Về Nhơn Lý câu mực đêm
Những ngày qua, gió khơi rất săn, hết nồm sang bấc. Mấy người bà con ở Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) rủ rê “đi câu mực đất đi”. Thấy tôi ngần ngại, họ “khích”: “Dân biển mà ngồi chờ biển lặng mới ra khơi thì còn thú gì nữa”. Nghe đến đấy, máu phiêu lưu nổi dậy, quên cả chứng say sóng kinh niên, tôi nhanh chóng thu xếp chuyến ra khơi.
Tầm 4 giờ chiều, hàng chục chiếc ghe câu mực của ngư dân Nhơn Lý đã chộn rộn chuẩn bị ra khơi. Gần chục dân câu chuyên nghiệp lắc đầu, không cho tôi theo, vì “đàn bà con gái ai cho lên ghe”. Nhưng cơ hội chưa hết, anh Nguyễn Văn Nghề, ở thôn Lý Hòa, bạn nối khố của chồng tôi, đã gật đầu cái rụp khi tôi vừa ngỏ lời. Tôi lập tức nhảy lên chiếc thúng vì sợ anh đổi ý.
Ngư dân Nguyễn Văn Nghề đang mắc mồi vào lưỡi câu.
Ra khơi
Chỉ rời khỏi bờ vài mét, chiếc thúng đã lắc lư liên tục trước những đợt sóng dồn dập. Anh Nghề quay lại trấn an: “Sóng này tuy lớn nhưng có thể đi được”. Thúng cập ghe câu, anh Nghề nhanh nhẹn nhảy qua, đem dụng cụ ra kiểm tra. Có hai chiếc cần câu (một dài khoảng 3m, một ngắn khoảng 1m), mồi câu là những con cá, con mực giả nhiều màu sắc. Những cục chì cũng được quấn giấy màu sặc sỡ.
Ngồi quấn dây cước vào cần, anh Nghề giải thích: “Câu mực ban ngày phải dùng mồi sống, còn ban đêm có thể dùng mồi giả, nhưng phải biết cách rọi đèn để mực nhìn thấy mà tìm đến chụp. Trước đây, tui dùng bóng đèn dài 1,2m, 3 bóng 1 máng. Nhưng nay, dân câu mực chuyển qua dùng bóng đèn tiết kiệm, gọi là “bóng quéo”, loại này tiện đủ thứ, ít tốn điện lại có thể tháo ra tháo vô dễ dàng”.
Vừa lúc đó, một chiếc ghe câu khác chạy qua. Ngồi trên ghe, ông Nguyễn Cư, người cùng thôn với anh Nghề, hét to: “Kiếm vài con cá nhỏ làm mồi đi”. Anh Nghề vội lấy cần câu ngắn thả xuống nước. Khoảng 10 phút sau, anh giật lên một con cá nục cỡ hai ngón tay. Gỡ con cá ra, anh thả tiếp cần xuống nước rồi nói: “Kiếm mấy con này chút nữa dằn bụng chớ thức khuya đói lắm. Tui trữ sẵn mì gói với bánh tráng, có cái lò sô. Mực, cá tươi nấu mì hay hấp cuốn bánh tráng thì hết sẩy. Cá nục nhiều thì lấy làm mồi nhử mực luôn”.
Sâm sẩm tối, anh Nghề nổ máy đèn, điện sáng choang trước và sau ghe. Chúng tôi bắt đầu mắc mồi vào lưỡi câu. Trên chiếc cần có đến hai chỗ mắc mồi. Dân câu mực chuyên nghiệp thiết kế đến 4-5 chỗ mắc mồi cho một cần, lúc mực nhiều, nhấc một cần có khi dính đến 4-5 con mực.
Chạy chừng 30 phút, anh Nghề neo ghe lại. Anh bảo, đây là Hòn Sẹo, nơi có rất nhiều mực. Không giống như cá thường chọn những rạn đá để rúc vào, mực thích những nơi có sỏi, cát, sạn hay bùn. Nhiều năm trong nghề, dân câu mực Nhơn Lý nắm rõ những “ổ mực” như Kỳ Co, Mũi Bát, Hòn Sẹo, Hòn Nhộng, Mốp Gan đá...
