“Bông mai đỏ” và những thành công bước đầu
Sau hơn 3 tháng dàn dựng, “Bông mai đỏ” - tác phẩm sân khấu truyền thống đầu tiên trong cả nước về nhân vật lịch sử Mai Xuân Thưởng - do Nhà hát tuồng Đào Tấn thực hiện, đã hoàn thành. Đêm tổng duyệt (19.2), vở diễn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực ngay từ lần đầu tiên ra mắt khán giả.
“Bông mai đỏ” là vở tuồng ngợi ca lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, đoàn kết chống giặc ngoại xâm của nhân dân Bình Định dưới vai trò thủ lĩnh của Mai Xuân Thưởng.
Mới mẻ và thử thách
Trong đó, nhân vật trung tâm Mai Xuân Thưởng không chỉ được ca ngợi bởi hoài bão lớn và sự hy sinh cao cả cho tự do dân tộc, bởi gương bất khuất khi đối diện với kẻ thù, mà còn sáng lên ở những tầng sâu nội tâm. Vở diễn nhấn mạnh chữ “hiếu” đặt hài hòa với chữ “trung” của vị anh hùng trẻ tuổi. Mai Xuân Thưởng quan niệm: Nước non là nghĩa cả, nhưng mẫu tử là tình thâm nên ông đã tìm ra kế sách để chữ trung, chữ hiếu được lưỡng toàn mà vẫn giữ tròn thanh danh, khí tiết bằng việc tập kích đồn Phú Phong cứu thân mẫu và dân làng thoát ngục.
Đây là vở diễn hay, quy tụ dàn diễn viên tương đối đồng đều, đường nét diễn tốt, âm nhạc, cảnh trí… đều được đầu tư công phu. Vai diễn ấn tượng nhất là vai Mai Xuân Thưởng (NSND Minh Ngọc đóng). Tuy nhiên, theo tôi vở diễn mắc một lỗi nhỏ, đó là ở màn 5, cảnh Mai Xuân Thưởng và Quế Lan đánh nhau với địch và bị thương, việc dàn dựng không có quân địch trên sân khấu dễ khiến người xem thấy khó hiểu. Nếu khắc phục điểm này, vở diễn sẽ hoàn hảo hơn.
NSND TRƯƠNG ĐÌNH BÔI
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Ngọc Đình bộc bạch, do chưa có đơn vị nghệ thuật nào dàn dựng về nhân vật lịch sử Mai Xuân Thưởng nên đây là công việc mới mẻ và đầy thử thách đối với êkíp thực hiện. “Khó khăn nhất là làm sao truyền tải tới công chúng cái nhìn khách quan, toàn diện về vị anh hùng của quê hương Bình Định - Mai Xuân Thưởng. Trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử kết hợp với tính hư cấu của sân khấu, vở tuồng mới “Bông mai đỏ” hy vọng sẽ góp phần “cải thiện” cách nhìn về nhân vật lịch sử của địa phương, đảm bảo vở diễn vừa sáng đẹp về tư tưởng vừa hấp dẫn về nghệ thuật”, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn Hoàng Ngọc Đình trăn trở.
Trước khi khởi công xây dựng vở, lãnh đạo Nhà hát tuồng Đào Tấn cùng êkíp thực hiện đã về lăng mộ Mai Xuân Thưởng (ở huyện Tây Sơn), dâng hương vị anh hùng. Thêm một dịp để tập thể nghệ sĩ Nhà hát hướng về nguồn cội và việc làm mang tính tâm linh này cũng là một cách “tiếp cận” nhân vật đầy hiệu quả.
Sáng tạo, hiệu quả trong dàn dựng
Ý đồ nghệ thuật “làm mới tuồng lịch sử” mà đạo diễn cùng êkip đặt ra được thể hiện trong quá trình dàn dựng “Bông mai đỏ”. Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình chọn thủ pháp dàn dựng hơi nghiêng về sử thi, nhằm đưa tác phẩm sân khấu gần gũi hơn với cuộc sống. Những hình ảnh gần gũi, thân thuộc với đời thường con người như bụi tre, cỏ cây hoa lá, con suối, chiếc thuyền…. vừa là hình ảnh quê hương vừa là biểu tượng của khát vọng, của niềm tin mãnh liệt trong gian khó, hiểm nguy. Khi bị quân của Trần Bá Lộc truy kích, Mai Xuân Thưởng bị thương nặng, tình thế nguy cấp thì hình ảnh chiếc thuyền nan xuất hiện mở ra niềm hy vọng mới, dàn đồng ca tượng trưng cho lau sậy kết thành mạn thuyền vượt đầm sâu sóng cả đưa người anh hùng về căn cứ Hầm Hô, Linh Đổng. Tre mọc thành bờ lũy có nghĩa là lòng dân chống Tây của dân tộc cũng vững vàng, thành trì như bờ lau ấy. Hình ảnh vầng trăng khuyết xuất hiện ở cảnh pháp trường xử chém Mai Xuân Thưởng, tượng trưng cho sự nghiệp của người anh hùng còn dang dở khi đang ở tuổi 27 cũng là một ẩn dụ khá thú vị…
Một hiệu quả không kém nữa là ở việc sử dụng, nâng cao các thủ pháp nghệ thuật của tuồng như ước lệ, tượng trưng, thực - ảo đan xen… Điều này có thể thấy rất rõ ở lớp tuồng Đào Doãn Địch và Mai Xuân Thưởng gặp nhau, trên nền nhạc vừa mạnh mẽ, hào hùng vừa thiết tha, sâu lắng. Hình ảnh Chủ tướng Đào Doãn Địch hiện ra trao thanh kiếm cho Mai Xuân Thưởng lên thay quyền Nguyên soái với tất cả lòng kỳ vọng là chi tiết vừa thực vừa ảo đan xen được đạo diễn vận dụng linh hoạt, tạo sự bất ngờ cho người xem. Đào Doãn Địch dù đã đi xa nhưng hồn vẫn dõi theo từng bước đi của Mai Xuân Thưởng. Cái khác lạ là ở chỗ hai ý tưởng lớn gặp nhau, tạo nên sự đồng thuận về cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Chất liệu âm nhạc vocall tạo nên màu sắc huyền bí khi hai vị anh hùng gặp nhau. Lớp tuồng này có thể nói đã làm nên sự khác biệt, mới lạ so với các vở tuồng lịch sử Nhà hát đã dàn dựng trước đó.
Âm nhạc trong “Bông mai đỏ” cũng được sử dụng đa dạng, linh hoạt và hiệu quả. Âm nhạc bám sát sự thể hiện của diễn viên, hỗ trợ đắc lực cho các nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu. Nơi căn cứ Lộc Đỗng, nghĩa quân đang tập luyện võ nghệ, chất liệu nhạc võ Tây Sơn tạo chất hùng tráng, gợi liên tưởng về sự nối tiếp truyền thống, theo chân anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ chống giặc ngoại xâm. Sự vận dụng khéo léo, nhuần nhuyễn chất liệu nhạc võ Tây Sơn, dân ca Bình Định và âm nhạc dân gian Nam Trung Bộ vào nhạc tuồng trong “Bông mai đỏ” càng góp phần làm cho vở diễn mang đậm bản sắc của tuồng Bình Định.
THÚY HƯỜNG - KHẢI THƯ