Chị em dâu
Ngày chị Hạnh về nhà tôi làm dâu, ba tôi nói với chị: “Con Hạnh coi vậy chớ không bao giờ xích mích với chị em bạn dâu”. Chị em tôi mất mấy giây mới ngẫm ra rồi cười xòa, bởi anh tôi là con trai một trong nhà.
1.
Những va chạm trong cuộc sống gia đình giữa những “người lạ” với nhau như các chị em dâu âu cũng là điều dễ hiểu, bởi khác biệt về nhiều thứ, và có lẽ vì họ cùng là phụ nữ. Bởi vậy, những chị em dâu có mối quan hệ thân thiết với nhau, thậm chí là thân như chị em ruột thường nhận được lời khen ngợi từ nhiều người.
Chị Nguyễn Thị Bông, ở tổ 31, KV8, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn kể, chị có 2 cô em dâu rất hợp tính, hợp gu. Nhà có 3 nàng dâu nhưng chưa bao giờ cãi nhau, trái lại rất thương yêu, gần gũi, giúp đỡ nhau. Chị Bông là dâu trưởng, lo toan mọi thứ trong nhà. Mỗi khi các cô em dâu làm việc gì chưa đúng ý, chị đều bảo ban, góp ý chân tình. Vì thế, trong nhà lúc nào cũng vui vẻ. Các cô em dâu cũng xem chị Bông như chị ruột, việc lớn việc nhỏ đều hỏi ý kiến, nhờ chị giúp đỡ. Chị Bông tâm sự: “Mình là dâu trưởng, tác phong phải chững chạc, cư xử có trước có sau, các em mới tôn trọng, lấy đó làm gương. Cùng phận làm dâu nên mình phải thông cảm, thương yêu nhau, chứ cứ suốt ngày ghen ăn tức ở, tị nạnh từng tí một thì làm sao xem nhau như người một nhà được?”.
Lúc mới “nhập gia”, nhìn 5 chị dâu trong gia đình, Song Ngân, ở đường Phạm Văn Đồng, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân có vẻ ái ngại. Dù vậy, những lo lắng ban đầu dần tan biến khi Ngân được các chị dâu khác trong nhà quan tâm từng chút một để cô dâu út không cảm thấy tủi thân. Chị Ngân tâm sự: “Tôi thật sự may mắn khi được làm dâu trong một gia đình như thế. Các chị luôn nhường nhịn, chia sẻ, thông cảm, là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình. Nhiều lúc tôi còn vụng về, ứng xử chưa khéo, các chị đều góp ý chân thành chứ không phải kiểu đổ thêm dầu vào lửa…”. Lúc ba chồng chị Ngân bệnh nằm viện, các nàng dâu phân công nhau vào chăm ông tận tình, chu đáo, không so đo, tính toán thiệt hơn. Bởi vậy, ai vào thăm ông cũng tấm tắc khen nhà có 5 nàng dâu đảm đang, chu toàn, biết cư xử, quả là nhà có phúc.
2.
Người xưa nói “chị em dâu như bầu nước lã” là có lý, bởi trong các mối quan hệ của một gia đình, chị em bạn dâu có khoảng cách xa hơn cả. Vì vậy, những bất hòa giữa chị em dâu thường xảy ra do sự lỏng lẻo trong mối quan hệ vốn đã chẳng gần gụi của các bên, chưa nói đến những khác biệt về địa vị xã hội, lợi ích kinh tế, giáo dục con cái, phân công công việc trong gia đình…
Có không ít trường hợp, lúc đầu, chị em bạn dâu tỏ ra thân thiết, hòa đồng, sau một thời gian thì mối quan hệ này rạn nứt, phần nhiều là do tính toán thiệt hơn, nghi kỵ, ganh ghét nhau. Sự rạn nứt trong mối quan hệ này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy khác, đặc biệt là tình cảm anh em trong một nhà.
Như trường hợp của đôi vợ chồng già chuyển về sống ngay cạnh nhà tôi cách đây gần 3 năm. Ngày đầu tiên con cháu tập trung lại nấu nướng ăn uống, đã thấy ồn ào rồi tranh cãi quyết liệt. Sau này tôi mới biết là anh em họ “bằng mặt mà không bằng lòng” vì trước đó ông bà bán căn nhà to, sau đó chia tiền cho con cái rồi mua căn nhà nhỏ gần nhà tôi. Do ông chia không đều cho các cậu con trai nên xảy ra xung đột. Anh em cãi nhau trước, sau đó đến phiên các chị em dâu lên tiếng bênh chồng mình, và cuộc chiến cứ thế diễn ra. Anh em trong nhà đã vậy, khi có sự “tiếp sức” của các “bà dâu”, quan hệ của họ ngày càng tồi tệ.
3.
Vì thế, để hóa giải điều này, nguyên tắc quan trọng nhất của các chị em dâu với nhau là nên biết cách nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, cả hai phía phải nỗ lực với tinh thần hợp tác, xem nhau như chị em, cùng nhau lắng nghe, tìm tiếng nói chung, tuyệt nhiên tránh lôi kéo chồng vào nói xấu, dèm pha, gây mất tình cảm, đoàn kết trong gia đình.
HẢI GIANG
Chị Em dâu có hòa hợp trong Gia đình hay không là do Ông Chồng quyết định. Tôi nghĩ vậy!