Để khỏi… “rước họa vào thân”!
Trong mấy ngày qua, thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở hàng loạt tỉnh, thành trên cả nước thực sự là đáng báo động khẩn cấp. Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhận định rằng dịch cúm gia cầm có thể lây lan trên diện rộng, không loại trừ bất cứ địa phương, vùng miền nào. Và trên thực tế dịch cúm đã có mặt ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, từ các địa phương vùng cao phía Bắc, tới Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Với diễn biến khó lường, có thể nói dịch cúm gia cầm đã và đang vây bủa tứ bề đối với các tỉnh, thành trong cả nước và bình định cũng không là ngoại lệ.
Trước tình hình cấp bách, Cục Thú y đã thành lập 15 đoàn công tác khẩn cấp để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT cũng đã tiến hành họp trực tuyến với các địa phương để triển khai kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan sang người. Trong đó, yêu cầu cấp bách các địa phương thực hiện ngay là việc kiểm soát chặt chẽ các chợ gia cầm sống, công tác tiêu độc khử trùng tại các địa điểm có nguy cơ cao như chợ gia cầm sống, các trại chăn nuôi gia cầm; đối với các chợ gia cầm sống kèm giết mổ phải tổ chức khu giết mổ và bán gia cầm riêng để kiểm soát…
Với địa bàn Bình Định, dù chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm và các cơ quan chức năng đã triển khai quyết liệt các phương án phòng chống nhưng không thể chủ quan trước tình hình dịch bệnh. Tại nhiều tỉnh lân cận như Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Kon Tum… dịch cúm gia cầm đã xuất hiện. Tại một số địa phương trong tỉnh cũng đã lai rai xảy ra tình hình gia cầm bị chết hàng loạt, tuy chưa đến mức công bố dịch nhưng không thể xem thường nguy cơ.
Có thể nói, mức độ nguy hiểm của đợt dịch cúm gia cầm hiện tại là rất lớn. Cục Y tế dự phòng đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người là rất lớn. Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy trong khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt thì người dân vẫn có tâm lí rất chủ quan như không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, giết mổ gia cầm không đúng quy định, thậm chí vẫn làm và sử dụng tiết canh từ gia cầm… Đây là các hành vi biểu hiện sự coi thường sức khỏe, tính mạng của bản thân và còn là mối nguy cho cộng đồng rất đáng phê phán và lên án.
Để phòng ngừa dịch cúm gia cầm có hiệu quả, bảo vệ an toàn đàn gia cầm, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, đòi hỏi mọi người dân phải “vào cuộc” một cách tích cực, nâng cao ý thức tự giác phòng ngừa cao độ trong hoạt động chăn nuôi và tiêu dùng. Đặc biệt, trong thời điểm nguy cơ cao như hiện nay, cách phòng ngừa tốt nhất là người tiêu dùng cần loại bỏ thói quen mua và sử dụng thịt gia cầm ở các chợ tự phát, kiên quyết “nói không” với các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch…, để khỏi phải “rước họa vào thân” chỉ vì sự chủ quan của chính mình!.
TRƯỜNG AN