Võ cổ truyền “nẩy mầm” trên đất Vân Canh
Hơn 6 tháng qua, người dân Vân Canh dần quen với hình ảnh các em nhỏ địa phương trong bộ võ phục chỉn chu tham gia vào các buổi tập võ cổ truyền mỗi chiều tối. Sức hút của môn võ dân tộc đang ngày một lớn đối với thanh thiếu niên huyện miền núi này.
Từ lời hứa bất đắc dĩ
Chính võ sư Hồng Kha (Hội võ thuật TP Quy Nhơn) cũng không thể ngờ có ngày mình mở lớp võ cổ truyền tại Vân Canh. Nhưng như lời ông nói, mọi chuyện bắt đầu từ một tai nạn, vậy mà có cái kết đầy bất ngờ. Đó là trong dịp tổ chức võ đài liên tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tháng 6.2013 tại Vân Canh, khi trận đấu cuối cùng đang diễn ra thì một người dân thiếu ý thức ở ngoài sân ném đá vào khu vực khán giả đang đứng. Hòn đá trúng vào mặt một em nhỏ người dân tộc Chăm đang đứng xem, làm chảy máu khá nhiều ở mũi. Bức xúc vì mua vé vào xem mà con bị thương tích nặng, cha của cô bé nọ ẵm em đến bàn Ban Tổ chức để “bắt đền cái mũi”.
Võ sư Hồng Kha năn nỉ, thuyết phục, cam kết sẽ lo toàn bộ tiền viện phí, nhưng cha của cô bé nhất quyết không chịu. Trong tâm trạng rối bời vì sự cố hy hữu, đột nhiên võ sư Hồng Kha nảy ra một ý, đó là cam kết sẽ dạy võ miễn phí cho… nạn nhân. Đến lúc này, cha của cô bé mới chịu đưa con đến bệnh viện để sơ cứu. “Chả hiểu sao lúc đó tôi lại nghĩ ra ý này, cũng may là họ đồng ý, chứ không tôi cũng chẳng biết phải xử lý thế nào nữa” - võ sư Hồng Kha bộc bạch.
Ngay ngày hôm sau, khi đã xử lý hết những công việc liên quan đến việc tổ chức võ đài, võ sư Hồng Kha liền tìm đến nhà bé Trần Thị Quỳnh (nạn nhân của vụ bị ném đá). Thăm hỏi tình hình xong, ông tranh thủ hoàn tất các thủ tục và mở lớp ngay tại thị trấn Vân Canh. Không ngờ số lượng võ sinh đến đăng ký cứ tăng vùn vụt, nhanh chóng hình thành được một lớp với vài chục em.
“Bén rễ” trên vùng đất mới
Được huyện tạo điều kiện về địa điểm tập luyện, đều đặn tuần 3 buổi, võ sư Hồng Kha lại vượt ngót 30 cây số từ Diêu Trì lên Vân Canh chỉ dạy cho đám học trò. Ông tâm sự: “Ban đầu tôi cũng rất lo lắng, vì hầu hết các em là người dân tộc Chăm, Bana, nên không biết phải dạy thế nào cho các em dễ hiểu. Tuy nhiên, khi tiếp xúc, tôi mới biết được các em đều có thể hiểu và giao tiếp được bằng tiếng Kinh”. Một điều làm võ sư Hồng Kha cảm thấy có sự khác biệt so với các lớp võ ở những nơi từng dạy là phụ huynh của các võ sinh tại Vân Canh rất kính trọng thầy. Họ thường xuyên chở con em mình đến lớp đúng giờ và tuân thủ tất cả những quy định đưa ra một cách nghiêm túc. Theo ông, đó một phần là vì bản chất của người dân nơi đây, phần nữa họ rất mê võ, nên dành sự tôn trọng đặc biệt cho các võ sư.
Chỉ qua vài tháng tập luyện, cả những bài biểu diễn lẫn đối kháng, nhiều võ sinh trẻ (trong đó có cô bé Trần Thị Quỳnh) đã cho thấy sự tiếp thu rất tốt. Thêm vào đó, mỗi khi tham dự các đợt võ đài, võ sư Hồng Kha đều dẫn học trò theo để các em quen dần và dạn dĩ khi biểu diễn và thi đấu trước đám đông. Những màn biểu diễn côn nhị khúc của các võ sinh nhí trong những đêm võ đài tổ chức tại xã Canh Vinh (Vân Canh) trong dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua đã khiến nhiều khán giả bất ngờ và thích thú. Anh Nguyễn Hữu Sơn, phụ huynh của em Nguyễn Trần Mỹ Duyên (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học số 1 Vân Canh), cho biết: “Sau những giờ học trên lớp và học thêm ở nhà, con của tôi rất thích được tham gia tập võ ở lớp của võ sư Hồng Kha. Hiện cháu đã có thể biểu diễn được 2 bài quyền và 1 bài côn nhị khúc. Từ ngày tập võ, sức khỏe của cháu tốt hơn trước, thành tích học tập cũng ổn định hơn”.
Ông Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Vân Canh, cho biết: “Từ hàng chục năm nay phong trào tập luyện võ cổ truyền ở Vân Canh hầu như mất hẳn. Vì vậy, khi biết võ sư Hồng Kha có ý định mở lớp chúng tôi rất ủng hộ. Với sự tiến bộ của các em như hiện nay, chắc chắn trong thời gian tới huyện sẽ có lực lượng để tham gia các giải cấp tỉnh và biểu diễn ở các sự kiện khác”. Hài lòng với sự nhiệt tình, tạo điều kiện hết mình của lãnh đạo địa phương, võ sư Hồng Kha còn dự định mở thêm một lớp võ cổ truyền ở xã Canh Vinh. Có thể nói, ông đang rất thành công trong việc “khai phá” ở một vùng đất mới, và đây cũng là một tín hiệu vui cho võ cổ truyền Bình Định.
LÊ CƯỜNG