PGS.TS. Nguyễn Văn Huy:
Biến tướng lễ hội và niềm tin mù quáng
Dù được ghi nhận có một số chuyển biến tích cực, nhưng mùa lễ hội năm nay vẫn đầy rẫy những hiện tượng phản cảm. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản trong cuộc trao đổi với phóng viên, nhận định niềm tin mù quáng đang đẩy lễ hội truyền thống đi quá xa.
- Chính phủ quyết định ngừng phát hành tiền lẻ, cấm hành vi đổi tiền lẻ ở các di tích, nhưng câu chuyện tiền lẻ vẫn nhức nhối. Nào là rải tiền lẻ, nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật. Ông có thể lí giải tâm lí tiền lẻ này ở người Việt?
Người Việt Nam có rất nhiều sáng tạo, sáng kiến liên quan đến câu chuyện này. Ở đây nó liên quan nhiều đến niềm tin. Một khi có niềm tin vào đức Phật hay thánh mẫu, phải hiểu được bản chất niềm tin, giá trị giáo lí của tín ngưỡng mà ta tin. Trong xã hội của chúng ta hiện nay, sự hiểu biết về các giáo lí, niềm tin một cách đích thực không đầy đủ. Đa phần đều tin theo một cách cảm tính, không hiểu căn cốt của tín điều. Chính vì thế nó gây ra những biến tướng như đã nêu.
Câu chuyện tiền lẻ, biến tướng lễ hội chỉ hình thành và phát triển vào những năm 1990, 2000 và ngày càng phát triển. Vậy thì đó là câu chuyện chỉ sinh ra ở trong bối cảnh xã hội nhất định. Bối cảnh xã hội ấy được điều chỉnh thì chắc chắn câu chuyện này sẽ khác.
- Niềm tin mù quáng ấy có phải do một xã hội khủng hoảng niềm tin, hay còn lí do nào khác?
Nhiều người tu tại gia, chịu khó đọc kinh, đọc các bài giải thích về niềm tin. Thông qua đó mà nâng cao nhận thức về niềm tin một cách đúng đắn, họ tự điều chỉnh. Những người chịu khó tìm hiểu chắc chắn không hành xử theo kiểu đám đông.
Vừa rồi tôi đến Yên Tử, người ta đi lễ một cách trật tự. Họ xếp hàng trật tự, tuy chật như nêm từ dốc Voi quỳ lên Tháp tổ, rồi lên chùa Hoa Yên, nhưng không có chen lấn, xô đẩy. Những hội nhỏ như hội làng Xuân Lai (Sóc Sơn), hội đền Quán Thánh ở Bộ Đầu mang tính cộng đồng, người dân trong thôn xã tham gia rất thoải mái.
Trong một bối cảnh khác, ở đền Trần lại xảy ra chen lấn, xô đẩy, cướp giật. Trong phút chốc, người ta cố giành giật cho bằng được chút lộc nhỏ, khi ấy sự ích kỷ ở mức tột đỉnh, cộng với tâm lí đám đông, người ta tin rằng ở thời khắc nửa đêm ấy mới thiêng, mới lộc và cầu gì được nấy.
Nhiều năm nay người ta quảng bá không đúng, nhiều hoang truyền, thêu dệt nên nhiều câu chuyện khiến mọi người sục sôi về niềm tin, dẫn đến hành vi không đúng.
- Nhiều người đi hội cốt để cầu xin, nghĩ rằng tạ ơn thần thánh bằng vài đồng tiền lẻ. Có cảm giác giá trị tâm linh của một bộ phận rẻ như tiền lẻ?
Cốt lõi của Phật giáo-Phật tại tâm. Đáng ra người ta đến chùa để thắp hương thờ phật với tâm nguyện thanh tịnh nhất, chứ không phải đến cầu bằng vật chất, đem vật chất xã hội chuyển tải vào cho thần thánh. Nhiều người sử dụng cách nói hài hước đó là hối lộ xã hội đời thường đưa vào thành hối lộ trong tâm linh. Điều quan trọng giải quyết việc này là giúp người ta hiểu được căn cốt của niềm tin. Đó trước hết là việc của những người hoạt động tôn giáo tín ngưỡng.
