Sản xuất nông nghiệp với nông dân Phù Mỹ:
“Tấc đất tấc vàng”
Trong khi ở một số địa phương trong nước, đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang hóa hàng ngàn hecta, thì trên địa bàn huyện Phù Mỹ, ở đâu có đất, có thể trồng cây, gieo hạt, ở đó có bóng dáng và mồ hôi, công sức của người nông dân. Mỗi tấc đất ở Phù Mỹ dưới bàn tay chăm bón của bà con nông dân đều trở thành “tấc vàng” để góp phần giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập, tăng nhanh số hộ khá, giàu.
Trong phóng sự này, chúng tôi không nhằm mục đích nói đến nền kinh tế nông nghiệp của toàn huyện Phù Mỹ, mà từ một số “góc nhìn cận cảnh” về những nông dân quý đất như vàng, đã tận dụng đất đai để trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, làm ra sản phẩm cho xã hội, tăng thu nhập cho gia đình mình, để giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Và ở Phù Mỹ có rất nhiều nông dân như vậy.
Vàng trên đất gò đồi
Nghe chuyện ông Bảy Khùng (tên thật là Bùi Văn Viên, ở thôn Văn Trường, xã Mỹ Phong) có năm thu nửa tỉ đồng từ trồng xoài trên núi khiến chúng tôi vừa tò mò, vừa khâm phục, quyết định phải “mục sở thị” bằng được. Từ đỉnh đèo Nhông, xuôi đường Bà Nam về Mỹ Thọ, chừng 4 km, rẽ vào phía nam vượt thêm 2 km nữa, chạm chân núi Hóc Sứa (xã Mỹ Trinh) chúng tôi rời xe máy, đi bộ hơn cây số vượt dốc núi mới đến được rẫy xoài của ông. Thật ấn tượng, 3 ha xoài trải dài tít tắp đang độ ra bông sum suê, trắng xóa một vùng, ken dày những trái xoài li ti như hạt đậu xanh, như xóa tan đi sự mệt nhọc của chúng tôi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bảy trải lòng: Cách đây 15 năm, khi ông bổ nhát cuốc đầu tiên trên vùng đất này, ai cũng lắt đầu le lưỡi, bảo ông đừng khùng, tự dưng bỏ làng mang xác lên nơi “khỉ ho cò gáy” mà chuốc họa vào thân. Mặc! Ai nói gì thì nói, ông cứ cần cù ngày đêm chặt, đốt, cuốc, đào, xếp dọn từng cục đá, gốc cây, khai hoang được đến đâu trồng xoài đến đó. 3 năm sau, 220 cây xoài giống “ba mùa mưa” lấy từ Đồng Nai về trồng cho trái bói đầu tiên. Ông rất vui và tin tưởng tương lai cây xoài trên đất này. Ông tiếp tục đầu tư, mua thêm rẫy, đưa diện tích xoài lên gần 3 ha với hơn 700 gốc xoài. Gần chục năm qua, bình quân mỗi năm ông thu 300 - 400 triệu đồng, có năm lên tới nửa tỉ đồng. Quả thật, đất chẳng bao giờ phụ công người, kể cả đất đồi gò khô cằn sỏi đá!
Chia tay ông Bảy Viên, chúng tôi ngược lên truông Gia Vấn (xã Mỹ Hòa) tìm anh Đỗ Văn Vỹ. Chỉ mới năm 2012, sau nhiều năm bôn ba ngược xuôi tìm đất, đã từng gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, vẫn thấy khó khăn, anh quyết định khăn gói quay về quê và lên truông Gia Vấn thuê 2 ha đất, khai hoang vỡ hóa, bơm nước từ hồ chứa của ông Châu - người cho thuê đất - đưa vào trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, ngay vụ đầu đã thu hơn 240 triệu đồng; rồi tiếp đến vụ 2 trồng ớt thu thêm mấy chục triệu đồng nữa. Vụ Đông xuân này, trên diện tích 2 ha ấy, một nửa anh trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, nửa kia trồng bí đao hồ lô, hiện hơn 2 tháng tuổi, dưa đã to bự, bí đao đã ra hoa, kết trái. “Mê lắm, giờ chăm nó, ăn ngủ cùng nó, trông nó như con mọn, thong dong thời tiết ấm êm kiểu này mình hy vọng dưa bí cả thảy 50 - 60 tấn, vụ này sẽ trúng” - anh Vỹ tự tin như vậy.
Còn vợ chồng anh Nguyễn Đình Công, ở thôn Lạc Sơn, xã Mỹ Trinh, lại làm giàu ở Hố Hầm - nơi đất đồi cao thấp chênh vênh, đá cục đá hòn, giao thông cách trở. Bao năm vất vả, anh đã biến nơi đây thành những ô bậc thang phẳng phiu để dưa leo, khổ qua, kiệu, đậu đỗ, nhất là ớt, phát triển xanh tốt, cho những mùa vụ bội thu. Ngoài ra, anh chị còn đầu tư chăn nuôi với đàn bò lai trên 30 con. “Bò cái đẹp, chuẩn, tui để gầy nái tiếp, bò đực tốt tui nuôi thịt, có năm xuất bán 5 - 6 bò thịt, thu về trăm triệu đồng” - anh hồ hởi không giấu giếm. Chưa hết, vợ chồng anh còn có hơn 7 ha keo lai thuộc Dự án trồng rừng WB3, đã thu hơn 400 triệu đồng, vài năm nữa là thu hoạch lứa thứ 2...
