Phòng chống dịch cúm gia cầm:
Chú trọng tiêm phòng cho đàn vịt
Từ đầu tháng 3 đến nay, tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm (DCGC) làm cho nhiều đàn vịt chết hàng loạt, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy để tránh lây lan ra diện rộng. Mới đây, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT và chính quyền các địa phương khẩn trương thắt chặt công tác phòng chống DCGC, đồng loạt ra quân tiêm phòng cho đàn thủy cầm trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng thú y tiêm phòng cho đàn gia cầm tại xã Hoài Đức (Hoài Nhơn). Ảnh: NGUYỄN HÂN
Nhiều nguy cơ lây lan DCGC
Theo Cục Thú y, hiện nay, tình hình DCGC đang xảy ra tại một số tỉnh trong cả nước và diễn biến rất phức tạp. Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cũng vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ DCGC lây lan cho đàn gia cầm và cho người ở Việt Nam là rất cao. Qua kết quả xét nghiệm của Trung tâm Thú y vùng IV tại Đà Nẵng, hầu hết các mẫu xét nghiệm lấy từ các đàn vịt chết ở tỉnh ta đều cho kết quả dương tính với vi-rút cúm A (H5N1).
Sau khi có thông tin về DCGC tái phát, công tác triển khai phòng chống dịch được các ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai khá khẩn trương. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, việc tổ chức chăn nuôi ở một số trang trại, gia trại, các tụ điểm buôn bán gia cầm sống; hoạt động giết mổ gia súc gia cầm không đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y… vẫn còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đáng lo ngại là vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi chưa ý thức cao trong phòng chống DCGC, vẫn “vô tư” chăn thả vịt trên các dòng sông lớn; đưa vịt chạy đồng tìm thức ăn trên những ruộng lúa vừa mới thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết: Việc chăn thả vịt trên sông, đưa vịt chạy đồng làm cho nguy cơ lây lan DCGC là rất lớn. Vi-rút cúm gia cầm có thể phát tán theo dòng nước từ đầu nguồn đến cuối nguồn. Thế nhưng việc nghiêm cấm các hộ nuôi vịt chăn thả trên sông rất khó khăn, do tập quán chăn nuôi. Ngoài ra, hoạt động giết mổ gia cầm sống ngay tại các chợ vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nhiều hộ chăn nuôi tổ chức vận chuyển gia cầm từ nơi này đến nơi khác bằng các phương tiện xe máy, xe cơ giới nhưng không có thiết bị che chắn cũng là nguy cơ phát tán DCGC.
Ngoài ra, đa số các hộ chăn nuôi ở tỉnh ta nuôi gia cầm theo quy mô hộ gia đình, phân tán, rải rác với số lượng ít; các khu chăn nuôi còn tồn tại khá nhiều trong khu vực đông dân cư, dẫn đến rất khó kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra.
Đẩy mạnh tiêm phòng cho đàn vịt
Trước nguy cơ DCGC lây lan ra diện rộng, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn số 1039/UBND-KTN yêu cầu lãnh đạo Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng chống DCGC; phát hiện kịp thời và có biện pháp bao vây khống chế, dập tắt không để DCGC lây lan. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân, mua bán, vận chuyển gia cầm nhiễm bệnh ra vùng dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về mối nguy hại và nguy cơ bùng phát DCGC, tích cực vận động và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện và báo cáo ngay các trường hợp gia cầm có biểu hiện bất thường cho cơ quan thú y, chính quyền cơ sở để được phối hợp xử lý kịp thời. Tuyệt đối không ăn tiết canh, không ăn gia cầm mắc bệnh, gia cầm chết và không được giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT nhanh chóng hoàn tất các thủ tục mua, cung ứng 2 triệu liều vắc xin phòng DCGC và thuốc sát trùng, đảm bảo cung ứng kịp thời cho các địa phương, phục vụ công tác tiêm phòng có hiệu quả. Ngành Nông nghiệp chỉ đạo tăng cường hoạt động của tổ cơ động chống dịch của ngành, đảm bảo sẵn sàng ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát. Kịp thời thành lập các tổ công tác, phân công phụ trách địa bàn, chủ động nắm diễn biến tình hình dịch bệnh, kiểm tra công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp chống dịch tại các địa phương trong tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Quốc cho biết thêm: Để công tác phòng chống DCGC mang lại hiệu quả, từ ngày 5.4 đến 20.4, Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương đồng loạt ra quân tiêm phòng cho đàn thủy cầm gần 3 triệu con; trong đó, chú trọng tiêm phòng cho đàn vịt con mới tái đàn. Trong đợt tiêm phòng này, phấn đấu đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 90% tổng đàn vịt trong tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đã chi hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách trên 700 triệu đồng để mua 2 triệu liều vắc-xin cấp cho các địa phương triển khai tiêm phòng miễn phí cho đàn vịt. Người chăn nuôi chỉ chi trả tiền công tiêm phòng cho lực lượng Thú y với giá 200 đồng/con. Riêng đối với các huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, toàn bộ kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng và tiền công tiêm phòng được tỉnh hỗ trợ 100%.
Bên cạnh đó, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tăng cường công tác kiểm dịch tại chốt kiểm dịch Bình Đê (Hoài Nhơn), nhằm kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm và giống gia cầm từ các địa phương khác ra vào địa bàn tỉnh. Ngành Thú y cũng đã thành lập các đoàn công tác phối hợp với chính quyền, các hội - đoàn thể ở địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh; thường xuyên lấy mẫu huyết thanh trên đàn gia cầm để xét nghiệm tìm vi-rút DCGC; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ gia cầm tại các chợ, các tụ điểm mua bán để phát hiện dịch bệnh kịp thời.
NGUYỄN HÂN