Nếu cái gì cũng bàng nhàng cả, không sâu sắc, không hiểu cốt lõi của niềm tin thì rất dễ đẩy người ta hành xử theo đám đông một cách cuồng si.
- Tâm lí tiền lẻ này có thể xem là phản ánh tâm lí xã hội đương thời, hay chính là thói tật của người Việt, thưa ông?
Người ta đi hội còn để hành hương, tham quan chứ không phải tất cả chỉ để cầu khấn đâu. Năm nay sau giao thừa tôi có đi một số chùa quanh nhà, tôi thấy người người đến lễ chùa rất nghiêm trang, dù đông nhưng hành xử rất văn minh. Tôi chắc rằng những người đi vào những thời điểm như thế hẳn am hiểu nghi lễ, nghi thức hay điều cơ bản của niềm tin. Những biến tướng như nêu trên không thể nói thói tật của người Việt. Tôi nghĩ câu chuyện đó chỉ phản ánh văn hóa của một bộ phận cư dân trong thời hiện nay.
Hơn nữa câu chuyện tiền lẻ chỉ thấy có ở ngoài Bắc. Các chùa ở miền Nam rất uy nghiêm. Ai cũng biết dòng thiền phái Trúc Lâm ở miền Nam ra ngoài này, Phật tử của họ ứng xử khác hẳn. Những Thiền viện Trúc Lâm với các chùa dù đặt ở ngoài Bắc, cũng không có đồng tiền lẻ nào. Chúng ta phải sòng phẳng. Cho nên ứng xử với tiền lẻ ở chùa không phải là căn cốt của người Việt, chỉ là một bộ phận Phật tử và những người đi lễ chùa chưa được giác ngộ thôi.
- Có quan niệm cho rằng những biến tướng này không thể chỉ đổ lỗi hết cho dân. Ông nghĩ sao?
Chúng ta phải nhìn một cách tổng thể, thận trọng. Có hiện tượng phản cảm do dân trí, cái khác lại do phía quản lí văn hóa, quản lí di tích. Nhiều đền, chùa bị biến tướng, và chính hành động của những người quản lí kích thích những người hành lễ thực hiện câu chuyện tiền lẻ.
Họ sáng tác quá nhiều tượng, ban bệ ở mọi nơi để cầu cúng, mong muốn khách thập phương đến đấy thả tiền lẻ, cung tiến tại hòm công đức. Có những lỗi do tự phát, có những lỗi do có ý thức hẳn hoi. Như ở chùa Hương, chúng ta làm chưa tốt, tạo quá nhiều đền miếu, cốt mong thu thật nhiều tiền giọt dầu. Những câu chuyện này mấy chục năm qua làm hỏng tâm thế người đi chùa, đi hội nay phải điều chỉnh dần dần và phải kiên quyết thực sự.
Câu chuyện tiền lẻ, nó đã thấm vào chúng ta mấy chục năm nay. Giờ chúng ta kiên quyết chống rải tiền lẻ ở nơi thờ tự, là điều rất đúng, rất văn hóa. Tôi hi vọng rằng xã hội thay đổi, chứ không hẳn mờ mịt đâu.
Dự thảo Quy hoạch lễ hội đang bị tắc, vì được yêu cầu xây dựng lại tiêu chí các loại lễ hội. PGS.TS. Nguyễn Văn Huy cho rằng, những lễ hội (hội làng-từ yêu thích của ông) là những sáng tạo lâu đời của cha ông, chẳng phải mất công phân loại. “Cái quan trọng nhất là kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở các lễ hội. Rất nhiều hội làng bị mai một nhiều năm nay, bây giờ phải giúp họ khôi phục. Hội làng ngày xưa rất thiêng, nhưng tính thiêng bị giảm bớt, dẫn đến việc nhiều khi người ta làm các thủ tục có tính lấy lệ. Nếu không khôi phục tính thiêng, hội sẽ mất giá trị. Người ta đến hội trở nên nhốn nháo. Tâm linh sẽ giúp hội nghiêm túc hơn, bền vững hơn”, ông nhấn mạnh.
Theo TPO