Vũ Ngọc Liễn và bộ ba công trình về Đào Tấn
Chúng tôi tìm đọc các công trình biên khảo của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn từ thời còn là sinh viên văn khoa Trường ĐHSP Quy Nhơn. Cùng gặp gỡ ở tấm chân tình nặng nợ với cổ học và văn hóa tỉnh nhà, tôi thuộc lớp hậu học, ông là bậc tiền bối mở đường. Do vậy, chúng tôi luôn trân trọng những tác phẩm mà ông đã dày công tuyển soạn.
1.
Vũ Ngọc Liễn từng theo học khoa Lý luận hý khúc tại Học viện Hý khúc Bắc Kinh, Trung Quốc. Từ những hiểu biết chuyên sâu về Hý khúc, Kinh kịch - những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Trung Hoa, đặc biệt với những trải nghiệm thực tế về lĩnh vực này trong những năm tháng lưu học tại Trung Quốc, Vũ Ngọc Liễn đã tự trang bị cho mình một vốn kiến thức căn bản để đến với nghệ thuật tuồng.
Với duyên văn chương và tấm lòng nặng nợ với quê hương Bình Định - cái nôi của nghệ thuật tuồng cổ, Vũ Ngọc Liễn đã tìm đến với Đào Tấn - bậc hậu tổ của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Điều ấy đã được ông thể hiện qua bộ ba công trình nghiên cứu đồ sộ về Đào Tấn. Năm 2003, ông cho ra mắt tập 1 “Đào Tấn - Thơ và từ” (642 trang). 2 năm sau, tập 2 “Đào Tấn - Tuồng Hát Bội” (847 trang) ra đời. Năm 2006, tập 3 “Đào Tấn - Qua thư tịch” (832 trang) cũng được ông công bố.
Có thể nói, hành trình nghiên cứu chuyên sâu về Đào Tấn của Vũ Ngọc Liễn được bắt đầu từ Hội nghị khoa học nghiên cứu Đào Tấn lần I (tháng 12.1977). Từ đó, ông góp mặt trong nhiều công trình sưu tập, biên soạn về Đào Tấn. Song, đến với bộ ba công trình về Đào Tấn do NXB Sân khấu ấn hành, Vũ Ngọc Liễn mới thật sự đánh một dấu mốc lịch sử cho lịch trình nghiên cứu về ông tổ của ngành tuồng Bình Định này.
2.
Trong tập 1, qua 141 bài thơ và 60 bài từ chữ Hán, cùng 3 bài thơ Nôm, lần đầu tiên nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã phục dựng thành công chân dung Đào Tấn - một thi nhân, thiền nhân. Từ những ghi chép Hán văn trong “Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo”, “Mộng Mai thi tồn” và “Mộng Mai từ lục”, Vũ Ngọc Liễn đã phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, mở đường cho những người yêu mến Đào Tấn đi sâu vào thế giới nghệ thuật của ông, hiểu đúng tâm sự của ông.
Bên cạnh Vũ Ngọc Liễn, cũng cần phải nói đến những đóng góp về dịch thuật của các chuyên gia Hán Nôm như Tống Phước Phổ, Hồ Đắc Bích, Đỗ Văn Hỷ, Mạc Như Tòng, Huỳnh Chương Hưng… và các nhà thơ như Xuân Diệu, Yến Lan, Thanh Thảo… Những bản dịch trong tập “Đào Tấn - Thơ và từ” như những bản chỉ đường, đưa lối để các thế hệ hậu học có thể tìm hiểu, cắt nghĩa và đồng cảm với những trăn trở về nhân tình, thế thái của Đào Công trong thế giới nghệ thuật của ông. Tất nhiên, vẫn còn đây đó những vấn đề cần phải nghiêm túc nghiên cứu thêm. Với việc biên phiên dịch thơ và từ của Đào Tấn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã làm trọn phận sự của một kẻ sĩ “quang tiền dụ hậu” (làm rạng rỡ cho người trước, nêu gương sáng cho đời sau).