Vàng từ cây trồng cạn và chăn nuôi
Bình quân tổng diện tích cây trồng cạn ở Phù Mỹ (chủ yếu là ớt, dưa hấu, kiệu, đậu phụng, bắp, mè, rau dưa các loại) trong những năm gần đây gần 9.000 ha/năm. Riêng năm 2013, do thiếu nước nên diện tích sản xuất lúa được chuyển sang cây trồng cạn khá nhiều, lên 10.391 ha. Bà con nông dân Phù Mỹ thường luân canh cây trồng cạn: Đậu phụng xong, tới bắp, hoặc mè. Cây ớt xong tới đậu phụng hoặc bắp. Dưa hấu Đông Xuân xong tới bắp hoặc ớt Hè Thu… Thu nhập từ cây trồng cạn rất cao, gấp nhiều lần so với cây lúa. Nếu như bình quân tổng giá trị thu nhập/ha canh tác ở Phù Mỹ, trong mấy năm gần đây trên dưới 100 triệu đồng, riêng năm 2013 là 111, 64 triệu đồng thì giá trị canh tác cây trồng cạn bình quân cao gấp 2 - 3 lần.
Anh Hồ Đình Bảo, ở thôn Quang Nghiễm - xã Mỹ Châu, sau bao năm thăng trầm, anh dứt khoát bỏ nghề điện tử làm thuê, kể cả tay cầm vô-lăng ra Bắc, vào Nam, để trở về mảnh đất quê mình và từng bước phất lên nhờ đất. Ở trang trại của anh, hiện có 1 sào dưa leo đang thu hoạch, 2 sào ớt trái sum suê, 3 sào lúa đang lên xanh, 2 sào đậu phụng đang thời chắc hạt, 400 trụ tiêu vừa bén rễ, cùng với đàn bò nuôi vỗ béo, đàn nai lấy nhung... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Bảo khẳng định: Có điện lưới quốc gia, có mạch nước ngầm, có máy tính kết nối học hỏi đủ thứ và tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi thì sẽ có tiền, có vàng thôi.
Khi chúng tôi tìm đến thì anh Huỳnh Văn Trang, ở thôn Hội Phú, xã Mỹ Hòa, đang “chỉ huy” thợ sửa chữa lại ngôi nhà, xây thêm các phòng để con cái có mỗi đứa một chỗ học tập, vui chơi. Anh sôi nổi sẻ chia: “Tất cả nhà tôi sống nhờ vào đất. Làm gì có đất xấu, do mình chăm sóc, cấy cày thôi. Giờ tui còn muốn có thêm đất nữa mà”. Trên diện tích 21 sào đất cả chục năm qua anh dành hẳn 8 sào cho 3 vụ lúa/năm, xấp xỉ thu 7 tấn thóc, nhưng theo anh, điều quan trọng hơn là lấy rơm nuôi bò, cứ bình quân mỗi năm từ 3 con bò cái nền sinh 3 bê con, nuôi 5 tháng, bán giống, thu gần 50 triệu đồng. Trên diện tích còn lại, tùy mùa, tùy vụ anh luân canh, xen canh xoay vòng các cây trồng: từ đậu, mướp, ớt, dưa leo, khổ qua, đến kiệu… bình quân thu cả trăm triệu đồng/năm. Trò chuyện với chúng tôi, say sưa nói về sản xuất nông nghiệp, rồi anh cười khà và kết luận: “vàng đó chứ đâu”.
Biến đất thành vàng
Người nông dân Phù Mỹ đã biết đổi mới cách nghĩ, cách làm theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biết tận dụng và khai thác tối đa từng dòng nước trên khe, trên núi, nhất là trên 44 ao hồ chứa với dung tích nước hơn 40 triệu m3 tưới tắm ruộng đồng, vườn nhà, trang trại... là một yếu tố không thể thiếu để đất hóa vàng. Sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao đã góp phần cho số hộ khá giàu ở Phù Mỹ tăng mạnh, hộ nghèo giảm xuống còn 9,33%.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, khẳng định: Đất có, nước có, lao động có, kỹ thuật có, dám nghĩ, dám làm, không sợ khó, không sợ khổ, biết cách sáng tạo trong làm ăn, hầu hết nông dân Phù Mỹ khá giàu lên trông thấy.
Ngoài đất được cấp, bà con nông dân Phù Mỹ còn đấu thầu, còn thuê mướn, còn khai hoang vỡ hóa, còn tận dụng từng chút đất thừa, biền chéo, tăng hệ số sử dụng đất để sản xuất, đưa tổng diện tích gieo trồng hằng năm ở Phù Mỹ lên khoảng 30.000 ha, với giá trị kinh tế mang lại năm sau cao hơn năm trước, từ 944,127 tỉ đồng năm 2010 lên trên 1.447 tỉ đồng năm 2013.
Riêng vụ Đông Xuân 2013-2014 này toàn huyện Phù Mỹ đưa vào sản xuất trên diện tích hơn 13.500 ha cây trồng các loại, trong đó phần lớn diện tích sắp cho thu hoạch và có thể tin vào một mùa vàng bội thu.
Bài và ảnh: XUÂN LỘC - THANH TRỌN