Đi xe đạp!
Ngày 21.2, hàng loạt các phương tiện truyền thông đại chúng trong cả nước đồng loạt đưa tin về việc chính quyền thành phố Hội An (Quảng Nam) đã chính thức phát động trong cán bộ, công chức và nhân dân tự nguyện đi lại trong thành phố bằng xe đạp kể từ ngày 1.4 tới nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Trước đó, Hội An cũng là thành phố đầu tiên tổ chức sự kiện “Ngày không khói xe - Car free day” ở Việt Nam, khởi động từ ngày 9.9.2012.
Theo UBND thành phố Hội An, thành phố chủ trương khuyến khích, vận động nhân dân đi lại trong thành phố bằng phương tiện xe đạp nhằm hướng đến xây dựng Hội An sớm trở thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch đầu tiên của Việt Nam. Trước mắt, kể từ ngày 25.3, UBND thành phố Hội An tổ chức thí điểm cho cán bộ, đảng viên, công chức đến công sở bằng xe đạp, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Theo tính toán, có gần 4.000 người sẽ đi làm bằng xe đạp từ ngày 25.3, bao gồm công chức nhà nước đang công tác tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và 13 xã - phường.
Một thông tin khác cũng liên quan đến chuyện xe đạp. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chính quyền 5 đô thị lớn trong cả nước tiến hành thực hiện thí điểm đề án cung cấp xe đạp dịch vụ công cộng nhằm tăng thêm sự lựa chọn của người dân trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đồng thời góp phần hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trên thế giới, cùng với xe buýt và đi bộ thì xe đạp, trong đó có xe đạp công cộng, là phương tiện không thể thiếu trong hoạt động giao thông ở các đô thị phát triển. Nhiều đô thị lớn của các nước phát triển từ lâu đã rất chú trọng phát triển giao thông bằng loại phương tiện này. Có thể nêu một ví dụ, khu vực nội đô thủ đô Copenhagen của Đan Mạch chỉ có 565 ngàn người dân nhưng lại có tới 650 ngàn chiếc xe đạp để sử dụng hàng ngày. Không nói đâu xa, ở nước láng giềng Trung Quốc, tại thành phố Thượng Hải là đô thị đông dân nhất nước này, có tới 60% số người sử dụng xe đạp đi lại hàng ngày; nhiều đô thị khác đi xe đạp rất phổ biến…
Với người Việt Nam chúng ta thì đi xe đạp là chuyện quá đỗi gần gũi và thân quen. Cách đây chưa lâu thì xe đạp là phương tiện di chuyển hàng ngày của đa số dân Việt Nam. Vì vậy, chúng ta không xa lạ gì với lợi ích to lớn, thiết thực của việc đi lại bằng xe đạp như chi phí thấp, an toàn, tiện lợi, giúp nâng cao sức khỏe cho người sử dụng, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh áp lực do hạ tầng giao thông kém phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị ngày càng gia tăng như hiện nay, thì việc trở lại với xe đạp là giải pháp thiết thực để giải bài toán hai nghiệm hóc búa này. Đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng ở các thành phố lớn được kỳ vọng sẽ là “cú hích” cho sự phát triển trở lại mạnh mẽ của loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường ở các đô thị này. Tuy nhiên, với các đô thị khác trong cả nước thì đây cũng là vấn đề cần được quan tâm tính toán ngay từ bây giờ để tránh đi vào “vết xe đổ” của các đô thị lớn.
Chủ trương của Chính phủ và cách làm của chính quyền thành phố Hội An về đi xe đạp là hai câu chuyện, hai cách tiếp cận khác nhau. Điểm chung là ở chỗ đây đều là những gợi ý hay, có tính khả thi để nâng cao chất lượng cuộc sống ở các đô thị một cách căn cơ, bền vững và ít tốn kém.
HẢI ĐĂNG