi chèo mát mái. Cứ thế, trong một chiều biên ải bên ngàn lau trắng, tôi nâng cốc nhâm nhi với món ếch núi, loại sản ở Công Mẫu, vị thanh và thơm khác với thứ ếch đồng nội như quốc sử quán triều Nguyễn đã biên chép, và ngâm câu thơ Nguyễn Du : “Trì thảo vị lan thiên lý mộng- Đình mai dĩ hoán nhất niên xuân- Anh hùng tâm sự hoang trì sính- Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần”. (Ngoài xa nghìn dặm chưa tàn giấc mộng “cỏ bờ ao”- Mai ở trên sân đã đổi sang một mùa xuân năm khác- Tâm sự người anh hùng không còn nghĩ đến dong ruổi nữa- Trong trường danh lợi nhiều phen cười và nhăn mày).
Những câu thơ ấy Nguyễn Du viết trong một đêm xuân đã xa lắm, Quý Hợi 1804, khi ông còn giữ chức tri phủ Thường Tín, được cử lên Nam Quan đón tiếp sứ thần. Trong Thanh Hiên thi tập, ông có Lạng Sơn đạo trung, Vọng phu thạch, Đề Nhị Thanh động, Quỷ môn đạo trung, Xuân tiêu lữ thứ. Mươi năm sau, Quý Dậu 1813, thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm chánh sứ sang Trung Hoa, lần nữa Tố Như lại qua Lạng Sơn, đề thơ Giáp thành Mã Phục Ba miếu, Quỷ môn quan, Lạng Thành đạo trung, Nam Quan đạo trung, Trấn Nam Quan. Mươi bài thơ gửi lại, cái tình của đại thi hào giành cho đất này, quả là không nhỏ. Sao tôi cứ lẩn thẩn tin một cách hơi bị cụ thể rằng cái câu “sương in mặt tuyết pha thân” trong truyện Kiều hẳn là có một chút tuyết của Lạng Sơn.
Lên Mẫu Sơn dù không phải để tìm tuyết thì cũng khó mà không bâng khuâng với chút dư vị của nó từ mùa đông năm trước. Ở xứ sở nhiệt đới Việt Nam, việc một vài nơi có tuyết rơi đã gây cho dân chúng sự hiếu kỳ, dù là đương trong mùa rét mướt. Nó không nhằm chứng minh cái sự có mặt chẳng phải tuyền ước lệ trong văn học cổ nước ta mà còn như bảo rằng món quà giá buốt của thiên nhiên chẳng còn là đặc sản của Trung Hoa hay Âu Mỹ. Ngọn núi danh bất hư truyền này có hai ngọn, trông giống hình đàn ông đàn bà, bên là Mẫu Sơn bên là Công Sơn. Ta có thể ngắm một cách bao quát toàn cảnh Lạng Sơn hùng vĩ khi lên tới đỉnh Mẫu Sơn, đưa tay vốc ngàn muôn mây trắng! Cái thịnh tình của bạn văn xứ Lạng quả là làm cho chúng tôi rất cảm động, khi sáng nay ngồi ăn phở chua uống rượu Mẫu Sơn, chiều đã đặt chân vào vùng đất có nguồn nước dạt dào sản sinh ra danh tửu.
Mỗi lần lên Lạng Sơn, tôi đều cầm được trên tay bao nhiêu lưu luyến. Hình như cảm thức lịch sử đã làm tôi gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây, tự những thời nào. Bao lần tôi đứng hút hồn trước Cột Mốc Số Không, thèm được bước chân lên ải Nam Quan soi mình vào nước mắt Nguyễn Trãi. Bao lần tôi bần thần trong hương hồi, nhìn những bông hoa trắng hồng trong sương sớm, lặng nghe một nỗi niềm quan tái. Bao lần tôi trèo lên thành nhà Mạc, men theo sườn núi chót vót chon von, chạm vào khối đá vọng phu mà cố gắng quên đi việc vôi vữa hiện đại lắp ghép mới một “hình tượng cố nhân” đã từng thành mảnh vụn.
Có nhà thơ nào không xúc động trước một địa danh cửa miệng để làm điểm bắt đầu cho việc mô tả đất nước cong cong hình chữ S, cửa ải chính của cuộc bang giao Việt Trung trong mấy mươi thế kỷ, khi gươm giáo sáng lòe, khi những lời xưng tụng ngập tràn, khi những vế đối chọi nhau chan chát. Tôi nhìn thấy cả những luồng hàng hóa ma ma phật phật kìn kìn bên Tàu về ta, rải đầy trong các chợ Tân Thanh, Đông Kinh, Kỳ Lừa và tỏa đi khắp nơi. Dù đã nỗ lực quên đi những vòng xe cơ chế thị trường nhưng tôi không trốn nổi việc nhận ra sự thiếu hụt trong lòng mình. Cái tôi thiếu vắng phải chăng là chút thích thảng trong một tâm trí phiêu du, hình như nó rất mong manh đầu sương cuối gió, phải lắng lòng mới tìm được bên sông núi anh linh của cha ông, để thổi vào mình chút hồn Tổ quốc.
Nguyễn Thanh Mừng