Đến công trình sưu tuyển “Đào Tấn - Tuồng Hát Bội”, bộ “tổng tập” về tuồng của cụ Đào, Vũ Ngọc Liễn đã thực sự “chín muồi” với công tác văn bản học. Ông đối chiếu, phiên Nôm, chú thích điển cố Hán học một cách tỉ mỉ về nguồn gốc và ý nghĩa, ngõ hầu giúp người đọc tiếp cận văn bản một cách tốt nhất. Phương pháp khảo sát văn bản tuồng của ông không chỉ dừng lại ở sự so sánh dị bản mà còn hiệu đính, biện ngụy nhằm hướng đến những lời văn gần với tư tưởng Đào Tấn nhất.
Đọc kỹ từng trang, từng bài của công trình này, chúng tôi nhận thấy ở đây một khối lượng công việc đồ sộ, kiến văn uyên bác và những lý giải sắc sảo của Vũ Ngọc Liễn khi đánh giá về từng vở tuồng của cụ Đào. Vũ Ngọc Liễn không chỉ là nhà văn bản học về tuồng, ông còn là nhà cố vấn nghệ thuật cho Nhà hát tuồng Đào Tấn. Còn nhớ, năm 2001, tôi đã được dự khán một buổi nói chuyện về nghệ thuật tuồng do ông và các cộng sự thực hiện. Ở đó, tôi nhận ra ở ông dáng vóc của một bộ bách khoa về nghệ thuật tuồng Bình Định. Một con người vừa am hiểu về Hán học, vừa am tường về nghệ thuật biểu diễn, đồng thời là một diễn viên kỳ cựu. Cả ba yếu tố ấy đã hội tụ đủ đầy trong phong cách nghệ thuật của Vũ Ngọc Liễn.
Các thế hệ hậu bối nghiên cứu Đào Tấn sẽ cúi đầu cảm tạ ông, bởi tập “Đào Tấn - Qua thư tịch” là cả một thư viện về Đào Công. Từ tiểu sử, thân thế, đến bằng hữu, văn chương thù tạc, biểu trạng tạ ân, ghi chép cá nhân và cả những nghiên cứu cụ thể về thế giới nghệ thuật thơ, tuồng của Đào Tấn đã được Vũ Ngọc Liễn sưu tuyển cẩn thận. Đúng như ông từng tâm đắc: “Tôi tin rằng bộ sách Đào Tấn chào đời sẽ góp một viên gạch quý hiếm vào công cuộc xây dựng lâu đài nghệ thuật sân khấu Việt Nam, đồng thời sẽ cung cấp cho các thế hệ hậu học một khối lượng thông tin tổng hợp tiện việc nghiên cứu về một nhà hoạt động sân khấu lỗi lạc của đất nước ta - Đào Tấn” (Ghi sau, “Đào Tấn - Qua thư tịch”).
3.
Từ năm 2003 đến 2006, “phải mất đứt bốn năm” (chữ dùng của Vũ Ngọc Liễn), bộ sách về Đào Tấn mới hoàn tất công việc in ấn, phát hành giới thiệu cho bạn đọc gần xa. “Công đức” tuy đã viên mãn, nhưng Vũ Ngọc Liễn không hoàn toàn thỏa mãn với nó. Ông luôn lắng nghe, sửa chữa, hiệu đính những gì còn sai sót, bổ khuyết những chỗ còn thiếu trên tinh thần “góp nhặt dọc đường” của một “kẻ sĩ đất thang mộc”.
Bộ ba công trình về Đào Tấn đã mang lại vinh quang cho Vũ Ngọc Liễn với Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2012. Cụm công trình này đã thực sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho các thế hệ bạn đọc, nhà nghiên cứu về Đào Tấn. Với những đóng góp thầm lặng đối với văn học, nghệ thuật Bình Định nói chung và tuồng Đào Tấn nói riêng, Vũ Ngọc Liễn xứng đáng được vinh danh là nghiên cứu văn hóa tiêu biểu, là nhà Đào Tấn học kỳ cựu.
VÕ MINH HẢI