Đang rôm rả chuyện trò, chợt cái cần câu ngắn của tôi nhúc nhích. Tôi hét toáng lên: “Có mực rồi”. Anh Nghề thận trọng kiểm tra và gật đầu xác nhận, rồi cảnh báo phải cẩn thận, nếu không mực sẽ vuột mất. Trước tiên, tôi phải thu dây cước lên thật đều tay. Con mực đang ngậm ngang con mồi, có cảm giác bị mất sẽ ôm chặt lại và dính ngay vào chùm móc câu bên dưới. Tôi thực hiện như lời anh Nghề, kết quả là một chú mực nặng gần 3 lạng được kéo lên.
Anh Nghề đúc kết: “Câu mực phải biết nhử, thả khơi khơi nó không ăn đâu. Mực khó tính như anh chàng đẹp trai nhà giàu đi tìm vợ. “Đối tác” phải đẹp, sáng sủa và đầy hấp dẫn mới thu hút được. Chuyện một ghe hai ba người câu, nhưng người được 5-7 ký, người vài lạng là chuyện thường. Chính cách làm mồi và nhử mồi quyết định hiệu quả”.
Cùng “quan điểm” như anh Nghề, ngư dân trẻ Trần Văn Hào phân tích: “Câu mực rất vô chừng, người câu phải để ý quan sát, theo dõi. Phải biết nhìn con nước, nước lờ mực thích mồi màu xanh đậm, nước thanh nó lại thích màu lợt hơn. Phải phán đoán để thay đổi, không thì nó không ôm mồi nữa”.
Đối diện sóng gió
Gió bắt đầu thổi mạnh. Anh Nghề lo lắng nhìn ra xa. 26 năm quần nát vùng biển Nhơn Lý, anh đã quen với sự thất thường của thời tiết. Bốn bề mặt biển bao trùm một màu đen đặc. Xa xa, ánh đèn của hàng chục chiếc thuyền câu mực lấp lánh như những vì sao trên bầu trời.
Anh quyết định nán thêm. Anh thả cần xuống rồi thoăn thoắt thu dây cước lên. Mực nổi lên mặt nước, dân đi câu mà gặp cảnh này là sướng lắm, câu cả đêm quên mệt, quên đói. Cách đây vài ngày, trong một đêm, anh Nghề đã câu khoảng 50 con mực đất, tính ra gần 5 kg. Mực câu được, anh rộng vào 2 cái hồ để mực tươi sống cho đến sáng hôm sau vào bờ. “Dân gian có câu chim trời cá nước, gặp hôm mực nổi câu không hết, hôm mực nằm tận đáy phải thả dây cước thật dài câu vừa lâu vừa mệt, cũng không ít đêm ngồi chèo queo suốt cả đêm”, anh chia sẻ.
Sóng càng lúc càng to, anh Nghề quyết định cho ghe vào bờ. Hàng chục chiếc ghe câu khác cũng đang hối hả đè sóng hướng về bờ. Người ngư dân dày dạn sóng gió này khẳng định: “Ngư dân mình giờ không còn chủ quan như trước. Họ theo dõi thông tin về thời tiết sát sao lắm, có máy bộ đàm liên lạc thường xuyên và tích cực hỗ trợ nhau. Thấy biển động là lập tức vào bờ ngay”.
Nói về những hiểm nguy của nghề câu mực đêm, ông Nguyễn Giáp, 84 tuổi, ở thôn Lý Hòa, có lẽ là người rành rẽ nhất. Gần 70 năm bám biển, không nghề nào ông chưa từng làm, nên được mệnh danh là “mọi biển”. Ông chia sẻ: “Thời trẻ, tui đâu có ghe câu chắc chắn như bây giờ, mà dùng xuồng chèo. Dụng cụ câu, mồi câu cũng đơn sơ hơn nhiều. Gặp lúc trời tố mà không biết chỗ nấp là bị sóng phủ qua thuyền cuốn người xuống biển ngay”.
