Ngăn ngừa nạn tự tử trong đồng bào DTTS:
Cần khôi phục luật tục, hương ước tốt đẹp của làng
Tình trạng tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang có những diễn biến phức tạp tại các huyện miền núi. Để ngăn ngừa hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cần khôi phục luật tục, hương ước tốt đẹp của làng và dựa vào lực lượng nòng cốt là già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Theo thống kê của các ngành chức năng, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 131 vụ tự tử trong đồng bào DTTS. Còn theo thống kê riêng của nhóm thực hiện Đề tài “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Định” (do Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, ngày 18.2 Hội đồng KH-CN tỉnh đã nghiệm thu và đánh giá Đề tài xếp loại Xuất sắc) thì từ năm 2008 đến tháng 3.2012 (thời điểm thực hiện đề tài), có 108 vụ tự tử, làm chết 66 người, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện An Lão và Vĩnh Thạnh. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỉ lệ người DTTS Bana tự tử chiếm 53,7% tổng số vụ, kế đến là người H’rê (40,7%) và người Chăm (5,5%).
Liên quan đến rượu và tâm lý
Phần lớn người tự tử là lao động chính đóng góp chủ yếu vào kinh tế gia đình (làm nông: 82,4%; học sinh, sinh viên: 3,7%; cán bộ, công chức: 4,6% và già yếu mất sức lao động: 9,2%). Cá biệt, có 6,4% trong tổng số các trường hợp tự tử là đảng viên. Tuy số người tự tử thuộc nhóm nghề nghiệp là công chức và đảng viên chiếm tỉ lệ không cao, nhưng cho thấy họ vẫn bị chi phối bởi tâm lý đặc trưng của người miền núi.
“Theo tôi, để công tác ngăn ngừa phát huy hiệu quả, tỉnh cũng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền trong đồng bào về tác hại, hậu quả của việc tự tử. Đặc biệt, cần tập huấn, trang bị cho lực lượng nòng cốt già làng, người có uy tín thêm những kiến thức, kỹ năng về cuộc sống hiện đại, để họ có cách tiếp cận, động viên phù hợp với suy nghĩ của lớp trẻ”.
Ông PHẠM VĂN NAM, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Lão
Ông Nguyễn Đình Thanh, Chủ nhiệm Đề tài, phân tích thêm: “Đặc điểm chung về tâm lý của đồng bào DTTS là trung thực, có sao nói vậy, song cũng rất tự ti. Vì vậy mà khi người khác xúc phạm, thay vì giải thích cho người khác hiểu mình, họ lại đi tìm cái chết để chứng minh rằng mình không phải là người như vậy; hoặc có suy nghĩ mình chết đi thử xem người còn lại sống như thế nào khi thiếu họ”. Bà Huỳnh Thị Sen, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh, cũng cho rằng, tâm lý tự ti đã đẩy họ đến những hành động tiêu cực. Bà đơn cử có trường hợp vì không đáp ứng được yêu cầu mua xe máy của con cũng đã tự tìm đến cái chết.
Kết quả khảo sát của Đề tài cũng cho thấy, hơn 80% trường hợp tự tử liên quan đến việc uống rượu. Rượu được xem như là chất “xúc tác” để họ mạnh dạn kết liễu cuộc sống mình. Việc uống rượu giờ đây không còn là nét văn hóa tiêu biểu của người miền núi mà đã bị lạm dụng quá mức. Có đến 34,5% số người được hỏi cho rằng uống rượu là để tiêu hao thời gian nhàn rỗi, 31,4% nói uống rượu là do thói quen; cá biệt có 20,1% ý kiến cho rằng uống rượu là vì nghiện rượu.
Cần khôi phục luật tục, hương ước tốt đẹp
Đây là một trong những đề xuất đáng chú ý của Đề tài nhằm ngăn ngừa hiệu quả nạn tự tử trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Định bên cạnh các nhóm giải pháp nâng cao năng lực quản lý của Đảng và Nhà nước, trình độ nhận thức và đời sống cho đồng bào DTTS. Đề tài nhấn mạnh đến sự cần thiết khôi phục các giá trị truyền thống của luật tục (định hướng theo đường lối của Đảng, Nhà nước) và xây dựng, tổ chức thực hiện nội dung hương ước (vận dụng pháp luật và luật tục) trong đồng bào DTTS.
Khảo sát thực tế đã cho thấy, tại các xã An Quang, An Dũng, An Hưng, An Trung (An Lão), Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), nơi có sự giao thoa nhiều và ảnh hưởng bởi lối sống của dân tộc khác, thì mối liên hệ giữa cá nhân và cộng đồng giảm sút đáng kể, dẫn đến tỉ lệ tự tử cao hơn.
Theo bà Huỳnh Thị Sen, để ngăn ngừa hiệu quả tệ tự tử cần xóa bỏ được tâm lý tự ti của đồng bào DTTS. Ông Phạm Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Lão, chia sẻ kinh nghiệm: “Bên cạnh việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chúng tôi đặc biệt chú trọng phát huy vai trò lực lượng nòng cốt là già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS, tích cực hòa giải ở cơ sở, nắm bắt tâm tư của đồng bào để khuyên giải, động viên họ kịp thời”. Từ địa phương có nhiều trường hợp tự tử, hiện nay An Lão đã bước đầu thực hiện có hiệu quả việc ngăn ngừa, phát hiện kịp thời những trường hợp tự tử. Trong 2 năm qua, địa bàn huyện không xảy ra trường hợp nghi kỵ, cầm đồ nào. Năm 2013, toàn huyện xảy ra 4 vụ tự tử nhưng cứu sống được 2 trường hợp nhờ phát hiện kịp thời.
Còn ông Đinh Văn Nhin, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, người có uy tín ở thôn Gò Bùi (thị trấn An Lão) thì nói: “Nhiều năm nay thôn không xảy ra tệ tự tử vì chúng tôi biết cách khuyên giải, động viên. Với người đang bực tức, ấm ức thì nhẹ nhàng động viên họ, rằng nếu họ đi tìm cái chết thì chỉ thiệt thân mà thôi, vợ mình thì người ta lấy (nếu là đàn ông), con mình chịu khổ. Với phụ nữ, mình khuyên họ ngược lại…”.
Bài và ảnh: THU HÀ