Nguy cơ lây cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người rất cao
Tính đến ngày 19.2, dịch cúm trên gia cầm đã xảy ra ở 16 tỉnh, thành trên cả nước. Trao đổi về mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe con người khi bị nhiễm virút cúm A/H5N1, bác sĩ Phan Công Hùng - phụ trách khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM - cho biết:
- Cúm gia cầm là bệnh cúm do virút gây ra cho các loài chim và gia cầm. Song virút này có thể gây bệnh ở người và một số động vật có vú khác. Virút cúm A/H5N1 có thể tồn tại trên gia cầm nhưng không gây bệnh đặc biệt ở loài thủy cầm như vịt, ngan...
Tuy nhiên, khi người bị nhiễm cúm gia cầm thường có những biểu hiện nặng ở đường hô hấp dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc kháng virút nhưng chỉ có hiệu quả khi được điều trị sớm.
* Người bị nhiễm bệnh này có biểu hiện thế nào? Những triệu chứng dễ nhận biết nhất khi nhiễm virút này là gì, thưa bác sĩ?
- Virút cúm A/H5N1 có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm và bụi đất. Virút có thể lây khi người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng có dính chất thải của gia cầm; lây qua không khí, qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bị bệnh hoặc hít phải không khí chứa bụi từ phân gia cầm hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm virút...).
Bệnh thường khởi phát với sốt cao trên 39-40oC, kèm các triệu chứng về hô hấp như ho khan hoặc có đờm, tức ngực, thở nhanh, tím tái. Bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng như tiêu chảy, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi. Bệnh có diễn tiến nhanh dẫn đến khó thở, đau ngực...
Hình ảnh X-quang phổi thấy rõ tổn thương thâm nhiễm lan tỏa một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh. Vì vậy khi xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
* Thưa bác sĩ, nếu trong gia đình có người mắc bệnh này thì nên làm gì để tránh lây bệnh cho người trong gia đình và cộng đồng?
- Khi trong nhà có người nghi ngờ hoặc đã được xác định mắc bệnh cúm A/H5N1, người đó phải được cách ly tại bệnh viện. Các chất thải của bệnh nhân cúm: chất nôn, đờm dãi... phải chứa trong bô có nắp đậy kín và khử trùng triệt để bằng Chloramine B.
Những người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5N1 hoặc gia cầm bị bệnh cần được báo cho cơ quan y tế dự phòng địa phương và theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn, 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi. Nếu có sốt (trên 38oC) hoặc có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp cấp phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.
Những người được cách ly theo dõi nên bố trí nơi ăn ngủ riêng, hạn chế đi lại, tiếp xúc, thường xuyên mang khẩu trang y tế và sử dụng thuốc sát khuẩn mũi họng hằng ngày.
Virút H5N1 nguy hiểm nhất
Từ năm 1997, các type virút cúm gia cầm khác nhau đã được phát hiện ở người như H5N1, H7N3, H7N7, H9N2, nhưng type H5N1 là nguy hiểm nhất do có độc lực cao, gây tỉ lệ tử vong cao ở người (50-60% trường hợp mắc). Hơn nữa, theo cơ quan thú y, có đến 7-10% đàn thủy cầm mang virút nhưng không mắc bệnh, do vậy nó vẫn thải virút ra môi trường. Từ năm 2003 đến nay, trên toàn thế giới có 654 ca mắc và 389 ca tử vong vì cúm A/H5N1 (tử vong 59%). Cũng trong thời gian này, tại VN có 127 ca mắc với 64 ca tử vong (tỉ lệ 50%), trong đó ở khu vực phía Nam ghi nhận 37 ca mắc và 31 ca tử vong (tỉ lệ chết/mắc là 81%).
Tại gia đình, nơi ở hoặc khu vực ổ dịch cần thực hiện triệt để việc khử trùng bề mặt bằng Chloramine B 2%. Người tiếp xúc hoặc giết mổ gia cầm phải được trang bị bảo hộ lao động, những người tiếp xúc với nguồn lây nhiễm trong khu có dịch cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân hằng ngày và rửa tay thường xuyên.
* Từ đầu năm 2014 đến nay, Viện Pasteur TP có ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 nào ở khu vực phía Nam chưa? Bác sĩ đánh giá nguy cơ xảy ra dịch cúm này ở khu vực phía Nam thế nào?
- Từ đầu năm đến nay tại khu vực phía Nam ghi nhận hai ca ở tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp đều tử vong do cúm A/H5N1 và đều tiếp xúc với gia cầm và xung quanh nơi bệnh nhân ở có gia cầm (gà nuôi) chết.
Theo số liệu giám sát từ năm 2010 đến nay, ở khu vực phía Nam thường ghi nhận 1-2 ca mắc vào các tháng đầu năm (thời tiết lạnh thích hợp với sự phát triển của virút cúm).
Chưa có bằng chứng virút cúm A/H5N1 lây trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, dịch cúm trên gia cầm đang xảy ra ở 14 tỉnh trên cả nước (theo thông báo của Ban phòng chống dịch cúm gia cầm quốc gia).
Trong đó phía Nam có bốn tỉnh Long An, Tây Ninh, Cà Mau và Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương có nguy cơ lây nhiễm từ gia cầm sang người rất cao.
Các quốc gia láng giềng (Trung Quốc, Campuchia) cũng đang có dịch cúm trên gia cầm. Vì thế việc kiểm soát gia cầm chưa chặt chẽ giữa các quốc gia, giữa các tỉnh/thành phố; thói quen buôn bán, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, ăn các sản phẩm từ gia cầm chưa được nấu chín là điều kiện cho virút cúm gia cầm phát tán và gây bệnh.
Ngoài ra, ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cộng đồng chưa có miễn dịch là những khó khăn cần được chung tay khắc phục của các ban ngành, trong đó vai trò của chính quyền các cấp có ý nghĩa quyết định.
Theo LÊ THANH HÀ (TTO)