Gian nan, nguy hiểm là vậy, nhưng nghiệp biển vẫn có sức hút với người xứ biển. Ông Giáp trải lòng: “Người ta 60, 70 tuổi là đã nghỉ biển vì không còn đủ sức khỏe, vậy mà không hiểu sao tui không nghỉ được. Cách đây mấy tháng, tui còn câu hơn 1 két mực đất, rinh vô bờ không nổi phải nhờ người giúp. Giờ ghe câu giao cho con trai, nó sợ tôi mệt không cho tui đi thì tui đi bạn, vậy mà nó còn yêu cầu ghe bạn không cho tui đi nữa. Nói thiệt là lẩn quẩn ở nhà cuồng chân cuồng tay quá, ra biển làm chuyện này chuyện nọ tui thấy mình khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn hơn nhiều”.
Với thu nhập từ con mực, ông Giáp đã nuôi 7 người con nên người. Hai người con trai của ông đang tiếp nối nghề của cha, đêm đêm bám biển câu mực. Nhưng, anh Nghề lại nghĩ khác: “Gia đình trước đây khó khăn quá, tôi vừa đi học vừa đi biển, riết rồi bỏ học theo biển. Giờ, tui ráng làm nuôi hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn, để mai mốt có việc làm ổn định hơn”.
Tác giả chia sẻ “chiến lợi phẩm” đầu tay với ngư dân Nguyễn Văn Nghề.
Vĩ thanh
Con mực chiến lợi phẩm của tôi ngay lập tức được nướng lên, mùi thơm lừng mũi. Mực tươi nướng sơ, chấm với muối ớt thì còn gì bằng. Cái vị ngòn ngọt của mực, vị mặn mòi của biển thấm trên đầu lưỡi, lan tỏa trong vòm miệng xuống cổ họng, ăn cả đỗi vẫn còn thấy ngon miệng. Những ngư dân câu mực không to khỏe, vạm vỡ như thường thấy mà săn chắc, rắn rỏi. Họ hào sảng, thơm thảo, không quá thô kệch mà có phần khéo léo như khi chiều những cô mực “đỏng đảnh”, chú mực “háo sắc”.
Và, bên cạnh những lo toan cho cuộc sống thường nhật, họ cũng rất lạc quan, yêu cuộc sống. Nhân lúc nhắc đến chiếc máy bộ đàm, anh Nghề tặc lưỡi: “Chà, phải gặp lúc sóng yên biển lặng, tui mở karaoke cho anh chị nghe và hát. Hầu như ghe câu nào của xã cũng trang bị hệ thống thông tin liên lạc phát qua sóng (VHF), rồi dùng chiếc máy bộ đàm liên lạc có 42 kênh để liên lạc với nhau. Cứ buông câu để đó, ngồi dò tần số, rồi hẹn các ghe bạn cùng bật đến cùng tần số để nghe tui hát, rồi người khác hát, thay nhau vậy đến suốt đêm. Bài hát được yêu thích nhất là “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Khổ nhọc lắm chớ, nhất là lúc mưa gió, sóng cả như vầy, ai cũng sợ bứt neo, bứt cọc, banh máy, chết máy... Nhưng, thấy biển im im là lại tính chuyện ra khơi”.
NGỌC TÚ
Em muốn mua một số mồi giả như tôm giả, mực giả về quê đi biển, nhưng không tìm được thông tin. Anh chị vui lòng giúp em cho em xin địa chỉ mua mồi giả. Em xin cảm ơn
Thích nhất là từ "chộn rộn" của tác giả NGỌC TÚ! Báo Bình Định, dùng từ ngữ mang tính chất Bình Định, cảm ơn tác giả rất nhiều! (Tầm 4 giờ chiều, hàng chục chiếc ghe câu mực của ngư dân Nhơn Lý đã chộn rộn chuẩn bị ra khơi.)
Giời Ạ! Chuyến câu mực của tác giả Ngọc Tú thật tuyệt vời, ước gì tác giả tổ chức cho mọi người đi câu thì hay biết mấy. khi nào đi thì ới cho tui đi ké nghe. Chúc mọi người luôn được vui khỏe và bình an. Vẫn Đỗ