Thôn 3, xã An Trung, huyện An Lão:
12 năm liền không có người sinh con thứ 3
12 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên, đó thật sự là một thành tích đáng nể của người dân thôn 3, xã An Trung, huyện An Lão. “Mưa dầm thấm lâu” được coi là phương châm hàng đầu trong công tác DS-KHHGĐ ở vùng đất xa xôi này.
Sinh ít con để nuôi dạy tốt
Thôn 3, xã An Trung có một vị trí khá đặc biệt. Từ thị trấn An Lão về tới trung tâm xã An Trung mất 7 cây số. Từ đây, để đến được thôn 3 phải đi tiếp 6 cây số nữa. Dù vậy, đường đến thôn 3 hôm nay đã được bê tông toàn bộ, nên “tuy xa mà gần”.
Chúng tôi đến thăm nhà chị Đinh Thị Gái đúng lúc chị đang chuẩn bị cho con ngủ. Năm nay 32 tuổi, chị Gái đã có 2 con: Đinh Thị Như Nguyệt 8 tuổi và Đinh Thị Thúy Nga 2 tuổi. Vợ chồng chị đều làm nương làm rẫy, học hành cũng chẳng tới nơi tới chốn. Vậy nhưng, khi tôi hỏi có ý định “kiếm thằng cu” không, chị gạt phắc: “Gái trai gì chẳng được, 2 đứa là đủ rồi. Ít con mới nuôi dạy tốt được”.
Không riêng nhà chị Gái, ở thôn 3 có nhiều gia đình sinh con một bề. Hiện, cả thôn có đến 4 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con gái, 1 gia đình có 2 con trai. Như nhà vợ chồng anh Đinh Văn Vít và chị Đinh Thị Ghế có 2 con gái là Đinh Thị Bái (13 tuổi) và Đinh Thị Bích (7 tuổi). Trong 2 năm 2012 và 2013, cả 8 trẻ được sinh ra ở thôn 3 đều là gái.
Chị Đinh Thị Linh, cộng tác viên DS-KHHGĐ của thôn 3 cho biết, cả thôn có 37 hộ với 125 nhân khẩu, đều là người dân tộc H’rê. Toàn thôn có 36 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trong đó, 24/30 phụ nữ có chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, phổ biến nhất là dùng thuốc uống.
Toàn xã An Trung có 7 thôn. Theo chị Đinh Thị Má, chuyên trách DS-KHHGĐ của Trạm Y tế xã An Trung, ngoài thôn Tmangheng mới thành lập dành cho dân tái định cư còn nhiều khó khăn, các thôn còn lại đều có thành tích tốt trong việc khống chế tỉ lệ phụ nữ sinh con thứ 3. Năm 2013 này là năm thứ 3 liên tiếp thôn 4 không có người sinh con thứ 3 trở lên. Với thôn 3, thành tích này còn kéo dài lên đến 12 năm!
“Nhờ sinh ít con, nên các gia đình có điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn. Số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm mạnh, cả năm 2013 chỉ có 3 trẻ. 2 năm qua, cả thôn không có học sinh nào bỏ học”, chị Má cho hay.
Mưa dầm thấm lâu
Là địa bàn có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đã có thời, thôn 3 xã An Trung có tỉ lệ cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Công tác vận động chạm ngay vào “hòn đá tảng”, là quan niệm sinh nhiều con, phải có con trai để đi làm nương rẫy. Nhưng rồi, với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, người dân nơi đây đã dần dần nhận ra rằng, cái lợi của đẻ ít, đẻ thưa là giảm bớt cái đói cái nghèo, chăm lo cho con cái khỏe mạnh, học hành đàng hoàng.
Để thôn 3 giữ vững thành tích 12 năm liền không có người sinh con thứ 3, không thể bỏ qua đóng góp lớn của chị Đinh Thị Linh, người cộng tác viên DS-KHHGĐ nhiệt tình, tận tụy. Năm nay 35 tuổi, nhưng chị Linh đã có 14 năm gắn bó với công tác dân số ở thôn 3. Nhà chị ở giữa thôn, dễ dàng gần gũi, tiếp cận với chị em phụ nữ xung quanh.
“Dân số ít cũng tạo điều kiện để mình dễ dàng nắm tình hình, không quá khó để biết nhà nào có ý định sinh con thứ 3. Biết cặp nào “rục rịch”, tôi liền tiếp cận người vợ, bởi chị em phụ nữ với nhau dễ nói chuyện hơn. Khi nào thất bại, tôi mới chuyển sang vận động người chồng. Là người cùng thôn, tình cảm gắn bó nên công tác vận động ngày càng thuận lợi”, chị Linh chia sẻ.
12 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên là một thành tích không dễ gì đạt được. Và, để duy trì, kéo dài thành tích này càng khó khăn hơn, đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của cán bộ và nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, kinh nghiệm thực tiễn từ thôn 3, xã An Trung cần được nhân rộng, để ngày càng có nhiều hơn những địa phương thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, xây dựng cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.
NGUYỄN HOÀNG