Ai giảm? Giảm ai?
Đề xuất tinh giản biên chế khoảng 100.000 người của Bộ Nội vụ lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Trên báo chí, trên các trang mạng xã hội đã có nhiều bài viết, nhiều ý kiến về vấn đề này.
Đa số các ý kiến đều cho rằng tinh giản biên chế là cần thiết vì bộ máy hành chính của ta từ lâu đã hết sức cồng kềnh và kém hiệu quả. Hiện cả nước có tới 6 triệu người ăn lương Nhà nước. Con số này quá lớn so với tổng số dân, lớn hơn rất nhiều so với các nước khác.
Bộ máy phình to nhưng việc thì không chạy. Ai cũng nhận thấy ở nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, số cán bộ, công chức, viên chức làm việc không phù hợp với năng lực, không đạt yêu cầu, thậm chí chây lười, yếu kém rất nhiều. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lần nói 30% số cán bộ, công chức “Sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nghĩa là những người làm việc chỉ cốt cho hết giờ, không quan tâm đến hiệu quả công việc đến đâu.
Thống kê của Bộ Nội vụ, sau nhiều năm thực hiện giảm biên chế, đến nay bộ máy hành chính lại tăng thêm 25% do đầu ra thì ít, còn đầu vào lại tăng hơn. Ngay trong lúc Bộ Nội vụ đang nỗ lực xây dựng Đề án tinh giản thì tổng biên chế năm 2013 của cả nước vẫn tăng so với năm 2012. Vì muốn phình to cơ quan, tăng sự bề thế, lại có chỗ để đưa con em, người nhà, mối thân quen vào biên chế, người ta đề xuất đủ mọi lý do cần thiết thêm phòng này, ban nọ, bộ phận kia. Từ đó, sinh ra một bộ máy cồng kềnh, số lượng ngày càng đông, chồng chéo công việc, có khi “dẫm chân lên nhau”, hiệu quả thấp.
Nếu không tinh giản thì không có tiền để trả lương chứ đừng nói đến chuyện cải cách lương. Không chỉ liên quan đến lương, thưởng, nếu để đội ngũ cứ phình to một cách vô cớ sẽ gây ra một số hệ lụy khác đó là đánh đồng người được việc và không được việc trong nền công vụ, triệt tiêu động lực cống hiến của cán bộ.
Do vậy, việc tinh giản biên chế là cần thiết. Nhưng tinh giản bao nhiêu và làm thế nào để tinh giản được là những vấn đề đòi hỏi phải nghiên cứu rất kĩ và chỉ đạo rất sát sao. Trong quá khứ, việc tinh giản biên chế đã được đặt ra nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có việc không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Cùng với đó là không thực hiện tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào diện tinh giản biên chế.
Các chuyên gia cho rằng cho rằng tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ phải được thực hiện song song với nhau. Có giảm bớt những người không đạt yêu cầu thì Nhà nước mới có điều kiện trả lương xứng đáng cho những người làm việc hiệu quả, từ đó khuyến khích người ta không ngừng nâng cao chất lượng lao động. Ngược lại, có nâng cao được chất lượng nhân lực thì mới tinh giản được bộ máy.
Chỉ có thể dựa trên danh mục vị trí việc làm, dựa trên phương pháp đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức một cách khoa học, chính xác và minh bạch mới triển khai được việc tinh giản biên chế một cách thuyết phục, đồng thời tránh được những tiêu cực có thể phát sinh từ tình trạng nể nang, phe cánh, “con ông cháu cha” khi xác định ai trong diện phải sắp xếp giảm biên chế, ai là người sẽ giữ lại trong cơ cấu của đơn vị.
Cũng có ý kiến băn khoăn, liệu rằng việc tinh giản này có tạo điều kiện cho tình trạng chạy chọt, tiêu cực; người không đáng giữ vẫn ung dung tại vị, còn người có năng lực nhưng không có “ô dù” lại bị tinh giản hay không? Cho nên, để thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế, cần phải có những tiêu chuẩn rõ ràng; thực hiện một cách công khai, minh bạch, tuyệt đối không thể làm dấm dúi được. Ai giảm, ai không giảm? Lý do vì sao giảm? Nếu không trả lời được những câu hỏi này thì mục đích kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chưa chắc đã thực hiện được.
Tinh giản biên chế là một yêu cầu cấp bách hiện nay, nhưng việc làm đó cần thực chất. Và điều quan trọng, từ những vướng mắc trước đây, từ những vấn đề nảy sinh trong xây dựng chính sách, phải đưa ra được lộ trình, mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, cụ thể. Nó chỉ thực sự là “cây gậy pháp lý” trong lĩnh vực tinh giản biên chế khi đảm bảo đúng người, đúng chỗ, đáp ứng được yêu cầu khách quan, đúng đắn của đời sống xã hội.
Ngọc Minh
Đề xuất tinh giản biên chế khoảng 100.000 người của Bộ Nội vụ - Lại thêm một Đề xuất để tạo một môi trường làm việc Công căng thẳng, lúc nào cũng sợ đấu đá, sa thải. Trong khi những người làm được việc là những người Công Bộc của dân nhất.